Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (726 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (498 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (80 bài viết)
  • Sản phẩm mới (216 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (549 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (156 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (127 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (183 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (70 bài viết)
  • Cùng học (92 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (78 bài viết)
  • School@net 15 năm (154 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (124 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (363 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1210 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1037 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (275 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (180 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8223 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 10
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 10
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 89576845 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Tam Hiệp Trường Giang

    Ngày gửi bài: 16/05/2008
    Số lượt đọc: 7198

    Sông Trường Giang là con sông lớn nhất của Trung Quốc dài 6300km, bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua tỉnh Tứ Xuyên, Vân nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Nam, An Huy, Giang Tô, đoạn sông đi qua Tứ Xuyên - Hồ Bắc tạo nên Tam Hiệp nổi tiếng. (Tam Hiệp là ba hẻm núi có dòng sông chảy qua). Ba hẻm núi đó là Cù Đường Hiệp, Vu Hiệp, và Tây Lăng Hiệp. Độ dài tổng cộng 204 km.

    Cách đây 200 triệu năm về trước, vùng thượng nguồn sông Trường Giang còn là biển hồ, sau này do sự biến thiên của vỏ trái đất và hoạt động của tạo sơn, núi lửa đã tạc thành nhiều vách núi, theo thống kê thì hàng năm vách đá ở Tam Hiệp cao lên từ 2 đến 4 cm.

    Cù Đường Hiệp bắt đầu từ Thành Bạch Đế huyện Phụng Tiết, tỉnh Tứ Xuyên, dài 8km. Tuy Cù Đường Hiệp là hẻm ngắn nhất trong Tam Hiệp nhưng lại hùng vĩ nhất, ở đây hiện còn di tích lịch sử thành Bạch Đế. Tương truyền khi lâm chung, Lưu Bị đã gửi đứa con lại cho các cận thần trông nom nuôi nấng ở thành này. Sở dĩ gọi là thành Bạch Đế vì trong thành có một cái giếng luôn phun ra khí trắng trông như một con rồng bạch. Các nhà thơ thời Đường, Tống như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lưu Vũ Tích, Lục Du ... đều đã đến đây và làm nhiều thơ về Tam Hiệp, nên người ta cũng gọi nó là thành Bạch Đế thơ. Nơi này còn có di tích sa bàn (Bát trận đồ của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc).

    Nếu đi tàu từ thượng nguồn đế thành Bạch Đế ta thấy mặt dòng sông đang rộng mênh mang bỗng thắt lại chỉ có 4 đến 5 chục mét, vách đá dựng đứng, nước chảy ào ào. Vách đá mọc lởm chởm trông như hàm răng con quái vật đang nhe ra dọa nạt bắt dòng sông chảy ngược lại. Mặc dù núi đá ra công chặn nước lại, nhưng Trường Giang như con tuấn mã bất kham tung bờm trắng hý vang, nhảy vượt lên con đường trước mặt.

    Đến Vu Hiệp, ta thấy vách đá cao vút mây khói đông đặc, che khuất ánh Mặt trời. Vu Hiệp có 12 ngọn núi, bờ Bắc 6, bờ Nam 6. Trong 12 ngọn núi ấy, gây ấn tượng nhất là " Núi nữ Thần". Từ xa xa du khách đã phát hiện ra ngọn núi này, dáng núi như một thiếu nữ yểu điệu, khom lưng cúi xuống nhìn dòng sông. Tương truyền ngọn núi này là hoá thân người ái nữ của Tây Vương Mẫu. Nàng thông minh, xinh xắn hiền thục. Một lần nàng cùng 12 chị em xuống trần gian, thì vừa may gặp Hạ Vũ đang khơi dòng nước ở Tam Hiệp. ông vì dân lao động quên mình, khiến nàng rất cảm động. Do đấy nàng tình nguyện rời tiên cung xuống ở lại trần gian, đứng trên đỉnh núi ở Tam Hiệp làm hoa tiêu hướng dẫn cho tàu thuyền đi lại.

    Tàu đi vào đây như đi vào động tiên. Khi mặt trời tỏa sáng, mây mù từng đoá to nổi bồng bềnh, bay lên cao, do phản chiếu ánh Mặt trời mây lúc trắng đục, lúc bạc trắng, lúc màu vàng, lúc đỏ rực trông rất ngoạn mục. Hạt mưa nhỏ như màn the mỏng quấn quanh người càng làm cho cảnh vật thêm huyền bí.

