Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (726 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (498 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (80 bài viết)
  • Sản phẩm mới (216 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (549 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (156 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (127 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (183 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (70 bài viết)
  • Cùng học (92 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (78 bài viết)
  • School@net 15 năm (154 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (124 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (363 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1210 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1037 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (275 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (180 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8223 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 11
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 11
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 89562194 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Đề thi môn văn các trường đại học và cao đẳng năm 2007: Giết chết sự sáng tạo

    Ngày gửi bài: 15/08/2007
    Số lượt đọc: 3281

    Lao Động số 173 Ngày 28/07/2007

    Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket
    (LĐ) - Khi cầm đề thi môn văn (khối D) năm nay, nhiều cử nhân văn chương, giảng viên, giáo sư (GS) đại học giật mình vì lối ra đề xa lạ; đến lúc đọc đáp án, lại càng ngạc nhiên hơn.
    Sự mâu thuẫn, phi lý lặp đi lặp lại trong cách ra đề và đáp án hiện nay đang làm đau đầu các thầy - cô giáo chấm thi đại học.

    Nếu lách được theo ý mình thì tôi vẫn cố chấm thêm điểm cho học trò, nhưng càng chấm bài, càng thấy rằng học trò nào có đầu óc, biết suy nghĩ thì sẽ làm bài không đạt yêu cầu với đáp án. Nếu tôi thi, tôi cũng bị đánh rớt! Những điều này tôi đã lên tiếng nhiều lần rồi, báo chí cũng nói nhiều, nhưng vẫn không đến tai người ra đề thi" - một GS trường đại học nhận định.

    Nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu phân tích: Yêu cầu đề văn câu 2 (5 điểm) là phân tích vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa hiện đại của bài thơ "Tràng giang" (Huy Cận). Nhưng đến đáp án thì phần này chỉ được 1 điểm (!), người ta buộc thí sinh đầu tiên phải giới thiệu tác giả tác phẩm (0,5 điểm), phân tích từng khổ thơ (3 điểm), sau đó mới đến vẻ đẹp hiện đại - cổ điển, rồi có kết luận (0,5 điểm).

    Như thế thì nếu em nào phân tích theo hai luận điểm cổ điển và hiện đại thì xem như lạc đề. Rồi đến cách phân tích nhân vật theo kiểu diễn giải. Tôi dị ứng hoàn toàn với cách ra đề thi lẫn chấm thi ở ta. Thay vì đưa ra những tác giả lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, thì người ta lại loanh quanh hỏi những tác phẩm mà cả giáo viên cũng không biết chấm làm sao.

    Tôi không đồng ý với cách ra đề kiểu như thế, nên cũng chấm ít bài rồi thôi. Năm ngoái có trường hợp đáp án tréo ngoe, như khi phân tích bài "Đây mùa thu tới", vị GS ra đề cho đây là tiếng reo vui, trong khi một học sinh cấp hai cũng biết đó là bài thơ buồn. Những chuyện cười không nổi ở VN khi chấm thi nay đã trở thành bình thường mới là lạ!

    Tình trạng ra đề thi văn bất ổn, thiếu chính xác và đáp án không phù hợp với yêu cầu của đề diễn ra nhiều năm nay. Điều này cho thấy một số cách nghĩ áp đặt không theo một nguyên tắc văn chương nào đã và đang giết chết sự sáng tạo của học sinh. Nhiều nhà nghiên cứu đã phản ánh qua những bài viết hay bài phát biểu của mình, nhưng dường như tất cả kỳ thi không thể tránh khỏi lối mòn có sẵn.

    Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Huỳnh Như Phương lên tiếng cảnh báo: Bao nhiêu năm nay, đề văn vẫn quá cũ, và dường như không còn tác phẩm nào để ra đề. Việc trùng lặp trong đề thi hàng năm không tránh khỏi. Thử hỏi ngay một GS hay một giảng viên đại học được cho đề tài để suy nghĩ và viết 10 trang trong vòng 3 tiếng, liệu có xoay xở được không? Năm nào đáp án cũng đưa ra vài dòng giới thiệu tác giả, tác phẩm, thì còn ai sáng tạo trong phần nhập đề được?

    Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng trong văn chương không có đúng - sai, chỉ có hay - dở. Chỉ mấy dòng trong đáp án đã có thể giết chết một học sinh giỏi, theo cách tư duy về văn học ấu trĩ như thế. Liệu có phải các trường đang dạy văn, trang bị kiến thức khoa học xã hội nhân văn, hay dạy theo kiểu học vẹt, máy móc vậy? Câu hỏi này có lẽ còn bỏ ngỏ lâu, vì chính những người ra đề vẫn viết: "Đáp án môn văn để mở" kia mà!

    Đặng Trinh - Minh Thi

    Đề thi, đáp án môn Văn: 3 điều bất ổn


    Nguồn: http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/07/717298/

    (VietNamNet) - "Đề thi không bao quát và đáp ứng được yêu cầu toàn diện của chương trình. Nội dung câu hỏi thiếu chuẩn xác. Đáp án không phù hợp với yêu cầu của đề".

    TS Đỗ Ngọc Thống, Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục, Chủ biên phần Làm văn THPT (sách nâng cao) cho biết như vậy khi phân tích một số đề thi tốt nghiệp, ĐH năm nay.

    Trước dư luận về đề thi Văn vừa qua, VietNamNet tìm tới PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống và ông đã trình bày ý kiến với bài viết sau đây - bài viết được tác giả đặt tựa đề: "Đề thi môn Văn (2007) và những điều bất ổn".

