Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (726 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (498 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (80 bài viết)
  • Sản phẩm mới (216 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (549 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (156 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (127 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (183 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (70 bài viết)
  • Cùng học (92 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (78 bài viết)
  • School@net 15 năm (154 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (124 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (363 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1210 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1037 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (275 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (180 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8223 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 10
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 10
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 89559184 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Bài báo "ngoại" chưa phải là "quốc tế"

    Ngày gửi bài: 12/02/2008
    Số lượt đọc: 2785

    Mỗi luận án phải có một bài báo đăng ở tạp chí uy tín nước ngoài. Điểm mới dự kiến áp dụng trong đào tạo tiến sĩ đang gây ra những ý kiến khác nhau. Dưới đây, VietNamNet giới thiệu bài viết của tác giả Nguyen Tran (Viện Vật lý, Viện Khoa học Công nghệ) với tựa đề "Phân loại, đánh giá bài báo khoa học: Cần chính xác và tinh tế".

    Thế nào được gọi là bài báo quốc tế?

    Gần đây, nhiều bài viết đề nghị lấy bài báo đăng trên Tạp chí quốc tế (gọi tắt là BBQT) làm tiêu chí để đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH), và hơn nữa, làm điều kiện cần cho một luận án tiến sĩ. Khi đề nghị như vậy, hẳn là các tác giả đã đánh giá cao chất lượng khoa học của các BB loại này. Nhưng, một BB như thế nào được gọi là BBQT?

    Theo tôi, hiện tại ở ta chưa có đáp án thống nhất cho câu hỏi này. Trong tất cả các văn bản, từ thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, đến báo cáo ở các cơ sở nghiên cứu, "tập" các bài báo khoa học (BBKH) luôn được phân thành hai "tập con" không phủ nhau: bài báo trong nước (BBTN) và BBQT.

    Cách phân loại này cho ta định nghĩa duy nhất như sau: BBQT là tất cả những BBKH được đăng ở bất kì tạp chí khoa học (TCKH) nào, trừ các TC xuất bản trong nước (Việt Nam). Định nghĩa này, rất tiếc lại không tương thích với tiêu chí về chất lượng KH cao hơn mà ta muốn dành cho các BBQT. Thật vậy, tôi dám chắc rằng, chất lượng KH nói chung của các BB đăng trên "Tạp chí Toán học" xuất bản ở Việt Nam (dù là BBTN) không thấp hơn so với các BB đăng trên các tạp chí cùng chuyên ngành xuất bản ở nhiều nước khác như Lào hay Haiti (dù vẫn được gọi là BBQT). Như vậy, cách phân chia BBKH thành QT và TN như các cơ quan quản lý KH đang sử dụng, thực ra là chưa chuẩn xác nếu muốn nói về chất lượng KH. Ngoài ra, cách phân chia mang tính địa lí này còn có thể dẫn đến một hậu quả không mong muốn: nó thúc đẩy mọi người tìm cách gửi bài đăng trên các TC nước ngoài, không quan trọng ở đâu, chất lượng ra sao, miễn là "tạp chí ngoại".Điều đó không những không có lợi cho việc nâng cao vị thế KH nước nhà trên trường quốc tế, mà còn ảnh hưởng xấu đến các TCKH trong nước vì sẽ không có đủ bài để tồn tại và phát triển.

    Để tương xứng với tiêu chí chất lượng KH cao, ta cần một định nghĩa khác cho BBQT. Đi tìm một định nghĩa mong muốn, trước hết, ta phải hiểu đúng ý nghĩa của chữ "quốc tế" được dùng ở đây. Nó hoàn toàn không liên quan gì đến biên giới địa lý, mà ngụ ý rằng, BBQT là BB đăng trên các TC có chất lượng khoa học tầm cỡ quốc tế, tức là các TC đựợc thừa nhận, đánh giá và quan tâm rộng rãi bởi các nhà nghiên cứu chuyên ngành trên phạm vi quốc tế (toàn thế giới).