    Vu Hiệp còn có ba danh thắng nữa "Đền thờ Ba Đông" nơi kỷ niệm một nhà ái quốc đời Tống tên là Khẩu Chuẩn. "Miếu Khuất Nguyên" và " hang Khuất Nguyên đọc sách", "Suối thơm" ở lưng núi Kê Long, gắn liền với tên tuổi Vương Chiêu Quân thường ra đây gánh nước, rửa tay, nên dòng suối vẫn còn phảng phất mùi thơm của người đẹp.

    Tây Lăng Hiệp dài nhất trong Tam Hiệp, 75km. Đặc điểm nổi bật của hẻm núi này là có nhiều cồn bãi đá ngầm và nước chảy xiết. Những cồn bãi này hình thành là do núi lở đá rơi xuống, cát ở thượng nguồn dồn về, chân núi mọc ra nhiều nhánh, tàu thuyền đi qua đây hoặc là dễ mắc cạn, hoặc là dễ va phải đá ngầm. ở đây nước réo như nước sôi trong nồi, có nhiều vũng nước xoáy, nhiều khúc quanh co, ai không thạo địa hình lái thuyền vào chỗ nước xoáy là toi mạng. Tây Lăng Hiệp gồm 4 hẻm núi: hẻm Binh Thư Bảo Kiếm, hẻm Gan Trâu, Phổi ngựa, hẻm Không lệnh và hẻm Đăng ảnh. Hẻm Binh Thư Bảo Kiếm, tương truyền là nơi Gia Cát Lượng cất giấu binh thư và bảo kiếm. Thật ra gọi như vậy là vì vách núi cuốn tròn tầng tầng lớp lớp như quyển binh thư nằm cạnh một vách núi khác cao vút như một thanh bảo kiếm. Hẻm Đăng ảnh gập cong 90 độ, rất nguy hiểm. Trên đỉnh có 4 hòn đá kỳ lạ giống như 4 thầy trò Đường Tăng trong Tây Du Ký. Chiều tà nhìn xa xa trông rất giống 4 nhân vật hoạt động trong phim đèn chiếu vậy.

    Sông Trường Giang như một thanh kiếm sắc chém xả núi ra cho dòng nước chảy về đông, ở đoạn Tứ Xuyên - Hồ Bắc do núi non dày đặc hiểm trở, nên lưỡi kiếm chưa lách được rộng, do đấy hình thàn nên Tam Hiệp, một trong những hẻm núi lớn nhất Thế giới.

    Tam Hiệp là một kỳ quan từng hấp dẫn biết bao du khách đến đây thưởng ngoạn. Nhưng đồng thời nó cũng là nơi gây ra bao tai họa cho con người. Theo sử sách, 2000 năm trở lại đây, Trường Giang đã gây ra hơn 200 vụ Hồng Thủy, bình quân cứ 10 năm một trận lụt. Chính vì vậy Trung Quốc đang có kế hoạch trị thủy sông Trường Giang. Người ta sẽ nắn lại dòng sông, phá núi khơi dòng và xây nhiều hồ chứa nước. Nay mai ở Tam Hiệp sẽ mọc lên nhà máy thủy điện có khả năng lớn nhất thế giới. Trong kế hoạch cải tạo, người ta cố gắng giữ lại một số cảnh quan hùng vĩ và di tích lịch sử có một số phải dời đi nơi khác và được trùng tu cho tráng lệ hơn.

    Đập Tam Hiệp - "Vạn lý Trường thành" trên sông Dương Tử

    Đập Tam Hiệp chặn sông Dương Tử (sông dài thứ ba trên thế giới) tại Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1994. Nó sẽ là đập thủy điện lớn nhất thế giới khi hoàn thành vào năm 2009. Hồ chứa nước của nó đã bắt đầu có nước vào ngày 1 tháng 6 năm 2003, và sẽ chiếm toàn bộ vị trí hiện tại của khu vực Tam Hiệp thơ mộng, nằm giữa các thành phố Nghi Xương (tỉnh Hồ Bắc) và Phù Lăng (thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh).

