Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (726 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (498 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (80 bài viết)
  • Sản phẩm mới (216 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (549 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (156 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (127 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (183 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (70 bài viết)
  • Cùng học (92 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (78 bài viết)
  • School@net 15 năm (154 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (124 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (363 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1210 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1037 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (275 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (180 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8223 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 7
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 7
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 89520766 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Lãnh hậu quả từ nền giáo dục sính bằng cấp

    Ngày gửi bài: 05/08/2008
    Số lượt đọc: 2444

    Báo chí gần đây lên án việc “Mua bán bằng cấp: Ngày càng trắng trợn, nhởn nhơ kẻ bán người mua”. Để biểu lộ sự đồng tình, chúng tôi cũng xin góp thêm ý kiến bàn thêm về nguyên nhân và giải pháp đối với vấn nạn trên.

    Một nền giáo dục đề cao bằng cấp một cách thái quá vô tình xem nhẹ thực chất năng lực

    Từ ngày xưa, ông Nguyễn Công Trứ cảnh báo: “Đã mang tiếng ở  trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Rắc rối ở chỗ là “phải có”. Để "phải có", con người ta đi đến chữ "danh" bằng năm bảy đường khác nhau: người thì dựa vào tài đức của chính mình, kẻ phải cậy vào tiền tài, vào thế lực của kẻ khác; người thì lưu danh nhờ những công trình lợi dân, ích nước (lập đức, lập công, lập ngôn); kẻ để tiếng bằng những thủ đoạn xấu xa...

    Trong cuộc sống, lắm khi chữ danh gắn với chữ lợi khiến con người ta bằng mọi giá để đạt được dù là hư danh cho nên có danh đấy, thực chất không có giá trị gì, lúc này trở thành không có danh giá, mất danh dự.

    Bằng cấp và thực tài không phải lúc nào cũng đồng nhất tỷ lệ thuận. Nhiều địa phương vừa qua đã tích cực ban hành chính sách thu hút nhân tài nhưng vì quá đặt nặng tiêu chí bằng cấp học vị, học hàm nên nhiều khi không đạt được mục đích là thu hút nhân tài đích thực! Do quá đặt nặng tiêu chí bằng cấp, nên trong xã hội xuất hiện tình trạng bằng mọi cách chạy cho được bằng cấp này nọ không qua thực học, thực tài.

    Một sai lầm lâu nay là ở chỗ thiết kế một nền giáo dục chỉ đề cao thái quá bằng cấp nên không chú ý đến một vấn đề rất cơ bản, hệ trọng là dạy cái gì, dạy như thế nào, học cái gì và học như thế nào. Cho nên những sản phẩm của nền giáo dục khi ra thực tế, đòi hỏi của cuộc sống muốn tồn tại phải thực hiện thêm công đoạn rất tốn kém là “đào tạo lại”, nếu không chỉ là “thứ phẩm”.

    Một nền công vụ chưa có tiêu chí khoa học đánh giá tuyển chọn công chức

    Hiện nay, trong nền công vụ không hiếm hiện tượng nhiều người trang bị cho mình bằng mua và bằng giả, chủ yếu là cán bộ, công chức, công nhân viên nhà nước ở những nơi quá đặt nặng tiêu chuẩn bằng cấp trong việc xét tuyển dụng, tăng lương, thăng chức, nhưng lại thiếu biện pháp kiểm tra, đánh giá thực chất...

    Chính phương thức quản lý và hành xử của đội ngũ công chức có tác động rất lớn, nếu không muốn nói là quyết định, đến sự thành công của công cuộc cải cách hành chính, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

    Suy cho cùng không ai khác công chức chính là người chủ công chữa trị các vấn nạn trong xã hội. Vì thế trước mắt cần xây dựng hoàn chỉnh Luật hoạt động công vụ để điều chỉnh hành vi của công chức, góp phần xây dựng một nền hành chính trong sạch vững mạnh, hiệu quả, hiệu lực.