    Chưa có TCKH nào của nước ta được gọi là "quốc tế"

    Làm thế nào để nhận biết các TC này? Ta cần dựa vào sự đánh giá khách quan của cộng đồng KH quốc tế. Trong nhiều nguồn dữ liệu thông tin KH khác nhau hiện có, theo tôi, đánh giá của Thomson Scientific (http://scientific.thomson.com) là đáng tin cậy và được thừa nhận rộng rãi hơn cả. Tổ chức này thống kê, phân loại và đánh giá tất cả các TCKH "tầm cỡ quốc tế" với ý nghĩa là, các TC này được nhiều người làm KH trên thế giới biết đến và sử dụng.

    Có thể khẳng định rằng, các TCKH nói chung được Thomson Scientific giới thiệu có chất lượng KH cao hơn các TC cùng chuyên ngành không được giới thiệu.

    Từ đây, tôi mạnh dạn đưa ra một định nghĩa như sau: BBQT là các BB đăng trên các TCKH được giới thiệu ở Thomson Scientific. Những TC không được "ghi danh" ở đây, thì dù xuất bản ở đâu, đều có mặt bằng chất lượng thấp hơn, và ta có thể gọi chung là tạp chí địa phương, với ý nghĩa là các TC này chỉ được thừa nhận rộng rãi trong một địa phương (trường, viện hay quốc gia) nhất định nào đó.

    Tóm lại, thay cho cách phân loại theo kiểu "hàng nội" và "hàng ngoại" đang được sử dụng, chúng tôi đề nghị phân các TCKH (cũng như BBKH) thành hai lớp: quốc tế (được giới thiệu trong Thomson Scientific) và địa phương (không được giới thiệu).

    Cách phân loại này có những ưu điểm sau: (1) chuẩn xác về chất lượng KH (quốc tế cao hơn địa phương), (2) khách quan và phù hợp với phân loại chung của cộng đồng KH quốc tế (một khi đã "hội nhập" thì mọi sản phẩm, kể cả sản phẩm KH, cần được đánh giá theo chuẩn chất lượng quốc tế!), và quan trọng là, (3) luôn cập nhật và do đó có tính thời sự cao (Thomson Scientific thường xuyên cập nhật danh mục cũng như đánh giá chất lượng KH của các TC được giới thiệu).

    Theo cách phân loại này, thì hiện tại chưa có TCKH nào của nước ta được gọi là "quốc tế". Nhưng, quan trọng là, rất, rất nhiều tạp chí "ngoại" cũng có cùng số phận như vậy! Và, quan trọng hơn nữa, đó chỉ là trạng thái "hiện tại", cánh cửa để trở thành TCQT luôn rộng mở cho bất kỳ TCKH nào, kể cả các TC xuất bản ở Việt Nam, nếu biết liên tục nâng cao chất lượng KH của mình.

    Mọi người đều bình đẳng và được hoan nghênh trong cuộc chạy đua gây dựng "thương hiệu KH quốc tế" cho TC của mình, ngay trên đất nước mình!

    Chạy đua gây dựng "thương hiệu khoa học quốc tế"

    (VietNamNet) - Trong phần 2 của bài viết: "Phân biệt tạp chí khoa học cần chính xác và tinh tế", tác giả Nguyen Tran cho rằng các tác giả không chỉ cần có trình độ học vấn mà còn phải lao động rất nghiêm túc.

    Chỉ số ấn tượng


    Sau khi đã lọt được vào "làng" các TCQT, thì các TC đều cố gắng để vượt lên trong ngôi thứ về chất lượng KH. Ngôi thứ này được xác lập bằng một "độ đo" gọi là Impact Factor (tạm dịch, "chỉ số ấn tượng", liên quan với mức độ ảnh hưởng của TC, cho ta biết TC có thường xuyên được các nhà KH quan tâm và sử dụng hay không).

    Về nguyên tắc, chất lượng KH và uy tín của một TC tỷ lệ thuận với Impact Factor của nó. Nhưng, tuyệt đối không nên quên là, sự so sánh như vậy chỉ có ý nghĩa giữa các TC thuộc cùng một chuyên ngành. Phạm vi chuyên ngành càng hẹp thì so sánh càng chính xác.