    Đây là công trình có quy mô vĩ đại thứ hai ở Trung Quốc, chỉ sau Vạn Lý Trường Thành được xây dựng cách đây hơn 2.000 năm và đây cũng sẽ là Nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới với cả tính năng điện lực lẫn trị thủy. Vậy là sau gần 100 năm thai nghén và xây dựng, công trình Nhà máy thủy điện Tam Hiệp đã cơ bản hoàn thành.

    Đập Tam Hiệp được xây dựng vắt qua sông Trường Giang, con sông lớn nhất của Trung Quốc và lớn thứ ba thế giới, chỉ sau sông Nin ở châu Phi và sông Amazôn ở Nam Mỹ. Con sông mẹ vĩ đại này chạy gần suốt chiều ngang của lục địa Trung Hoa, bao đời nay vẫn nuôi sống hàng trăm triệu con người ở hai bên bờ. Nhưng Trường Giang cũng là con sông dữ, lắm khi “nổi giận” nhấn chìm các bình nguyên, làng mạc, đô thị. Sống chung với Trường Giang là hoài bão mà nhân dân Trung Quốc bao đời ấp ủ. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến dự án và biến thành hiện thực giấc mơ này là cả một quãng thời gian trải dài theo lịch sử, nhiều thuận lợi song cũng rất khó khăn. Ngay từ năm 1919, Tổng thống đầu tiên của Trung Quốc, Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) đã nghĩ tới việc xây dựng đập Tam Hiệp để trị thủy sông Dương Tử và cung cấp điện năng, nhưng đề án này đã bị gác lại do các hoàn cảnh và điều kiện chính trị cũng như kinh tế không thuận lợi. Đến năm 1944, công trình nghiên cứu tiền khả thi đã được giao cho một kỹ sư người Mỹ, tuy nhiên dự án này đã bị bỏ dở vào năm 1947. Năm 1979, Quốc vụ Viện Trung Quốc đã phê chuẩn việc xây dựng đập Tam Hiệp nhưng cho mãi đến năm 1993 với những nỗ lực không mệt mỏi của Thủ tướng Lý Bằng - vốn là một kỹ sư điện, dự án Thủy điện Tam Hiệp mới được Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn với khá nhiều ý kiến bảo lưu do quan ngại về tác động xã hội và môi trường của nó. Ngày 14-12-1994, dự án chính thức được khởi công xây dựng.

    Dự án đập Tam Hiệp được xác định là công trình thủy điện lớn nhất thế giới đầu tiên là do đây là công trình lớn nhất về bảo tồn nguồn nước. Rộng 1.045 km2, trải dài 663 km, mức nước thường ở 175m có sức chứa gần 40 tỷ m3 nước. Để nhường chỗ cho lòng hồ, số dân phải di dời là 1,13 triệu người. Nhà nước Trung Quốc đã xây dựng 16,7 triệu m2 nhà để bố trí chỗ ở mới cho dân tái định cư. Khi hồ tích nước ở mức 175m, diện tích ngập trong nước rộng 632km2, nằm giữa khu vực từ Nghi Xương - tỉnh Hồ Bắc tới thành phố Trùng Khánh - tỉnh Tứ Xuyên gồm 20 huyện, 277 xã phường. Ngoài ra, dự án này có năng lực phát điện lớn nhất thế giới. Khi hoàn thành dự án, Nhà máy thủy điện Tam Hiệp sẽ đứng đầu thế giới cả về công suất điện và lượng điện sản xuất hàng năm. Tổ hợp máy phát điện sẽ gồm 26 tuốc-bin cỡ 700.000 kW, với tổng công suất là 18,2 triệu kW, được xây dựng tại bên trái của đập Tam Hiệp. Tổng sản lượng điện hàng năm là 84,68 tỷ kWh, tương đương 1/7 sản lượng điện của Trung Quốc năm 1992. Trong suốt 17 năm thực hiện dự án, Tam Hiệp đang bước vào giai đoạn cuối cùng mà không ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Trường Giang. Tàu thuyền có thể đi qua sông an toàn trừ khi mùa nước lên cao. Khi lượng nước chảy nhanh với tốc độ 25.000 m3/giây thì tàu to khó đi, còn với lượng nước tối đa là 10.000 - 15.000 m3/giây tàu nhỏ vẫn đi lại dễ dàng.