    Trong vài tháng qua, học sinh lớp 12 trong toàn quốc phải trải qua hai kì thi hết sức quan trọng: thi tốt nghiệp THPT và thi CĐ, ĐH. Trong hai kì thi ấy, mặc dù Bộ GD-ĐT đã hết sức cố gắng nhằm thay đổi cách ra đề, nhất là đối với các môn khoa học tự nhiên nhưng theo chúng tôi, vẫn còn khá nhiều vấn đề cần trao đổi và rút kinh nghiệm. Trong phạm vi hiểu biết của mình, chúng tôi chỉ nêu lên một số điểm bất ổn của đề thi môn Văn (nay gọi là môn Ngữ văn) ở cả hai kì thi vừa nêu trên.

    Nội dung câu hỏi thiếu chuẩn xác (nếu không muốn nói là không đúng)

    Một trong những yêu cầu quan trọng nhất của đề thi là tính chuẩn xác. Đề có thể chưa hay, có thể dễ hoặc khó, nhưng không được sai sót... Điều này không có gì mới, nhưng tiếc rằng khi thực hiện vẫn mắc phải, dù không nhiều nhưng vẫn rất đáng tiếc.

    Chẳng hạn, trong đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua, câu 2 của đề II (Giải thích ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành), theo chúng tôi, câu này thiếu chuẩn xác.

    Chúng ta đều biết, đối với nhiều tác phẩm văn học, nhan đề của chúng rất quan trọng; chẳng hạn: Tắt đèn (Ngô Tất Tố); Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan); Sống mòn (Nam Cao) Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi); Vợ nhặt (Kim Lân); Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc); Từ ấy (Tố Hữu); Tràng giang (Huy Cận)...

    Nhưng không phải nhan đề của tác phẩm văn học nào cũng có một ý nghĩa sâu sắc; có những nhan đề không gợi lên điều gì cả, tác giả không nhằm gửi gắm gì ở nhan đề ấy... Chúng chỉ là những nhan đề bình thường, như là các chi tiết, hình ảnh, ngôn từ... bình thường trong tác phẩm, không cần phân tích, giải mã gì cả; chẳng hạn: Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng); Chí Phèo (Nam Cao); Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài); Làng (Kim Lân); Hòn Đất (Anh Đức); Mưa (Trần Đăng Khoa); Chiều xuân (Anh Thơ); Lai Tân (Hồ Chí Minh)...

    Nhan đề Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành thuộc loại thứ hai. Cần nói rõ là sau khi đọc xong tác phẩm này, người đọc mới thấy hình tượng hoặc hình ảnh cây/rừng xà nu trong tác phẩm rất có ý nghĩa. Như thế bản thân nhan đề của tác phẩm này không có ý nghĩa mà chỉ có hình tượng/hình ảnh cây/ rừng xà nu trong tác phẩm mới hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc mà thôi. Người ra đề làm đáp án hoàn toàn theo yêu cầu phân tích ý nghĩa hình tượng cây/rừng xà nu trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Trung Thành, chứ không phải đáp án cho câu hỏi giải thích ý nghĩa nhan đề tác phẩm như đề đã nêu lên.

    Đáp án không phù hợp với yêu cầu của đề

    Làm đáp án cho đề thi môn văn là hết sức vất vả và khó khăn do đặc trưng của bộ môn này. Đáp án vừa phải nêu lên được các chuẩn để người chấm (GV) thực hiện, vừa phải chừa ra một khoảng trống để dành cho sự sáng tạo của người viết (HS). Văn học lại có nhiều cách hiểu rất khác nhau và có thể cùng được chấp nhận... vì thế đáp án khó khuôn vào một cách cứng nhắc. Tuy nhiên, nhìn chung đáp án vẫn phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản, logic và phù hợp với đề. Tránh tình trạng đề yêu cầu một đường, đáp án nêu một nẻo.

    Rất tiếc là đáp án cho đề thi đại học khối D, câu số 2 đã mắc phải lỗi này. Câu số 2 yêu cầu như sau: "Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận để làm nổi bật rõ vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại".

    Với đề văn như thế, chỉ có thể hiểu trọng tâm bài viết mà người ra đề yêu cầu là: làm sáng tỏ được vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa hiện đại của bài thơ Tràng giang. Vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa hiện đại là đích hướng tới của sự phân tích. Cùng một đối tượng (bài thơ), nhưng phân tích nhằm làm sáng tỏ điều gì là rất quan trọng.

    Cũng với bài Tràng giang nhưng có thể phân tích để làm sáng tỏ rất nhiều yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn phân tích để thấy vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật; phân tích để thấy lòng yêu quê hương đất nước của tác giả; phân tích để thấy nỗi sầu và cái tôi cô đơn, bơ vơ trước đất trời của Huy Cận; phân tích để tìm hiểu không gian, thời gian và quan hệ của chúng trong bài thơ... phân tích để thấy vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại của bài thơ chỉ là một yêu cầu như các vấn đề vừa nêu.

    Trong trường hợp này người viết không cần phân tích toàn bộ bài thơ mà chỉ "nhặt ra" những gì liên quan và làm sáng tỏ cho vấn đề mà đề bài yêu cầu. Trong khi đó, đáp án của Ban ra đề lại dành phần lớn điểm (3/5) cho việc phân tích toàn bộ bài thơ; phần chỉ ra "vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại, trọng tâm của bài, thì chỉ được 1/5 số điểm (giới thiệu chung và kết luận 1/5 số điểm còn lại). Theo tôi đáp án này không đáp ứng đúng yêu cầu của đề, lệch trọng tâm và thừa một cách không cần thiết. Nếu đáp án như thế thì đề phải sửa lại như sau: Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận và chỉ ra vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại của thi phẩm. Thay một chữ (để bằng chữ và) trong đề nhưng là hai quan niệm, hai yêu cầu, hai cách làm bài rất khác nhau.

