Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (726 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (498 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (80 bài viết)
  • Sản phẩm mới (216 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (549 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (156 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (127 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (183 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (70 bài viết)
  • Cùng học (92 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (78 bài viết)
  • School@net 15 năm (154 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (124 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (363 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1210 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1037 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (275 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (180 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8223 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 8
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 8
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 89525826 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Nên bỏ hệ thống trường chuyên lớp chọn

    Ngày gửi bài: 09/09/2007
    Số lượt đọc: 2544

    TPO - Trong kỳ thi Olympic Toán và Vật lý quốc tế vừa qua, các đội tuyển Việt Nam đã gặt hái rất nhiều thành công lớn. Kết quả trên đây khiến cho mọi người dân nước ta cảm thấy tự hào về tư chất thông minh của người Việt Nam, nhưng...

    Chính người viết bài này cũng đã từng tin rằng người Việt Nam có tư chất thông minh vượt trội hơn người dân ở nhiều nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, còn một câu hỏi là vì sao những nước có nền khoa học phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật… nhiều khi chỉ đạt được vị trí rất thấp trong các kỳ thi Olympic quốc tế, thua xa vị trí của Việt Nam.

    Phải chăng do tư chất của họ kém người Việt Nam, hay là có một lý do nào khác? Qua thời gian cùng học tập và nghiên cứu với các lưu học sinh từ nhiều nước trên thế giới, thông qua so sánh và tham khảo ý kiến bạn bè cùng là du học sinh Việt Nam tại Pháp, tác giả nhận thấy rằng các sinh viên Việt Nam không thông minh hơn và cũng không kém hơn sinh viên đến từ các nước khác.

    Trong số các lưu học sinh Việt Nam có những sinh viên rất xuất sắc và cũng có nhiều sinh viên yếu kém, sinh viên đến từ các nước khác cũng vậy. Trong các trường đại học của Pháp có rất nhiều sinh viên đến từ các nước châu Phi, và họ cũng có những học sinh rất giỏi, không thua gì sinh viên đến từ Việt Nam, Trung Quốc.

    Tuy nhiên, do hệ thống truyền thông Việt Nam chỉ đưa tin về những lưu học sinh Việt Nam đạt kết quả cao ở nước ngoài nên dễ làm cho nhiều người nhầm tưởng là sinh viên Việt Nam luôn giỏi hơn. Thực ra không phải như vậy, về mặt tư chất thì học sinh Việt Nam và các nước khác không khác nhau là bao nhiêu.

    Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến Việt Nam ta luôn có thứ hạng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế? Xem xét lại hệ thống đào tạo và tuyển chọn học sinh giỏi ở Việt Nam có thể thấy rằng việc lựa chọn và đào tạo học sinh giỏi theo kiểu "gà nòi" đã được thực hiện ở Việt Nam từ rất nhiều năm nay (theo mô hình của các nước xã hội chủ nghĩa trước kia).

    Tức là thông qua các kỳ thi, chúng ta tuyển chọn những học sinh giỏi nhất vào hệ thống trường chuyên từ cấp phổ thông cơ sở lên đến phổ thông trung học (PTTH). Học sinh các trường chuyên được "luyện" bởi các thầy cô giáo có chuyên môn và dày dạn kinh nghiệm nhằm mục đích chính là đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi.

    Thật ra một hệ thống đào tạo có khả năng lựa chọn học sinh có năng khiếu về các lĩnh vực khoa học và tạo điều kiện cho học sinh phát triển tài năng của mình là một hệ thống ưu việt. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, học sinh sẽ được tạo điều kiện để học tập và nâng cao tri thức một cách toàn diện.

    Thông qua sự phát triển toàn diện, học sinh nhận ra mình có năng khiếu hoặc yêu thích đặc biệt một lĩnh vực nào đó có thể tiếp tục học lên cao hơn. Trong một hệ thống giáo dục như vậy, những người có năng lực đặc biệt và niềm đam mê riêng luôn có cơ hội để phát triển tài năng của bản thân, do đó, hệ thống giáo dục sẽ đào tạo ra những nhà khoa học thực sự có tài năng và lòng say mê nghề nghiệp.

    Ở nước ta, mặc dù chưa có thống kê nào chính xác, nhưng thông qua quan sát của bản thân tác giả, cùng với thông tin đăng tải trên báo chí, cho thấy rằng đa số học sinh tốt nghiệp các trường PTTH chuyên, khi lên đại học đều không theo học tiếp chuyên ngành mà họ đã được đào tạo chuyên ở phổ thông.

    Điều đó phản ánh một thực tế là rất nhiều học sinh phổ thông theo học lớp chuyên không phải vì sự say mê một môn khoa học nào đó, mà vì những lý do ngoài khoa học, chẳng hạn như vì phụ huynh ép buộc, vì hãnh diện với bạn bè, vì được xã hội đánh giá cao, v.v..