    Ví dụ, tạp chí Applied Physics Letters hiện có Impact Factor bằng 4 và Journal of Applied Physics hiện có Impact Factor bằng 2,8 là hai tạp chí hiện đang đứng ở vị trí số một và số hai trong tổng số 85 TCQT về Applied Physics được giới thiệu, hay tạp chí Journal of Physics: Condensed Matter với Impact Factor bằng 2 hiện đang là tạp chí số một về Condensed Matter Physics ở châu Âu.

    Những so sánh như vậy có thể coi là chuẩn xác. Không nên so sánh Journal of Applied Physics với Journal of Physics: Condensed Matter mặc dù cả hai TC vẫn đều là Physics (nhưng dành cho lĩnh vực khác nhau).

    Và sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu ta dùng Impact Factor để so sánh, chẳng hạn, một TC về Toán (thường có Impact Factor nhỏ hơn 1) với một TC về Y (thường có Impact Factor rất cao, thậm chí lên tới 20). Đơn giản là những người làm Toán rất ít viện dẫn kết quả của người khác trong BB của mình, còn những người làm trong ngành Y thì ngược lại.

    Một chú ý nữa là, vì chất lượng KH của các TC được thường kỳ đánh giá lại, Impact Factor của chúng thay đổi theo thời gian, nên mọi so sánh bằng Impact Factor chỉ có ý nghĩa nếu chúng được lấy tại cùng một thời điểm.

    Tác giả không chỉ cần có trình độ học vấn mà còn phải lao động rất nghiêm túc

    Để có được bài báo đăng trên TCQT, các tác giả không chỉ cần có trình độ học vấn, kỹ năng nghiên cứu, mà còn phải lao động rất nghiêm túc. Nếu như vài chục năm về trước số tác giả ghi trên mỗi BB nghiên cứu có tính lý thuyết thường chỉ là một hoặc hai, thì ngày nay số đồng tác giả phổ biến là ba, bốn.

    Với các công trình thực nghiệm hay ứng dụng, con số này còn lớn hơn nhiều. Đó chính là một trong những đặc thù của nghề làm KH ngày nay, khi mà sự hợp tác không chỉ là nhu cầu công việc mà còn là một nét đẹp văn hóa, một nhu cầu tình cảm.

    Một khi đã là đồng tác giả thì mọi người bình đẳng trong trách nhiệm và quyền lợi, không có ai chính, ai phụ. Một số người nhầm tưởng: tác giả có tên ghi đầu tiên là "chính". Lại có người cho rằng: tác giả giao dịch (corresponding author) mới là "quan trọng". Xin thưa rằng, những người làm khoa học thực thụ thường rất trung thực và khiêm tốn, không ai dám nhận mình là "chính", là "quan trọng", mà ngược lại, bao giờ họ cũng đề cao phần đóng góp của người khác. Việc sắp xếp thứ tự tên các tác giả trong BB là tùy thuộc từng nhóm nghiên cứu.

    Thời gian ở Liên Xô (cũ), thầy giáo tôi luôn đặt tên tôi trước tên ông ấy với lý do (mà ông giải thích) là, tên tôi bắt đầu bằng chữ "N" phải đứng trước tên ông bắt đầu bằng chữ "S". Sau này, làm việc với nhiều nhóm nghiên cứu ở các nước khác nhau, tôi biết là, các ông thầy luôn đưa tên của học trò lên phía trước. Đó là một cách "quảng cáo" cho học trò, nâng học trò lên. Còn vai trò tác giả giao dịch thì thường đơn giản là ai thuận tiện hơn, người đó đảm nhận. Vả lại, điều này cũng chỉ mang tính hình thức, vì mọi vấn đề liên quan với BB luôn được trao đổi và thống nhất giữa tất cả các đồng tác giả.

    Tuyệt nhiên không nên và cũng không cần thiết phải phân biệt tác giả "chính", tác giả "phụ"! Việc đó không những chẳng giúp ích gì cho cộng đồng những người làm KH, mà còn rất dễ dẫn đến thông tin sai lệch, những lầm lẫn không nên có.

    Một tư chất cần có của người làm khoa học ngày nay là khả năng hợp tác. Trên tạp chí ngày càng thấy nhiều bài báo trong đó địa chỉ của các tác giả là ở các nước khác nhau. Hợp tác quốc tế rộng rãi trong NCKH đang là biểu trưng mang tính thời đại. Cũng cần phải nói là hợp tác quốc tế ngày nay khác với thời "các nước xã hội chủ nghĩa anh em". Hợp tác ngày nay là hợp tác bình đẳng.