    Với câu số 2 của đề văn khối D, về cách làm và yêu cầu đáp án, tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến của em HS, đại diện cho nhiều HS trường Hà Nội - Amsterdam. Nghĩa là có hai cách làm, "Cách 1: Phân tích từng khổ theo đúng trình tự và làm đến đâu chỉ ra vẻ đẹp cổ điển và hiện đại ngay chỗ đó. Cách 2: Nêu ra 2 luận điểm riêng về nột đẹp cổ điển và hiện đại rồi dựng ý trong bài thơ để chứng minh". Đáp án phải xây dựng theo hai hướng này mới đáp ứng đúng yêu cầu của đề.

    Rất tiếc là đáp án của Ban ra đề không theo hai cách trên đây. Tuy nhiên điều đáng quan tâm hơn là với đáp án như thế, theo chúng tôi, các em HS giỏi sẽ bị thiệt thòi rất nhiều. Có thể nói, với đề thi như thế, nếu người chấm bám sát đáp án của ban ra đề thì chỉ có thể tuyển được những HS trung bình và kém. Các HS giỏi cùng lắm chỉ được 1 hoặc 2 điểm ở câu này (tổng 5 điểm). Liệu như thế có đáng quan tâm không? Trong khi, ai cũng biết, với thi ĐH và CĐ mỗi HS chỉ cần hơn nhau 0,5 điểm là số phận đã khác rồi!

    Đề thi: Không bao quát và đáp ứng được yêu cầu toàn diện của chương trình

    Một trong những hạn chế rất lớn của chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) Văn cải cách giáo dục (CCGD) là coi nhẹ văn nghị luận xã hội (NLXH). Biểu hiện rõ nhất là ở các kì thi tốt nghiệp, thi vào ĐH, CĐ, đề thi chỉ tập trung vào nghị luận văn học (NLVH). Nghị luận xã hội dường như bị bỏ quên từ lâu, mặc dù nó vẫn có trong CT và SGK. Ở nước ta, một khi không bao giờ thi thì có nghĩa là giáo viên (GV) và học sinh (HS) không bao giờ dạy và học.

    Do nhận thấy sự mất cân đối và phiến diện trong dạy học làm văn cấp Trung học vừa nêu, nên CT và SGK Ngữ văn mới (sau 2000) cả THCS và THPT đã kịp thời điều chỉnh. Văn NLXH đã được chú ý và coi trọng không chỉ ở phần làm văn mà cả ở phần Văn học, tiếng Việt. Trong năm học số bài kiểm tra NLVH và NLXH là bằng nhau, tỉ lệ giữa NLXH và NLVH là 50/50. Sau một vài năm thực hiện CT và SGK Ngữ văn mới, nhiều HS đã viết được những bài văn NLXH rất sâu sắc, được dư luận báo chí đăng tải, đồng tình và biểu dương, khen ngợi...

    Thế nhưng, điều quan trọng nhất là kiểu văn NLXH vẫn chưa được đưa vào thành một yêu cầu trong các kì thi quan trọng. Cho đến kì thi này, HS học CT và SGK Ngữ văn THPT (thí điểm phân ban) đã thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ năm thứ hai... Nhưng cả 2 năm qua ,các đề thi tốt nghiệp và thi ĐH, CĐ đều làm ngơ trước yêu cầu về NLXH.

    Trong các đợt bồi dưỡng GV dạy theo CT và sách Ngữ văn mới, rất nhiều thầy, cô giáo tỏ ra bất bình trước cách ra đề cũ mòn của Bộ, trong khi chính các tác giả sách cứ yêu cầu họ thực hiện cách học, cách dạy, cách kiểm tra, thi cử, đánh giá mới... Đối với môn Ngữ văn, một trong điểm đổi mới ấy là cần đưa một phần NLXH vào đề thi. Ngay cả với hệ đại trà, học theo CT và sách CCGD, yêu cầu này cũng cần được chú ý. Chúng tôi cho rằng trong 3 câu (10 điểm) cần có 1 câu NLXH chiếm từ 3-4 điểm mới phù hợp.

    Trong khi môn Ngữ văn chưa thực hiện được một phần thi trắc nghiệm khách quan, thì càng nên đổi mới cách ra đề thi tự luận. Kết hợp NLXH với NLVH; coi trọng và chú ý vấn đề ra như thế nào hơn ra cái gì, tác phẩm nào... Ngoài các ý nghĩa về nội dung tư tưởng, trình độ tư duy, cách lí giải và lập luận; cách chứng minh và phản bác một vấn đề xã hội, đạo lí nào đó; ra đề NLXH còn là một hình thức chống sao chép, chống "phao" thi một cách hữu hiệu nhất. Có thể nói, với đề NLXH, dù HS mang tài liệu vào phòng thi cũng... vô ích.

    Rất tiếc là cả 2 năm qua, ban soạn thảo đề thi, không hiểu vì lí do gì, đã không hề chú ý đến yêu cầu về NLXH, trừ kỳ thi HS giỏi quốc gia năm 2007 vừa qua (Đề thi HSG 20 điểm, trong đó có 1 câu NLXH chiếm 8 điểm, NLVH chiếm 12 điểm).

    Những điều băn khoăn

    Ngoài những vấn đề nêu trên, xem xét kĩ các câu hỏi và đáp án cho đề thi (Tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ) môn văn 2007, chúng tôi thấy còn nhiều điểm cần trao đổi. Tuy nhiên, những điểm ấy không ảnh hưởng lớn đến kết quả đánh giá bài viết của HS.

    Với những vấn đề vừa nêu trên, điều chúng tôi băn khoăn vẫn là:

    - Làm thế nào để các em HS giỏi không bị thiệt thòi trong kì thi vừa qua?