    Có thể nhận thấy rằng mục tiêu chính của hệ thống các trường chuyên ở Việt Nam là đào tạo các thợ giải Toán, Lý, Hoá,… nhằm đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, qua đó sẽ nâng cao thành tích của trường và của địa phương.

    Cũng chính vì vậy, việc dạy và học ở các trường chuyên đã bị "cơ khí hóa" gần như hoàn toàn. Chẳng hạn như, thay vì phát triển tư duy toán học thì người ta chú trọng vào việc đào tạo các thợ giải toán, học sinh phải làm sao để nhớ và nhận ra các dạng bài toán, rồi tuỳ theo từng dạng mà áp dụng những cách giải (cách đặt ẩn, biến đổi, …) đã có sẵn.

    Tất nhiên, nhờ có tư chất tốt nên tư duy khoa học của học sinh của các trường chuyên cũng tiến bộ rất nhiều, nhưng điều này không phủ nhận tính "cơ khí" bên trong công tác dạy và học ở các trường "đào tạo gà nòi" của chúng ta.

    Đối với các trường PTTH không chuyên, do tỷ lệ học sinh tốt nghiệp luôn xấp xỉ 100% và không hơn kém nhau bao nhiêu, nên thứ hạng của các trường phụ thuộc chủ yếu vào kết quả thi học sinh giỏi và tỷ lệ học sinh đỗ đại học.

    Để có thứ hạng cao, các trường PTTH không chuyên tiến hành lập ra các lớp chọn theo khối thi đại học tương ứng A, B, C,…Nhiệm vụ chính của các lớp này là đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi và nâng cao tỷ lệ đỗ đại học.

    Để đạt được mục đích, các trường ưu tiên tối đa về điều kiện vật chất và tập trung toàn bộ giáo viên giỏi để "luyện thi" cho các lớp chọn. Chẳng hạn như học sinh ở lớp chọn khối A thì sẽ được dạy bởi các giáo viên Toán, Lý, Hoá giỏi nhất.

    Giáo viên dạy các môn không chuyên, theo quy ước, sẽ nhẹ tay hơn với học sinh các lớp chọn vì các em phải tập trung vào các môn chuyên. Tất cả những điều này không có trong bất kỳ văn bản nào của ngành giáo dục, nhưng là một thực tế rõ ràng.

    Ích lợi của hệ thống trường chuyên, lớp chọn là chúng ta có thể nâng cao được chất lượng đào tạo học sinh giỏi (nhóm này chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số học sinh) ở các môn chuyên (lưu ý chỉ ở các môn chuyên) qua đó lựa chọn được những học sinh giỏi nhất, được đào tạo bài bản nhất để đi tranh giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.

    Điều đó giúp Việt Nam duy trì được vị trí cao vượt trên những nước không đào tạo "kiểu gà nòi" như Anh, Pháp, Mỹ,…chẳng hạn. Thêm vào đó, hệ thống trường chuyên lớp chọn giúp cho những học sinh có năng khiếu và thực sự yêu thích một môn học có điều kiện để phát triển tài năng.

    Tuy nhiên những học sinh đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi không có nghĩa là sẽ trở thành những nhà khoa học xuất sắc, vì kiến thức được đào tạo ở bậc học phổ thông là rất thấp, họ cần phải được đào tạo lâu dài trong điều kiện làm việc tốt.

    Việc có giải cao trong các kì học sinh giỏi, kể cả kì thi quốc tế, suy cho cùng chẳng nói lên điều gì hay là mang lại lợi ích gì ngoài việc "nâng cao thành tích", vì trong thực tế nước ta vẫn đứng ở nhóm những nước có nền khoa học kém phát triển, kể cả những ngành mà chúng ta có thứ hạng cao trong kì thi Olympic.

    Cái hại của hệ thống trường chuyên, lớp chọn

    Ngoài những lợi ích trên đây, hệ thống các trường chuyên, trường điểm, lớp chọn gây ra không ít những tác hại đối với sự nghiệp giáo dục của Việt Nam. Theo ý tác giả thì những tác hại đó có thể tóm gọn trong năm ý sau đây:

    Một là, việc hình thành hệ thống trường điểm, trường chuyên, lớp chọn đã tạo ra sự bất công trong giáo dục. Trong khi nhà nước dồn ngân sách cho các trường điểm, trường chuyên thì các trường không chuyên tập trung mọi "nhân tài vật lực" vào các lớp chọn để nâng cao thành tích trong các kì thi học sinh giỏi cũng như tỉ lệ đỗ đại học.