    Tôi thường tâm sự với các bạn trẻ đang làm nghiên cứu ở nước ngoài: người ta đã bỏ tiền, thì mình phải bỏ công sức, phải làm việc nhiều hơn, phải "chơi" đẹp, "chơi" ngang bằng, khi đó hợp tác mới hiệu quả, mới bền vững và vui vẻ.

    Với tinh thần này tôi cho rằng, không nên chia các BBKH thành "nội lực" (chỉ gồm các tác giả địa chỉ ở Việt Nam) và "ngoại lực" (các tác giả có địa chỉ nước ngoài) và xem chỉ các BB "nội lực" mới thực sự là "của ta", mới đáng được tính đến, như một số nhà quản lý đã làm.

    Cách phân chia và đánh giá như vậy liệu có thuận với xu thế hội nhập, khi mà những người làm KH trên khắp hành tinh đang cố gắng tăng cường hợp tác với nhau, khi mà chúng ta đang thúc đấy giao lưu, đưa nhiều người làm KH của ta ra nước ngoài và mời nhiều nhà KH nước ngoài vào làm việc ở ta, khi mà cùng với các ngành sản xuất khác, những người làm KH ở Việt Nam đang phấn đấu để xóa dần ranh giới giữa "nội" và "ngoại", giữa "tây" và "ta"?

    Khoa học chính là con người

    Cuối cùng, chúng tôi muốn lưu ý một chi tiết mang tính kỹ thuật. Cũng như với các phân loại xã hội khác, mọi phân loại TCKH (và do đó BBKH) đều chỉ có ý nghĩa thống kê, nghĩa là không loại trừ ngoại lệ. Dù dựa theo Thomson Scientific hay bất kỳ nguồn dữ liệu nào khác, vẫn có thể (dù với xác suất rất nhỏ) xảy ra trường hợp, một BB địa phương lại có chất lượng KH cao hơn BBQT.

    Trong thực tế, không thể có một phân loại chính xác tuyệt đối. Và, việc tôi đề nghị lấy Thomson Scientific làm nguồn tư liệu gốc cũng chỉ là ý kiến cá nhân ở thời hiện tại. Điều quan trọng là người quản lý phải có đủ hiểu biết và tâm huyết để có thể phân loại và đánh giá các sản phẩm KH, trong đó có các BBKH, với độ chuẩn xác cao nhất có thể.

    Ngoài ra, vì KH chính là Con-người, một Con-người rất nhạy cảm, nên việc "phân loại và đánh giá" cũng phải rất Văn hóa, rất Tinh tế. Phân loại và đánh giá đúng các sản phẩm NCKH là rất quan trọng vì nó không chỉ tác động trực tiếp lên đội ngũ người làm KH đương thời, mà còn chi phối cả định hướng phát triển KH trong tương lai.

    Nguyen Tran (IOP)

    *************************

    Ho ten: Cảnh Lê
    Dia chi: Hanoi
    Email: catfishneu@yahoo.com

    Đọc phần I bài viết của Nguyen Tran tôi thấy được sự quan tâm của những người làm khoa học đến vấn đề này. Tác giả đã cố gắng đi tìm cơ sở và đưa ra cho riêng mình "khái niệm" về bài báo quốc tế (không nên dùng từ định nghĩa). Đây có thể nói là sự "táo bạo" đáng trân trọng của Nguyen Tran. Tuy nhiên, cái "định nghĩa" mà tác giả đưa ra chưa thực sự là thuyết phục ở mấy điểm: Thứ nhất, mảng Scientific Thomson chỉ là một phần nhỏ của của tập đoàn chuyên về tư vấn Thomson và nó không hề bao quát toàn bộ các lĩnh vực nghiên cứu. Thứ hai, theo hiểu biết của tôi thì Scientific Thomson chưa hẳn là nơi cung cấp thông tin về nghiên cứu khoa học của thế giới, hoặc chí ít là ở Mỹ. Ví dụ về lĩnh vực Kinh tế chẳng hạn, Scientific Thomson không thể cung cấp thông tin tốt hơn AEAweb (http://www.econlit.org/journal_list.html). Vậy nên cần phải có nghiên cứu và xét đến từng lĩnh vực cụ thể mới có thể đưa ra được một khái niệm BBQT thoả đáng.