    - Chương trình và SGK Ngữ văn đã thay đổi nhiều, cách ra đề của nhiều nước trên thế giới ở
    môn học này cũng đã thay đổi rất mạnh mẽ, nhất là Trung Quốc - một nước có nền GD rất gần với GD Việt Nam. Trong khi cách ra đề thi Văn của ta vẫn còn quá cũ mòn, không những thế còn vấp phải những sai sót không đáng có ở các kì thi quan trọng như trên thì thật là một điều đáng tiếc!

    Cũng biết rằng đây chỉ là ý kiến cá nhân, nhưng chúng tôi vẫn nêu lên để các cơ quan và những người có trách nhiệm xem xét, trao đổi lại để cùng rút kinh nghiệm.

    Hà Nội, 12/7/2007

    Đỗ Ngọc Thống

    Trao đổi với tác giả bài viết "Đề thi, đáp án môn Văn: 3 điều bất ổn"

    Trần Bá Giao

    Phó chánh Thanh tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo

    Nguồn: http://www.edu.net.vn/Default.aspx?&tabid=2&mid=50&tid=173&iid=2110

    Tôi đã đọc bài viết của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống được đăng tải trên VietnamNet ngày 12/07/2007. Tiêu đề của bài viết “Đề thi, đáp án môn văn: 3 điều bất ổn” với 3 nội dung chính: Nội dung câu hỏi thiếu chuẩn xác; đáp án không phù hợp với yêu cầu của đề; đề thi không bao quát và không đáp ứng được yêu cầu toàn diện của chương trình. Thú thực đọc các tiêu đề nội dung chính của bài viết tôi đã giật mình. Một tập thể thầy cô giáo dạy văn ở bậc đại học và bậc phổ thông ở Ban đề thi đã tắc trách và thiếu trách nhiệm về chuyên môn vậy sao? Tôi đã phải đọc lại rất kỹ từ bài viết của tác giả Đỗ Ngọc Thống đến bài thi và đáp án thang điểm của môn văn (cả khối D và khối C), sau khi cân nhắc, suy xét tôi thấy mình phải có trách nhiệm nói lại đôi lời với tác giả Đỗ Ngọc Thống và góp thêm tiếng nói bàn luận về hướng đổi mới cách ra đề thi môn văn trong quá trình đổi mới cách đánh giá thi cử hiện nay.

    1. Đôi lời trao đổi với tác giả Đỗ Ngọc Thống

    a. Về ý kiến chê trách “Nội dung câu hỏi thiếu chuẩn xác”

    Theo tác giả Đỗ Ngọc Thống với câu hỏi “Giải thích ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành...” (câu 2 của đề II thi tốt nghiệp THPT), đề ra thiếu chuẩn xác. Theo lập luận của tác giả Đỗ Ngọc Thống: có 2 loại nhan đề của tác phẩm; loại thứ nhất “nhan đề rất quan trọng”; loại thứ hai “nhan đề không gợi lên điều gì cả”... không cần phân tích giải mã gì cả. Nhan đề Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành thuộc loại thứ hai. Ngay sau đó Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh “Cần nói rõ là sau khi đọc xong tác phẩm này, người đọc mới thấy hình tượng hoặc hình ảnh cây/rừng xà nu trong tác phẩm rất có ý nghĩa”. Rõ ràng có mâu thuẫn trong sự phê phán của Đỗ Ngọc Thống. Một mặt, anh xếp nhan đề của “Rừng xà nu” thuộc loại “không gợi lên điều gì cả”, mặt khác anh lại thừa nhận “hình tượng hoặc hình ảnh cây/rừng xà nu trong tác phẩm rất có ý nghĩa”.

    Trong quá trình cảm thụ, thẩm bình văn chương, bao giờ cũng phải đọc toàn bộ tác phẩm mới có thể thấy hết được ý đồ tác giả. Việc Nguyễn Trung Thành đặt tên cho tác phẩm của mình là “Rừng xà nu” không phải chỉ là một cách đặt tên “không gợi lên điều gì cả” như Đỗ Ngọc Thống nghĩ. Dụng ý của nhà văn Nguyễn Trung Thành là muốn dùng hình tượng “Rừng xà nu” để chỉ về các dân tộc Tây nguyên anh dũng, kiên cường có sức sống mãnh liệt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vì vậy câu hỏi trong đề ra đâu có sai, đâu có thiếu chuẩn xác? Tôi xin nhấn mạnh rằng: tên truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành là có ý nghĩa; để giải thích ý nghĩa nhan đề tác phẩm cần phải đọc và hiểu tác phẩm. Yêu cầu của đề ra là phù hợp và đáp án với những yêu cầu cụ thể như đã công bố là cần thiết cho giám khảo. Kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 1 đã kết thúc, những thầy cô dạy văn ở THPT đều có những cảm nhận tốt đẹp về kỳ thi và cũng không có ai phê phán về đề văn như ý kiến của tác giả Đỗ Ngọc Thống.

    b. Về ý kiến phê phán “Đáp án không phù hợp với yêu cầu của đề”

    Sau khi nhấn mạnh: “...nhìn chung đáp án vẫn phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản, lô gíc và phù hợp với đề. Tránh tình trạng yêu cầu một đường, đáp án nêu một nẻo...” Đỗ Ngọc Thống đã kết luận: “Rất tiếc là đáp án cho đề thi đại học khối D, câu số 2 đã mắc phải lỗi này”.