    Chính phủ Trung Quốc đã khẳng định việc xây dựng thủy điện Tam Hiệp không chỉ nhằm cung cấp năng lượng sạch mà còn cho phép kiểm soát được lũ lụt ở vùng trung lưu và hạ lưu diễn ra hàng năm trên sông Trường Giang. Một quan chức ủy ban nguồn nước sông Trường Giang cho biết khoảng 300 năm trở lại đây, những cơn lũ và bão lớn đã 60 lần phá vỡ đập trên sông, gây tai họa ngập lụt tàn phá và thiệt hại về người khủng khiếp ở lưu vực Trường Giang. Hiện nay cứ 10 năm một lần, Trung Quốc lại bị lũ lụt lớn nhưng khi có đập Tam Hiệp, ngập lụt lớn chỉ xảy ra 1 lần trong 100 năm. Gần đây nhất đợt lũ lụt trên sông Trường Giang năm 1998 đã làm hơn 1.000 người chết và gây thiệt hại kinh tế ước tính 12,5 tỷ USD.

    Tuy vậy, dự án đập thủy điện Tam Hiệp vẫn vấp phải nhiều chỉ trích, chủ yếu của các nhà hoạt động môi trường với lý do việc làm chậm dòng chảy của sông Trường Giang sẽ làm gia tăng ô nhiễm, gây ra hiện tượng lắng bùn (530 triệu tấn/năm) và làm biến đổi hệ sinh thái, đe dọa sự tồn tại của một số loài thủy sinh. Ngoài ra công trình cũng ảnh hưởng lớn tới môi trường thiên nhiên vì hồ chứa nước của đập đã bao phủ một vùng rộng lớn gồm 2 thành phố, 11 huyện và 116 thị trấn ở Hồ Bắc và một phần tỉnh Trùng Khánh - vùng dân cư đã có bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Khi mực nước hồ ở 135m đã chìm ngập 723 điểm lịch sử văn hóa; khi mực nước hồ là 175m sẽ ngập mất 1.087 điểm và thủ tiêu vẻ đẹp huyền thoại của Tam Hiệp, một trong những kỳ quan đẹp nhất thế giới. Để bảo tồn những di sản văn hóa quý giá đó, Trung Quốc đã chi tới 4,84 triệu USD cho các hoạt động xây dựng bảo tàng Tam Hiệp, di dời cả một số công trình khu dân cư cổ, chùa chiền, đền miếu cổ, cầu cổ... khỏi vùng lòng hồ. Đền thờ danh tướng Trương Phi thời Tam Quốc tồn tại đã hơn 1.000 năm cũng được tháo dỡ, di dời và xây dựng lại đúng với kiến trúc cũ.

    Các thông số chính

    Khu vực: Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc

    Độ cao: 181 mét

    Vốn đầu tư dự tính: 203,9 tỷ nhân dân tệ (US$24,65 tỷ) có thể lên tới US$75 tỷ

    Số người phải di chuyển: 2 triệu - có thể hơn

    Công suất phát điện thiết kế: 18,2 Gigawatt

    Chức năng: Kiểm soát lũ lụt, phát điện, cải thiện giao thông thủy

    Tọa độ: 30,82679 độ vĩ bắc, 111,00727 độ kinh đông, độ cao địa hình: 75,00 mét

    Vị trí của đập Tam Hiệp và các thành phố chính trên sông Dương Tử.

    Mô hình đập

    Đập tràn chính với khu phát điện và đập làm nổi tàu ở bên phải

    Đập làm nổi tàu ở bên trái, cống kép ở bên phải

    Quang cảnh dọc theo đập chính ở bên phải. Đập phụ ở phía trước với đập nước cho tàu bè ngược dòng ở phía sau

    Tài liệu tham khảo

    Đập Tam Hiệp (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

    TRƯỜNG GIANG TAM HIỆP

    Hình ảnh chụp từ vệ tinh

    Sau đây là hình ảnh của Đập thủy điện Tam Hiệp được chụp từ vệ tinh. Ảnh chụp được lấy trực tiếp từ Internet và bạn có thể tương tác trực tiếp với hình ảnh trên trang này.

    Dùng chuột kích vào vị trí bất kỳ trên bản đồ, kéo rê chuột, bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh theo mọi góc độ

    School@net (Theo Hanoimoi, Wikipedia)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.