Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (726 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (498 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (80 bài viết)
  • Sản phẩm mới (216 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (549 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (156 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (127 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (183 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (70 bài viết)
  • Cùng học (92 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (78 bài viết)
  • School@net 15 năm (154 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (124 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (363 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1210 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1037 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (275 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (180 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8223 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 8
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 8
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 89508889 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Về chuyện học phí ở trường công

    Ngày gửi bài: 04/12/2007
    Số lượt đọc: 2673

    Bàn về chuyện học phí cấp giáo dục phổ thông ở các trường công hiện nay, chúng tôi nhận thấy có hai câu hỏi sau đây cần tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Phải chăng học phí cần được tính toán sao cho “thu đủ bù chi”? Phải chăng nguyên tắc thu học phí “phù hợp với khả năng chi trả của người dân” là một nguyên tắc bảo đảm được sự công bằng?

    Thoạt nhìn, tưởng chừng như hai nguyên tắc vừa nêu tỏ ra đối nghịch nhau, bởi vì nếu chỉ thu học phí theo khả năng của người dân, thì làm sao có được số thu đủ bù cho số chi. Và do đó, nguyên tắc thứ hai có vẻ như bảo đảm được sự “công bằng” hơn nguyên tắc trước, vốn lạnh lùng hơn và mang tính chất tiền trao cháo múc hơn. Nhưng thực ra suy cho cùng, cả hai nguyên tắc này có liên quan chặt chẽ với nhau, vì đều mang một thứ lôgic kinh tế và đều dựa trên cùng một định đề về tính công bằng trong kinh tế: ai có tiền nhiều thì trả nhiều, ai có it, trả ít; và hệ luận mặc nhiên và dễ hiểu của định đề này là: ai trả nhiều thì có quyền được hưởng nhiều hơn. Nếu cho rằng để bảo đảm tính công bằng, cần tính toán học phí sao cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân, tức là dựa trên mức thu nhập, ở các đô thị và thành phố phải đóng học phí cao hơn nông thôn và miền núi chẳng hạn, và do đó có quyền được hưởng nền học vấn tốt hơn, thì e rằng những người đề xướng ra nguyên tắc tính toán này đã lầm lẫn tính công bằng kinh tế với tính công bằng xã hội. Ai cũng biết sự công bằng trên bình diện kinh tế không phải lúc nào cũng trùng khớp, thậm chí có nhiều trường hợp trái nghịch với sự công bằng về mặt xã hội. Mà giáo dục xét như là một định chế mang tính xã hội và văn hóa thì hơn ai hết nó phải tôn trọng và đề cao trước tiên giá trị công bằng xã hội này.

    Cái lôgic tất yếu của nguyên tắc tính toán kinh tế là nghĩ rằng vì có những gia đình có thu nhập cao muốn đóng học phí cao để con cái được học trường tốt hơn, nên nhà nước cần có một số trường công đáp ứng nhu cầu này. Nhưng, như một số người đã nhận xét, làm như vậy thì hậu quả là sẽ có những trường công dành cho con nhà giàu, và những trường công dành cho con nhà nghèo ! Và điều chắc chắn là con em vùng sâu vùng xa sẽ mãi mãi phải cam chịu thân phận đi học ở những ngôi trường kém xa so với các vùng đô thị. Đó là chưa nói tới nguy cơ thất học đối với những gia đình khó khăn không lo nổi học phí, dù phải đóng ít. Biện pháp miễn giảm học phí trong trường hợp này tỏ ra không ổn, vì đây thực chất là một biện pháp mang tính bất bình đẳng, dù là một biện pháp bất bình đẳng mang tính tích cực, và người thụ hưởng chính sách này không khỏi không cảm nhận điều này; vả lại, như nhiều người đã nói, làm sao mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hay các sở GD&ĐT có khả năng hàng tháng hay hàng năm phân loại và thống kê nổi danh sách những gia đình đang gặp khó khăn để miễn giảm, trong số gần 22 triệu HSSV trên cả nước? Điều trớ trêu là cái nguyên tắc kinh tế gọi là để bảo đảm sự “công bằng” ấy (thu học phí phù hợp với khả năng chi trả) lại chính là con đường ngắn nhất dẫn đến tình trạng bất bình đẳng về cơ hội cũng như về điều kiện học tập, không chỉ thiệt thòi cho những gia đình khó khăn, mà còn tổn hại đến lợi ích lớn hơn của quốc gia vì sẽ làm lãng phí những nguồn lực trí tuệ có thể có nơi con em gia đình ở vùng sâu vùng xa và gia đình nghèo.