    Không! Thưa PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: đề ra, đáp án - thang điểm là phù hợp với nhau. Cần đọc kỹ đề và đáp án rồi hãy phê phán. Đề ra yêu cầu: “Phân tích bài thơ Tràng Giang của Huy Cận để làm nổi bật vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại”. Hướng dẫn chám thi nêu rõ: “Câu này nhằm đánh giá kiến thức và kỹ năng cảm thụ, phân tích thơ của thí sinh. Thí sinh có thể làm theo hai cách: một là phân tích bài thơ sau đó rút ra vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của bài thơ Tràng Giang; hai là triển khai phân tích theo hai phương diện vể đẹp cổ điển và vẻ đẹp hiện đại. Cách nào cũng chấp nhận được, miễn là đảm bảo các ý theo yêu cầu và tính hợp lý trong bố cục bài làm. Phân tích có định hướng (làm nổi bập vể đẹp cổ điển và hiện đại) là yêu cầu cơ bản, thí sinh phải tránh lan man, xa đề”. Theo chúng tôi hướng dẫn chấm thi là chặt chẽ đúng với yêu cầu cơ bản của đề.

    Tôi muốn trao đổi lại với PGS.TS Đỗ Ngọc Thống khi ông cho rằng: “Trong trường hợp này người viết không cần phân tích toàn bộ bài thơ mà chỉ “nhặt ra” những gì liên quan và làm sáng tỏ cho vấn đề mà đề bài yêu cầu”. Ông Đỗ Ngọc Thống không đọc kỹ đề bài hay là do quan niệm của ông về cách phân tích và cảm thụ thơ? Sao lai chỉ “nhặt ra” (ý của ông Thống) mà không cần phân tích bài thơ. Xin được nhấn mạnh rằng “vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại” được ẩn chứa trong toàn bộ bài thơ. Phải phân tích toàn bộ bài thơ mới nêu bật được vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại của bài thơ Tràng Giang. Ông Thống có tán thành với 1 em học sinh khi đưa ra ý kiến: “Nghĩa là có hai cách làm, cách 1: phân tích từng khổ theo trình tự và làm đến đâu chỉ ra vể đẹp cổ điển và hiẹn đại ngay chỗ đó, cách 2: nêu ra 2 luận điểm riêng về vẻ đẹp cổ điển và hiện đại rồi dựng ý trong bài thơ để chứng minh”. Không biết có sự lầm lẫn nào không mà lại từ “phân tích” chuyển sang “chứng minh” ? Theo tôi cách 2 mà ông Thống đồng tình với ý kiến của 1 học sinh là cách làm hỏng kỹ năng cảm thụ phân tích thơ rồi đó. Chính sự nhầm lẫn giữa “phân tích” và “chứng minh” mà một số học sinh cảm thụ thơ không biết cách cảm thụ thơ đưa ra những ý kiến không từ chính bài thơ để bình bài thơ đó, không toát được giá trị nội dung gắn liền với giá trị nghệ thuật của bài.

    Hướng dẫn chấm thi do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành là chuẩn xác. Hai cách mà hướng dẫn chấm thi nêu ra phù hợp với yêu cầu của đề, phù hợp với yêu cầu về nội dung kiến thức, phù hợp với yêu cầu về kỹ năng cảm thụ, phân tích thơ.

    c. Về ý kiến cho rằng: “Đề thi không bao quát và đáp ứng được yêu cầu toàn diện của chương trình”

    Ông Đỗ Ngọc Thống trong phần bàn luận chung về đề thi đã đưa ra nhận xét: “Đề thi không bao quát và không đáp ứng yêu cầu toàn diện của chương trình”. Trong lập luận của mình ông Thống đã không ngần ngại khái quát “Trong các đợt bồi dưỡng giáo viên dạy theo chương trình và sách ngữ văn mới, rất nhiều thầy, cô giáo tỏ ra bất bình trước cách ra đề cũ mòn của Bộ...”. Theo tôi, đây là một nhận xét võ đoán. Bởi vì, thực tế các giáo viên dạy văn trong giai đoạn hiện nay đang cần tập trung vào yêu cầu trước mắt là nâng cao chất lượng dạy văn trong đó có yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới đánh giá, thi cử. Tuy nhiên, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học dược đặt lên hàng đầu; đổi mới đánh giá, thi cử là vấn đề cần thiết nhưng việc đổi mới đánh giá, thi cử phải dựa trên nền tảng là đổi mới về chương trình giáo khoa, phương pháp dạy học.

    Sự nóng vội, thái quá trong việc thay đổi đánh giá, cách ra đề thi rất dễ dẫn đến những hậu quả phức tạp liên quan đến đông đảo học sinh. Ở đây, tôi cũng đồng tình một phần ý kiến của Đỗ Ngọc Thống là “cần đưa một phần nghị luận xã hội vào đề thi”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cách đưa thế nào để đảm bảo đó là một đề thi văn chứ không phải là một đề thi giáo dục công dân!

    Vì vậy, cần có sự đổi mới theo từng bước đi, phù hợp với quá trình đổi mới giáo dục phổ thông. Theo tôi, sự thay đổi về cách ra đề thi văn phải được nghiên cứu kỹ càng, có lộ trình đổi mới từng bước để thầy cô giáo và học sinh có thời gian chuẩn bị theo cách ra đề đổi mới đó.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo trong dự thảo đề án đổi mới đánh giá thi cử trong chiến lược đổi mới giáo dục phổ thông, đang có dự kiến về đổi mới cách ra đề thi môn văn theo hướng phát huy tư duy sáng tạo của học sinh gắn liền với kiểm tra kiến thức và kiểm tra kỹ năng cảm thụ văn chương của học sinh.