    Kết quả là những học sinh học ở trường thường, lớp thường sẽ không được quan tâm đúng mức, đôi khi bị đối xử vô trách nhiệm hoặc bị thả nổi. Các thầy cô giáo có năng lực và dày dạn kinh nghiệm được ưu tiên dạy ở lớp chọn, do đó các lớp không chuyên thường phải chịu rất nhiều thiệt thòi…

    Hai là, sự phân biệt đối xử giữa lớp chọn, lớp thường trong các trường phổ thông gây tác động tâm lý không tốt đối với học sinh. Các học sinh trường chuyên, lớp chọn sẽ có cảm giác kiêu hãnh quá đáng và đôi khi coi thường các bạn ở lớp không chuyên.

    Trong khi đó, các học sinh lớp thường dễ bị rơi vào tâm lí tự ti, mặc cảm. Cả hai hình thái tâm lí này đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường giáo dục, nơi mà học sinh cần có sự tự tin, nhìn nhận đúng về bản thân, khiêm tốn, và biết tôn trọng người khác.

    Xa hơn nữa, mặc cảm tự ti hoặc kiêu ngạo quá đáng sẽ gây một sự mất thăng bằng về tâm lí và gây ảnh hưởng không tốt đến sự hình thành nhân cách của học sinh.

    Ba là, mô hình đào tạo theo kiểu trường chuyên, lớp chọn vừa là hậu quả, vừa là nguyên nhân của căn bệnh thành tích, một căn bệnh trầm trọng của nền giáo dục Việt Nam. Thay vì tập trung nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, người ta tập trung vào việc giành các giải học sinh giỏi, và nâng cao tỉ lệ đỗ đại học.

    Tất nhiên là trong một môi trường giáo dục toàn diện và thực chất thì thành tích trong các kì thi học sinh giỏi và tỉ lệ học sinh đỗ đại học phản ánh trung thực kết quả đào tạo nói chung. Vấn đề ở đây là để đạt được mục đích người ta đã thực hiện những công việc rất phản giáo dục, đó là tách riêng những học sinh có năng lực hơn và ưu tiên đào tạo những học sinh này để lấy thành tích, trong khi số đông học sinh còn lại chịu phần thiệt thòi.

    Bốn là, gây ra tiêu cực trong giáo dục. Thực tế cho thấy ở hầu hết các địa phương, phụ huynh học sinh tìm mọi cách để xin cho con em mình vào trường điểm, trường chuyên vì các trường này được ưu tiên về ngân sách nên có chất lượng đào tạo tốt hơn. Ở các trường phổ thông bình thường thì người ta tìm cách "chạy" cho con em vào học các lớp chọn, vì ở các lớp chọn thì thầy cô giáo giỏi hơn, được nhà trường quan tâm hơn. Đây chính là nguyên nhân làm phát sinh nhiều tiêu cực.

    Năm là, gây ra tình trạng "học lệch" và do đó sẽ cho ra lò những học sinh bị "lệch" về kiến thức. Học sinh ở trường chuyên, lớp chọn ngoài việc được ưu tiên hết mức ở các môn chuyên, các môn còn lại (thường được gọi là "môn phụ") coi như được thả lỏng.

    Các thầy cô dạy "môn phụ" cũng nới tay hơn đối với học sinh lớp chọn. Còn ở các lớp bình thường thì có thể nói là yếu mọi mặt, từ khâu giáo viên, đến điều kiện học tập, sự quan tâm của nhà trường,.v.v..

    Hậu quả là học sinh sau khi tốt nghiệp có trình độ rất thiếu toàn diện, điều này giải thích vì sao kết quả thi ở một số môn như Lịch sử, Địa lý, v.v.. lại thấp đến thế.

    Điều tương tự cũng đã xảy ra ở cấp đại học với sự ra đời của các hệ "cử nhân tài năng" đã đẩy các sinh viên còn lại vào hệ "cử nhân không tài năng". Thay vì nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, người ta đã đi theo đường cũ, đó là chọn ra một số sinh viên giỏi, tập trung toàn bộ giảng viên giỏi cũng như điều kiện vật chất để đào tạo ra một số sinh viên có chất lượng cao.

    Như vậy là mỗi trường đại học sản xuất ra hai loại sản phẩm "tài năng" và "không tài năng". Trước khi chưa có mô hình cử nhân tài năng thì chất lượng đào tạo chung đã thấp, bây giờ có cử nhân tài năng thì không hiểu chất lượng của số "không tài năng" kia sẽ ra sao.

    Thêm vào đó, hàng ngũ sinh viên lại bị chia thành hai đẳng cấp rõ rệt. Bản thân tác giả, trong thời gian học phổ thông cũng từng là học sinh trường chuyên, lớp chọn, do đó cũng đã được hưởng đầy đủ những ưu tiên đối với học sinh chuyên như đã nói ở trên.