    Ho ten: Lại Ngọc Đan Anh
    Dia chi: ENS Cachan, France
    Email: laingocdananh@yahoo.fr

    Tieu de: Tiến sĩ Việt Nam sẽ là tiến sĩ của quốc tế

    Noi dung: Tôi rất tán thành với ý kiến của Nguyen Tran về việc phân biệt bài báo ngoại hay quốc tế trong tiêu chuẩn bảo vệ Tiến sĩ ở Việt Nam. Tôi muốn nói thêm một chút về việc đánh giá bài báo và gợi ý một cách làm hay và chuẩn để công nhận nghiên cứu sinh (NCS) đủ điều kiện bảo vệ luân án. Việc lấy bài báo ngoại để làm tiêu chuẩn vẫn còn hết sức mơ màng, và vẫn còn tạo kẽ hở để các tiến sĩ giấy ra đời. Để đánh giá chất lượng bài báo phải dựa trên impact factor (đánh giá của Thomson Scientific) của tạp chí bài báo gửi đăng, dù nó là tạp chí quốc tế hay tạp chí Việt Nam. Impact factor thay đổi theo năm, vì vậy giá trị của bài báo được đánh giá theo impact của năm đăng. Tuy vậy tiêu chí là 1 bài báo hay 1 số điểm nhất định của impact factor cho một NCS ? Vì có tạp chí có impact factor là 10, nhưng có cái chỉ là 0,5. Và tất nhiên uy tín của tạp chí cũng khác nhau cỡ 20 lần như vậy. Hơn nữa, NCS được gọi là có bài báo thì tên của NCS phải đứng ở đâu trong danh sách tác giả (authors), không lẽ đứng cuối cùng cũng được đánh giá là người có phát minh chính. Tôi gợi ý một cách như sau của Đài Loan hiện nay. Họ yêu cầu NCS phải có đủ 8 điểm impact factor. Trong đó ít nhất 4 điểm phải là các bài báo do chính NCS đứng đầu trong danh sách authors, còn 4 điểm còn lại thì NCS có thể đứng từ thứ 2 trở đi. Với lưu ý là: nếu NCS đứng đầu tiên thì được hưởng 100% điểm của impact factor, đứng thứ 2 thì được 50%, và đứng từ thứ 3 trở đi thì chỉ được hưởng 25%. Làm như vậy sẽ đánh giá công bằng công lao của NCS. Tôi tin rằng nếu làm theo tiêu chí như vậy thì Tiến sĩ Việt Nam sẽ là tiến sĩ của quốc tế !

    Ho ten: Phạm Minh Dũng
    Dia chi: Nghệ An
    Tieu de: Lại chuyện bài báo quốc tế.

    Noi dung: Bài báo của Nguyen Tran rất hay và gợi ý cho chúng ta một cách đánh giá về chất lượng bài báo đăng trên tạp chí mà nghiên cứu sinh trong nước sẽ phải có theo quy định mới sắp ban hành. Tuy nhiên, tuỳ từng lĩnh vực khoa học, cách phân loại tạp chí quốc tế nào là đạt mức yêu cầu để NCS có thể đăng sẽ do các nhà khoa học ở lĩnh vực đó quyết định, không thể cào bằng được. Như Nguyen Tran có gợi ý là dựa theo cách phân loại của Thompson, nhưng ở mức nào là đạt yêu cầu thì phải dựa vào hệ số ảnh hưởng (impact factor) của tạp chí đó. Không phải tạp chí nào có tên trong Scientific Thompson database đều có hệ số ảnh hưởng. Nên quy định mới có lẽ sẽ chỉ rõ bài báo đăng trên loại tạp chí quốc tế nào là được công nhận theo các lĩnh vực khác nhau. Nếu không có quy định rõ thì sẽ rơi vào tình trạng như Nguyen Tran đã nêu.

    schoo@net (Theo http://vietnamnet.vn/giaoduc/2008/01/763810/)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.