    2. Một vài ý kiến đề xuất

    Để chuẩn bị việc đổi mới cách ra đề thi văn theo tôi cần có bước đi cụ thể sau:

    a. Cần có một đề án đổi mới cách ra đề thi môn văn. Trongđề án này có sự phân tích về kỹ năng của học sinh làm văn hiện nay. Thực trạng dạy văn trong các trường phổ thông. Yêu cầu đổi mới nội dung và phương pháp dạy văn, phương pháp học văn. Có lộ trình đổi mới trong khoảng thời gian 3 năm. Nên chăng Viện Chiến lược và chương trình giáo dục tham gia chủ trì nghiên cứu xây dựng đề án này.

    b. Cần tổ chức phân tích đánh giá về cách đổi mới ra đề thi môn văn ở một số nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...từ đó rút ra bài học kinh nghiệm về cách ra đề thi môn văn. Dư luận mấy năm vừa qua đánh giá rất cao sự đổi mới trong cách ra đề thi môn văn của Trung Quốc.

    c. Tiến hành đổi mới ra đề thi môn văn ở kỳ học sinh giỏi trước, rồi đổi mới ở các kỳ thi khác.

    d. Nên chăng có một chương trình bồi dưỡng về phương pháp kỹ năng ra đề thi, kiểm tra cho các giáo viên gắn với chương trình bồi dưỡng giáo viên theo chu kỳ bồi dưỡng thường xuyên.

    Dạy văn, học văn như nhiều người từng nghĩ: để có hiệu quả nâng cao năng lực cảm thụ văn học và vận dụng kiến thức kỹ năng làm văn vào cuộc sống quả là một công việc không dễ chút nào! Tôi viết bài này cũng chỉ là góp thêm một tiếng nói với hy vọng có một chút ích nào đó trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.

    Trần Bá Giao

    Phó chánh Thanh tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo

    Đáp án môn Văn khối D chưa chuẩn?

    Nguồn: http://vietnamnet.vn/giaoduc/tuyensinh/thacmac/2007/07/716880/

    (VietNamNet) - "Học sinh không nhất thiết phải phân tích toàn bộ bài thơ mà chỉ chọn những chỗ phù hợp để chứng minh cho luận điểm của mình". Một học sinh phổ thông vừa gửi về VietNamNet ý kiến của mình về đáp án đề Văn khối D tuyển sinh ĐH 2007.

    Em là một học sinh chuyên văn của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam. Em xin gửi tới quý báo thắc mắc về đáp án văn khối D năm 2007 của Bộ GD-ĐT.

    Đề Văn năm nay mang tính tư duy và sáng tạo cao, có sự phân hoá rõ ràng. Đặc biệt là câu số 2: "Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận để làm nổi bật rõ vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại".

    Đề Văn thuộc loại bài phân tích tác phẩm để chứng minh một nhận định nên đòi hỏi người làm phải đầu tư suy nghĩ chứ không chỉ phân tích đơn thuần theo tư duy học thuộc.

    Thế nhưng, em và bạn bè đã khá bất ngờ khi đọc đáp án. Đáp án gồm hai phần:

    Phần 1: Phân tích bài thơ.

    Phần 2: Vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại của bài thơ.

    Một kết cấu như vậy không thực sự bám sát đề. Thực chất, những ý đưa ra phân tích ở phần 1 trong đáp án đều mang tính phục vụ cho phần 2. Nhưng nếu đặt vấn đề là phân tích bài thơ thì người làm chỉ cần làm một bài đúng nghĩa phân tích, tức là một bài cũng "tràng giang đại hải" mà không cần biết yêu cầu của đề là gì; sau đó ở dưới mới điểm lại nét cổ điển và hiện đại.

    Rõ ràng, 2 phần phân tích và chứng minh rời rạc và không có sự gắn kết rõ ràng. Một bài làm như thế, nếu ở lớp chuyên thì chỉ có thể đạt điểm rất thấp.

    Có thể thấy điều này rõ hơn nếu so sánh với hai cách làm sau:

    Cách 1: Phân tích từng khổ theo đúng trình tự và làm đến đâu chỉ ra vẻ đẹp cổ điển và hiện đại ngay chỗ đó.

    Cách 2: Nêu ra 2 luận điểm riêng về nét đẹp cổ điển và hiện đại rồi dùng ý trong bài thơ để chứng minh.(một cách làm tương đối rõ ràng nhưng khá khó và dễ sót ý so với cách1).

    Cần nói thêm là học sinh không nhất thiết phải phân tích toàn bộ bài thơ mà chỉ chọn những chỗ phù hợp để chứng minh cho luận điểm của mình. Hai cách làm này khó hơn đáp án nhưng lại hợp lý hơn và mang tính phân loại học sinh cao.

    Cách ra đáp án như vậy đặt ra 2 vấn đề cho người chấm thi:

    Thứ nhất: Những học sinh làm khác đáp án có thể bị mất điểm do không phân tích một số chỗ trong bài mà họ cho là không phù hợp hoặc không cần thiết vì đã chọn được ý có chức năng chứng minh tương tự.

    Thứ hai: Những học sinh nào chỉ học thuộc lòng phân tích rồi chép vào, cộng với mở bài và kết luận theo đáp án sẽ được tới 4/5, thậm chí có thể hơn nếu họ lồng phân tích nghệ thuật bài thơ song song với nội dung.

    Thực tế, có nhiều học sinh chỉ học thuộc và không hề có tư duy làm bài nghị luận chứng minh nên chỉ biết cái gì thì viết hết ra, trúng được đến đâu thì trúng (không ngờ lại trúng gần hết). Cách làm này là hoàn toàn lạc đề.

    Theo lời giáo viên của em thì người chấm giỏi sẽ biết rõ điều này. Nhưng riêng em thắc mắc, lúc đó các thầy cô phải xử lý thế nào khi mà thí sinh làm trùng rất nhiều so với đáp án.

    Đây không chỉ là thắc mắc của em mà là điều băn khoăn của nhiều học sinh.