    Tuy nhiên sau một thời gian học tập ở nước ngoài, có điều kiện quan sát mô hình đào tạo ở các nước phát triển, thông qua so sánh và suy nghĩ thì nhận ra rằng mô hình đào tạo theo kiểu "gà nòi" ở Việt Nam có hại nhiều hơn là lợi.

    Việc phân loại học sinh để đào tạo thoạt nhìn thì có vẻ đẹp, giống như một bãi cỏ xén bằng, nhưng nó không hợp với tự nhiên. Mặc dù về qui định thì ngành giáo dục của chúng ta đối xử công bằng với mọi đối tượng học sinh, nhưng mô hình đào tạo thiên lệch đã gây ra nhiều hậu quả làm thay đổi phần nào bản chất tốt đẹp của giáo dục.

    Nếu ai có dịp tìm hiểu hệ thống giáo dục phổ thông ở các nước phát triển sẽ nhận ra rằng, mặc dù họ rất khuyến khích học sinh phát triển năng khiếu (học sinh thích Toán, Vật lý, Âm nhạc, Hội hoạ, Kịch, … đều được tạo điều kiện tối đa để học và tìm hiểu theo sở thích của từng em) nhưng không hề có nhóm học sinh nào được đối xử đặc biệt (trừ các học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, v.v..).

    Ở nước họ, học sinh có năng khiếu Toán học không được coi, và do đó các em không tự cảm thấy, là giỏi hơn các học sinh có năng khiếu Văn học, Lịch sử, v.v... Điều quan trọng là phải tạo nên một môi trường giáo dục bình đẳng và công bằng về cơ hội cho tất cả mọi học sinh.

    Nên bỏ trường chuyên lớp chọn, hệ cử nhân tài năng...

    Để khắc phục các tác hại trên đây của hệ thống trường điểm, trường chuyên, lớp chọn đối với nền giáo dục của nước ta, tác giả xin đề nghị một số giải pháp cụ thể sau.

    1. Bỏ kỳ thi vào đại học. Sinh viên đại học sẽ được tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Tập trung mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp PTTH.

    2. Chuyển các trường chuyên ở tất cả các cấp thành các trường thường. Xoá bỏ hoàn toàn mô hình lớp chọn ở các trường PTTH. Bãi bỏ việc ưu tiên đầu tư vào các trường điểm ở mọi cấp. Chú trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo chung.

    3. Xây dựng hệ thống các môn học, các nội dung tự chọn ngoài chương trình để học sinh có cơ hội phát triển năng khiếu. Chẳng hạn như môn Toán, ngoài nội dung bắt buộc theo yêu cầu của chương trình, ở phần tự chọn có thể dạy ở trình độ cao hơn, rộng hơn, nhưng không tính vào điểm tốt nghiệp.

    4. Trong các trường học, nên khuyến khích các sinh hoạt tập thể theo kiểu "vừa vui vừa học". Cho phép học sinh thành lập các nhóm, các câu lạc bộ bao gồm những người yêu thích một môn học nào đó, sinh hoạt tự nguyện (ví dụ như CLB Toán học chẳng hạn) có sự tham gia của giáo viên để giúp đỡ các em. Tóm lại là phải tạo điều kiện để các học sinh yêu thích một môn học nào đó có thể phát triển tối đa năng khiếu của bản thân.

    5. Giữ nguyên các kỳ thi học sinh giỏi và các khen thưởng kèm theo. Học sinh đi thi quốc tế sẽ được tuyển từ kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

    6. Xoá bỏ hệ thống cử nhân tài năng ở các trường đại học. Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo chung. Trong trường hợp không đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo thì giảm chỉ tiêu đầu vào. Cũng phải nói thêm rằng, không có một giải pháp trọn gói nào có thể khắc phục triệt để các vấn đề của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

    Các đề nghị trên đây chỉ nhằm khắc phục một phần nhỏ các vấn đề đó. Nếu các giải pháp trên đây được thực hiện thì có thể kết quả các kỳ thi Olympic quốc tế của Việt Nam sẽ bị giảm xuống. Nhưng khi đó chất lượng đào tạo chung sẽ được nâng lên rất nhiều.

    Sự lựa chọn tuỳ thuộc vào cái chúng ta cần là một nền giáo dục hiệu quả và nhân bản hay là những thành tích hão.

    Nguyễn Thành Nam

    NCS Vật lý Trường đại học Grenoble 1, Cộng hòa Pháp

    Trong các bài tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải ý kiến của bạn đọc về việc có nên bỏ hệ thống trường chuyên, lớp chọn.

    Nguyễn Thành Nam (Theo http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?Article)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.