    Ở các nước phát triển, khi tuyển người vào các vị trí, các loại “phụ tùng “ xung quanh tên họ chỉ có giá trị tham khảo, họ thường áp dụng tiêu chí đánh giá qua chỉ số thông minh IQ (Intelligent Quotient), chỉ số cảm xúc EQ (Emotional Quotient) để tuyển chọn nhân sự theo mong muốn.

    Thiết nghĩ chúng ta cũng nên bắt đầu làm quen “công nghệ mới” bổ sung thêm cho hệ thống tuyển chọn nhân sự có tài. Có thể nói lâu nay ta chưa có một hệ thống tiến cử, tuyển chọn hiền tài công tâm, dân chủ và khoa học.

    Chúng ta biết rằng, trong thực tiễn quản lý, nhất là ở tầm hoạch định chính sách, nhiều vấn đề phát sinh không có trong sách vở, các thông lệ. Hơn nữa, công cuộc đổi mới cũng như cải cách hành chính và những vấn đề bức xúc của Nhà nước ta chưa có tiền lệ. Vì thế, nếu chỉ biết “nhai lại” mà chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc thấp thì khó có khả năng đề xuất giải quyết những vấn đề bức xúc có tính đột phá. Có chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc cao mới có điều kiện để năng động, sáng tạo!...
     

    Cần sự chấn hưng giáo dục một cách toàn diện

    Thời gian vừa qua, ngành giáo dục có những động thái mới đáng được hoan nghênh như: nói không với bệnh thành tích trong thi cử, chống việc thầy đứng nhầm lớp, trò ngồi nhằm lớp, giảm tải, liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp... Bằng ấy công việc là tích cực nhưng chưa đủ, phải có chiến lược về chấn hưng giáo dục.

    Muốn vậy, phải mạnh dạn thay đổi triết lý về giáo dục. Lâu nay chúng ta dạy người học chỉ quan tâm đầu vào mà không quan tâm định hướng đầu ra - định hướng năng lực. Trên cơ sở đào tạo theo định hướng đầu ra - định hướng năng lực mà xây dựng giáo trình tùy thuộc vào sự định hướng này. Bên cạnh đó, cách dạy cho người học vẫn mang nặng tư duy ban phát kiến thức một chiều, nặng về kiến thức chung chung, thiếu kỹ năng thực hành. Thầy giáo cứ nói, cứ giảng, người học cứ nghe, không nghe mặc kệ. Cách giảng dạy như vậy được gọi là dạy thụ động.

    Ngày nay người ta thường áp dụng cách dạy tích cực. Thầy giáo đóng vai trò hỗ trợ viên (Facilitator) đưa ra vấn đề gợi mở, chia thành nhóm, người học thảo luận, nhóm đưa ra những chính kiến của nhóm mình, trao đổi, tranh luận giữa  các nhóm khác. Chân lý, những kết luận đúng thường bật ra trong khi trao đổi và tranh luận. Thầy giáo lúc này có trách nhiệm tổng hợp, xâu kết các ý kiến. Cách giảng dạy tích cực bắt động não, trau dồi khả năng phản biện, rèn bản lĩnh tư chất khoa học, tư duy độc lập. Chính ở môi trường học, dạy tích cực dễ phát hiện được những cá thể ưu trội. Cũng qua cách giảng dạy tích cực bộc lộ người thầy (người hỗ trợ viên) có đủ bản lĩnh hay không.

    Nền giáo dục như vậy cần nhằm vào việc hình thành môi trường học tập mới thích ứng với hoàn cảnh hiện đại ngày nay.

    Có bốn khía cạnh chính của môi trường học tập mới đang hình thành: người học, trí thức, đánh giá và cộng đồng. Yếu tố cộng đồng và học tập đã mở rộng để bao trùm toàn thể xã hội và toàn bộ cuộc đời con người, không chỉ giới hạn trong phạm vi trường lớp. Và vai trò người học đã trở thành trung tâm cho quá trình học tập cả đời, việc học không chỉ tiến hành dưới sự chỉ dẫn của thầy mà chủ yếu phải là quá trình tự học, dù ngay trong trường học.