    Rất mong quý báo giúp chúng em đưa ý kiến lên để có sự giải đáp thoả đáng từ Bộ GD-ĐT. Em xin chân thành cám ơn!

    - Một bạn đọc
    *********************
    Lương Mạnh Hùng, Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái

    Email: kevotinh_manhhung@yahoo.com.vn

    Tôi nghĩ rằng, đáp án môn văn mà Bộ GD-ĐT đưa ra là rất hợp lí mà không hề có gì sai sót cả. Đề yêu cầu phân tích bài thơ để chứng minh cho một nhận xét chư không phải thiên về phân tích một nhận xét. Nên đáp án của Bộ là chính xác. Không nên vì một số ý kiến mà thay đổi đáp án.

    Lê Huỳnh Thiên Phúc, Hàng Ngang, Hà Nội
    Email: votumi@yahoo.com

    Trước tiên xin gởi lời chào đến bạn học sinh chuyên Văn trường Amsterdam - Hà Nội. Đọc xong ý kiến của bạn, mình nhận thấy đó không phải là ý kiến không xác đáng. Tuy nhiên nếu nói như bạn vô hình chung phủ định sự chăm chỉ, học tập của các bạn thí sinh. Hơn nữa, gián tiếp cho rằng ban soạn đề thi môn Văn khối D mùa tuyển sinh năm nay chưa thực sự có kinh nghiệm, hay đúng hơn là chưa có cái nhìn toàn diện.

    Trong khi, như lời phát biểu của đại diện Bộ Giáo dục rằng ban soạn đề thi là đội ngũ giảng viên, giáo viên có chuyên môn cao, dạn dày kinh nghiệm?! Mặt khác, với thơ văn, không thể chỉ nhìn ở một "đôi mắt" trường "chuyên" của bạn mà khẳng định làm theo đáp án như vậy "thì chỉ có thể đạt điểm rất thấp". Tôi nghĩ, nếu lập luận của bạn là đúng, liệu những thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay và cả những năm tới sẽ nghĩ sao và nhìn đáp án chính thức của Bộ bằng "đôi mắt" như thế nào?

    Phan Hoài Hạnh, Trường chuyên Phan Bội Châu, Vinh, Nghệ An
    Email: brown_eyes_phh@yahoo.com

    Em cũng là một thí sinh thi khối D. Thực sự đáp án của Bộ GD-ĐT đã khiến chúng em khá thất vọng.

    Em hoàn toàn đồng tình với ý kiến của bạn học sinh trường HN-Ams bởi vì thực sự chúng em đã từng được làm đề này khá nhiều lần và cách làm chuẩn nhất mà các thầy cô giáo hướng dẫn cho chúng em là làm theo kiểu đưa ra luận điểm lớn rồi sau đó lấy kiến thức bình giảng của bài đưa vào để làm rõ hai luận điểm lớn ấy.

    Em vẫn nhớ năm 2006, ở đề thi Văn khối C có một câu hỏi tương tự là phân tích nhân vật Mỵ để làm sáng rõ nhận định của nhà văn Tô Hoài. Đáp án của Bộ có 2 cách: 1 là có thể phân tích nhân vật Mỵ rồi sau đó liên hệ với ý kiến của Tô Hoài hoặc 2 là lấy ý kiến đó làm luận điểm lớn rồi phân tích nhân vật Mỵ để làm sáng tỏ. Nếu như làm theo đáp án của Bộ năm nay về đề thi văn khối D thì những học sinh như em sẽ rất thiệt thòi. Em kính mong Bộ GD-ĐT xem xét lại đáp án để chúng em có thể yên tâm về bài làm của mình.

    Kain Jynez, email: Kain_Jynez@yahoo.com

    Mình thấy ý kiến của bạn học sinh chuyên văn của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam khá hay. Bạn Kim Hương nói cũng có lí. Thực ra, khi đưa ra đáp án, Bộ GD-ĐT cũng đã tính đến tính chính xác và phổ thông đối với bài làm của các thí sinh. Khi làm bài hầu như thí sinh nào cũng làm theo cách mà đáp án đưa ra. Một số bạn thực sự xuất sắc sẽ có cách phân tích và chứng minh theo như bạn A đã đề xuất.

    Hiển nhiên đối với những bài làm này sẽ có cách chấm riêng so với đáp án để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Thực tế, đây là việc không thể tránh khỏi đối với một bài thi, vì không phải lúc nào cũng nhất nhất tuân theo đáp án để chấm bài, mình cho là bộ GD-ĐT đã tính đến sự "đa số" đối với đáp án để tránh quá nhiều phiền toái khi chấm thi.

    Giả sử cách làm bài của bạn không đạt kết quả tốt như mong đợi thì bạn có thể làm đơn phúc khảo. Mặc dù chưa biết ý kiến từ Bộ thế nào nhưng mình tin là sẽ có cách giải quyết thoả đáng đối với những bài làm độc đáo như bạn, không chỉ môn Văn mà còn với các môn tự luận khác. Khi nói đến sự chuẩn xác của một đáp án chấm thi thì hẳn là phải cân nhắc đến đa số, cách làm bài của bạn khá hay, mình tin là bạn sẽ đạt điểm cao. Đáp án của bộ như vậy là đã chuẩn đến 90% rồi đấy.

    Nguyễn Văn Hoàng, Hà Trung, Thanh Hoá
    Email: bantinhcadangdo19@yahoo.com

    Từ lâu, tư duy làm văn và chấm bài thi văn của người Việt Nam mình vẫn vậy. Những bài văn làm bằng tư duy và trí lực đầy sức sáng tạo của học sinh văn đã không được đánh giá cao như giá trị thực của nó. Điều này đang mất dần tính sáng tạo trong văn chương...