    Một khía cạnh khác của vấn đề: cũng không thể lập luận rằng tại sao các trường quốc tế vào đây thu tiền cao mà trường công của ta lại không được làm một cách tương tự. Bởi lẽ nghĩ như thế thì lại là một sự lẫn lộn nghiêm trọng giữa quan điểm của một hiệu trưởng trường tư (mặc dù bản thân quan điểm này hoàn toàn không có gì đáng trách cả nếu đứng trên cương vị của một trường tư) so với quan điểm đáng lý phải có của một người đang nằm trong bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục. Lối suy nghĩ ngộ nhận này nguy hiểm ở chỗ nó có thể dẫn đến một sự từ nhiệm của nhà nước về mặt trách nhiệm đối với giáo dục.

    Mối quan hệ giữa nhà nước và người dân không phải là một mối quan hệ thị trường, cũng không phải là mối quan hệ giữa người bán với người mua dịch vụ hay giữa nhà doanh nghiệp với khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực mà nhà nước đã cam kết đảm nhiệm trách nhiệm. Sự cam kết này không phải do lòng tốt hay do thiện chí của nhà nước, mà đây là nghĩa vụ của nhà nước (đã được ghi trong Hiến pháp) đối với người dân. Đồng tiền trong ngân sách nhà nước không phải của nhà nước, mà là của những người thọ thuế, nghĩa là của người dân. Vì thế, không thể lập luận rằng “nhà nước” đã chi hơn 90% cho giáo dục và người dân chỉ phải chi 5-7% còn lại ! Mọi con em trong tuổi đi học phải được đối xử bình đẳng, có cơ hội và điều kiện học tập ngang nhau, dựa trên nguyên tắc giáo dục cưỡng bách và giáo dục miễn phí, ít nhất tới hết lớp 9, theo qui định của Hiến pháp và Luật Giáo dục.

    Hiến pháp sửa đổi vào tháng 12-2001 đã ghi là phải “thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở” (điều 36), tức tới hết lớp 9. Mặc dù bản Hiến pháp qui định rõ “bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí” (điều 59), còn bậc THCS thì chỉ ghi là “phổ cập”, nhưng hẳn nhiên hệ luận của từ này phải bao hàm cả sự cưỡng bách [1] và sự miễn phí. Bởi lẽ, nếu không hiểu như vậy, sẽ không thể có đủ điều kiện để thực hiện sự phổ cập ấy, khi mà “học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân” (điều 59).

    Khi hiến pháp nói công dân có quyền và nghĩa vụ học tập, thì điều này không phải chỉ vì lợi ích của cá nhân và gia đình, mà còn vì và trước hết vì lợi ích của cả quốc gia. Một đứa trẻ thất học không chỉ thiệt thòi một mình, mà còn có thể gây ra ít nhiều gánh nặng hay hậu quả nào đó sau này cho quốc gia; một đứa trẻ được đi học thì dù gì đi chăng nữa vẫn có lợi cho quốc gia hơn là nếu nó bị thất học. Và một đứa trẻ thông minh sáng trí mà không được đi học thì điều này không chỉ thiệt hại cho đứa bé, mà còn thiệt thòi nhiều hơn cho sức mạnh của một đất nước. Do vậy mà người ta mới nói giáo dục là một thứ lợi ích công, hay thậm chí có người còn coi sản phẩm của nó như một thứ tài sản công. Chính vì thế mà các nhà nước ngày nay luôn luôn gánh vác trách nhiệm chăm lo cho giáo dục, và phần lớn các nước đều có chính sách giáo dục cưỡng bách và miễn phí, ít nhất tới hết lớp 9 hay lớp 12, tùy điều kiện kinh tế từng nước.

    Trong các cuộc thảo luận về vấn đề học phí thời gian gần đây, hình như ít có ai nhắc tới lai lịch phát sinh của câu chuyện này. Trước đây, cũng giống như các nước khác, học trường công ở miền Bắc hay ở miền Nam nước ta đều hoàn toàn miễn phí. Nhưng vào ngày 24-4-1989, chính phủ đã lần đầu tiên ra Quyết định số 44-HĐBT qui định việc “thu một phần học phí” trong ngành giáo dục phổ thông (lúc ấy hầu hết đều là trường công) kể từ năm học 1989-90 trở đi, ngoại trừ các lớp 1, 2 và 3, với mục đích chủ yếu là “hỗ trợ đời sống giáo viên” vốn đang gặp vô vàn chật vật vào thời ấy. Thực ra, quyết định ấy chỉ là việc chính thức hóa chuyện đóng học phí vốn đã được thực hiện mà không được gọi bằng đúng cái tên của nó, kể từ khi mỗi trường được phép lập “quĩ bảo trợ nhà trường” (theo Quyết định số 15-CP ngày 14-1-1981 của Hội đồng chính phủ) nhằm “duy trì” hoạt động giáo dục trong tình thế mà nhà trường bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn của thời bao cấp, còn các xí nghiệp thì buộc phải áp dụng những biện pháp nhất thời như “ba lợi ích” hay “xí nghiệp đời sống”. Ngày 24-5-1993, thủ tướng ra Quyết định số 241-TTg tiếp tục mở rộng diện thu học phí cho cả sinh viên đại học và cao đẳng, trừ bậc tiểu học...