    Ở nhiều nước, điển hình như Trung Quốc chẳng hạn, một bài văn sáng tạo mới mẻ và có cách làm nặng suy tư của người viết được đánh giá rất cao. Quay lại với đề thi năm nay chẳng hạn, những đề thi đưa ra được đánh giá cao về độ phân hoá và chiều sâu. Ở đó, những thí sinh có kiến thức, có tư chất mặc sức tung ra những cách làm sáng tạo và độc đáo, vậy thì lý do gì để cái đáp án quá công thức này làm ảnh hưởng tới nó...?

    Nguyễn Thị Thuý, Bắc Ninh
    Email: minh_thuy_a13@yahoo.com

    Theo em, đáp án văn khối D của Bộ GD-ĐT chưa thực sự thoả đáng. Em thấy Cục trưởng Cục khảo thí đã nói, bài làm yêu cầu sự sáng tạo. Nhưng nếu chấm bài theo đáp án của Bộ đưa ra thì chưa thể thấy đươc sự sáng tạo trong bài làm của thí sinh.

    Tại sao chúng ta không thể phân tích bài thơ ’’Tràng Giang’’ theo một cách hiểu khác? Ví dụ như, nhà thơ tả cảnh thì ít/tác phẩm đã đi sâu vào tả tình mà tình ở đây là sự buồn bã của tác giả và thế hệ thanh niên yêu nước đương thời. Trước cảnh đất nước đang phải chịu bó cùm của bè lũ thực dân mà tác giả và biết bao nhiêu thanh niên đang là một công dân của VN nhưng chưa làm được gì cho đất nước, trước tâm trạng ấy, Huy cận đã sáng tác bài thơ. Em rất mong hội đồng chấm thi sẽ lưu tâm đến vấn đề này.

    Phạm Thu Hằng
    Email: hangthuhnvn@yahoo.com

    Tôi cũng từng là học sinh chuyên văn. Rõ ràng, dạng đề phân tích để chứng minh khác hẳn loại đề chứng minh thông thường. Cái cần làm nổi bật là nhận định chứ không phải tác phẩm ấy hay đẹp ở chỗ nào. Nếu giả sử đối tượng là một bản trường ca, một truyện ngắn hay thậm chí một tiểu thuyết thì chẳng nhẽ cũng phân tích hết rồi chứng minh. Có thể phần lớn học sinh chỉ làm bài phân tích đơn thuần nhưng đáp án không phải làm theo số đông mà theo cái đúng em ạ. Nếu không sẽ gây thiệt thòi cho những học sinh đã đầu tư suy nghĩ vào bài chứ không chỉ chép lại những gì mình đã học thuộc. Nếu phần lớn học sinh bây giờ còn làm bài theo cách phân tích không thì thật đáng ngại. Vì thế, theo tôi, cần làm lại đáp án chuẩn nếu không sẽ tạo ra "tấm gương" để các thể hệ học sinh sau học tập cách tư duy tương tự.

    Trần Quốc Ngân
    Địa chỉ: Thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương Email: tranquocngan@yahoo.com

    Em rất đồng tình với bạn Hồ Thị Kim Hương vì rõ ràng yêu cầu đề là phân tích bài thơ đễ làm rõ vấn đề trên và một điều quan trọng là đáp án của bộ đã đưa ra như thế, đã có sự thông qua của rất niều giáo sư tiến sĩ chứ không riêng gì một người nào hết. Nếu trong trường hợp thi trắc nghiêm sai một câu thì còn có thể còn ở đây là một câu lớn chiếm 5 điểm thì làm sao đáp án có thể sai được... em hy vọng rằng bạn học ở trường Amsterdam nên xem kĩ đề lại hơn.

    Đoàn Thị Ngọc Trang
    Email: towhereibelong_nt

    Em là một học sinh vừa dự thi khối D xong. Em thấy đáp án của Bộ như vậy là chưa hợp lí vì nó không có tính phân loại thí sinh. Những thí sinh làm bài cứ thuộc lòng bài mẫu là có điểm cao, ngược lại những em có sáng tạo làm bài theo tư duy thì bị điểm thấp do thiếu đi những đoạn phân tích trong bài thơ. Mà đa số thí sinh đều chỉ chú ý phân tích bài thơ chứ chưa có tư duy khi làm bài.

    Em nghĩ, nếu chấm theo đáp án của bộ thì sẽ có rất nhiều thí sinh có điểm cao nhưng như thế sẽ thích hợp hơn cho môt kì thi tốt nghiệp. Bộ nên có phương án thích hợp để có thể kích thích tính sáng tạo của thí sinh. Nếu không càng ngày chúng ta sẽ càng mất đi những bài văn hay trong kì thi đại học bởi lẽ không ai dám đem tuong lai của mình ra đùa. Tất cả những gì ta nhận được sẽ chỉ là những bài văn mẫu học thuộc lòng.

    Họ tên Hồ Thị Kim Hương
    Địa chỉ: 266/22C, Tôn Đản, phường 8, quận 4, TP.HCM
    Email: kimhuong16@yahoo.com

    Em không nghĩ là đáp án có gì không chuẩn. Hầu như thí sinh nào cũng làm theo dạng phân tích thơ. Nếu thay đổi đáp án, chẳng phải thay đổi cả một số lượng lớn thí sinh sao? Đề thi có nói phân tích bài thơ để thấy rõ nhận xét chứ không thiên về nhận xét trên, chẳng phải đề yêu cầu như thé thì trong bài làm sẽ có 2 phần sao? Vừa phân tích bài thơ theo nét đẹp, nhưng cũng phải xem nội dung ẩn sau đó là nỗi buồn của nhà thơ Huy Cận sao?

    vnschool.net



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.