    Như vậy nhìn lại, có thể thấy rõ rằng chủ trương thu học phí trong trường công đã ra đời trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trong thập niên 1980, và có lẽ phải nhìn nhận đây là một giải pháp tình thế cần thiết nhưng chẳng đặng đừng hồi ấy.

    Bây giờ đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại và trả vấn đề về lại đúng chỗ của nó. Vào năm 1990, khi bắt đầu thu học phí, tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ đạt cỡ 6-7 tỉ đô-la, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chỉ có 767 tỉ đồng (tức hơn 120 triệu đô-la theo tỉ giá lúc đó). Đến năm 2007, khi mà GDP đã lên tới khoảng 76 tỉ đô-la và ngân sách chi cho giáo dục đạt 66.770 tỉ đồng (hơn 4,1 tỉ đô-la, tức gấp 34 lần so với năm 1990) [2], thì chẳng lẽ lại cứ phải tiếp tục tăng học phí?

    Với tất cả những lý lẽ nên trên, chúng ta cần trả lời phủ định đối với cả hai câu hỏi nêu ra ở đầu bài này. Chúng tôi cho rằng đúng ra thì chính phủ không những không nên tính toán chuyện tăng mà ngược lại còn phải sớm tính tới lộ trình bãi bỏ học phí ở các trường công. Nếu ngân sách chưa đủ sức thì buộc phải giảm bớt ngân sách từ những cấp học khác để ưu tiên hàng đầu cho hai cấp tiểu học và phổ thông cơ sở. Đã là trường công của nhà nước thì nhất thiết cần bãi bỏ hoàn toàn học phí. Lương nhà giáo trường công phải được tính theo một thang lương mới và tăng sao cho có thể đủ sống một cách đàng hoàng, xứng đáng, chứ không thể tiếp tục sống lây lất như lâu nay. Đối với những khu vực nào hay trường nào mà nhà nước không đảm đương nổi ngân sách, thì tốt hơn hết là nên giao lại cho tư nhân, nghĩa là cho nhà giáo, đảm nhiệm, thay vì ráng cố gắng níu kéo một cách lúng túng và vá víu. Nói chung, trường công phải ra trường công, trường tư ra trường tư.

    Lẽ tất nhiên, không ai kỳ vọng có thể thay đổi ngay lập tức được mọi thứ trong hệ thống giáo dục, kể cả chuyện học phí và ngân sách. Nhưng trước mắt, chúng tôi đề nghị ít ra ngưng lại chủ trương tăng học phí, để sớm tính toán ngay lộ trình tiến tới việc xóa bỏ hoàn toàn học phí và tất cả các khoản phí đóng góp khác trong trường công – vốn là một thứ “tàn dư” của một thời bao cấp đầy khó khăn cách nay hơn 1/4 thế kỷ. Ngoài ra, cũng nên tính toán thêm chuyện miễn phí một năm mẫu giáo (5 tuổi mà thôi) vì năm này rất quan trọng cho việc chuẩn bị vào lớp 1. Và nhân đây, cũng cần nhắc lại một yêu cầu cấp bách mà nhiều người đã nêu là phải sớm tiến hành kiểm toán và công khai hóa các hoạt động tài chính trong ngành giáo dục, nhất là ở cấp quốc gia.

    Nếu quốc phòng là lĩnh vực liên quan tới chuyện an ninh của quốc gia, thì có thể nói giáo dục chính là một lĩnh vực liên quan trực tiếp tới vận mệnh của đất nước. Bây giờ, nếu chỉ dừng lại ở việc cưỡng bách và miễn phí cấp tiểu học mà thôi, thì chẳng lẽ Việt Nam ngày nay vẫn chưa vượt qua nổi cái mốc đặt ra từ Hiến pháp 1946?

    --------------------------

    [1] Từ “cưỡng bách” là từ rất chuẩn xác mà bản Hiến pháp năm 1946 đã dùng, rất tiếc bản Hiến pháp hiện nay không dùng từ này.
    [2] Tổng số HSSV cả nước năm 1990 là 12,25 triệu, còn năm 2007 là gần 22 triệu, tức tăng chưa tới gấp đôi.

    school@net (Theo http://dongtac.net/spip.php?article1351)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.