    Người học cần nắm chắc những kiến thức đánh giá về tính hiệu quả của việc học của mình, không chỉ dựa vào những đánh giá của giáo viên. Và nội dung tri thức cần học tập, thường xuyên được đổi mới theo đà tiến của công nghệ và xã hội, cũng dần trở thành những điểm chính của quá trình học tập. Bắt đầu một thời kỳ dạy thật, thi thật và làm thật, xây dựng một xã hội học tập đích thực.

    Trước mắt cần tập trung giải quyết những vấn đề bất cập trong đào tạo nhằm chấn hưng giáo dục, đào tạo phải theo định hướng đầu ra, theo nhu cầu thị trường lao động để phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều này rất có ý nghĩa khi nước ta đã là thành viên WTO cần đến sự tự tin tham gia hội nhập để hội nhập thành công.

    Đối với việc tuyển chọn công chức, thực hiện nghiêm túc chế độ thi tuyển công khai, minh bạch, dân chủ. Đối với công chức lãnh đạo thực hiện thi tuyển cạnh tranh vào các chức danh. Bổ sung chế định sát hạch định kỳ để đánh giá công chức. Thay đổi chế độ làm việc suốt đời bằng chế độ ký hợp đồng linh hoạt, bảo đảm công chức có vào có ra tránh tình trạng sống lâu lên lão làng, chây ì.

    Diệp Văn Sơn

     

     

     

     

    Họ và tên: Lý Sáng
    Địa chỉ: Sapa
    Email:

    Cán bộ công chức ở ta ngoài khả năng chuyên môn còn phải đạt tiêu chuẩn chính trị nữa thì mới đủ tiêu chuẩn sắp xếp , bố trí vào các vị trí trong bộ máy. Không biết bao thứ tiêu chuẩn đánh giá IQ và EQ có ăn nhập gì với tiêu chuẩn mà các cơ quan công quyền vẫn áp dụng từ trước tới nay ? nếu có thì tốt quá ! mà nếu không thì cũng rất hay vì sẽ là dịp để ta soi mình vào tấm gương của hội nhập mà tự điều chỉnh mình.

    Họ và tên: Bảo
    Địa chỉ: HN
    Email: tetsuko98@gmail.com

    Muốn đổi mới giáo dục theo cách lấy người học làm trung tâm, thì điều quan trọng là phải phá bỏ được tính ỷ lại trong học tập. Học sinh, sinh viên Việt Nam từ nhỏ cho tới lớn đều có tính thụ động ngại phát biểu đưa ra ý kiến. Tất cả đều thụ động chờ thầy đọc cho chép. Tại sao như vậy?
     
    Phải chăng là do chính truyền thống tôn sư trọng đạo theo tinh thần của đạo Khổng mà có. Tinh thần tôn sư trọng đạo tuy khuyến khích con người ham học, nhưng lại có tác dụng cản trở khiến cho người học coi thầy giáo như cha mẹ. Nên không dám nói, không dám phát biểu ý kiến riêng của mình. Điều đó là lực cản chính để tự thân người học nhận thấy trách nhiệm là trung tâm trong việc học của chính mình.

    Chính vì vậy, có nên bỏ từ thầy giáo, cô giáo, mà chỉ dùng là "Người hướng dẫn" thôi có tốt hơn chăng. Việc này ngoài ý nghĩa là khuyến khích người học nhận thức được vấn đề là trung tâm trong việc học của mình, đồng thời khiến cho người dậy cũng nhận thức được đúng vị trí của mình trong nền giáo dục mới.

    Khi đó đạo đức trong nhà trường cũng sẽ được giải quyết khi cả người dạy và người học cùng tôn trọng lẫn nhau. Sẽ không có chuyện thầy giáo lợi dụng vị thế bẩm sinh của mình mà xã hội trao cho hàng nghịn năm nay để chèn ép học sinh làm những chuyện đồi bại như hiếp dâm và cưỡng bức học sinh.

    Từ đó người học cũng sẽ dần lấy lại sự kính trọng với người dạy khi học được tôn trọng. Từ đó người học cũng sẽ dần lấy lại sự kính trọng với người dạy khi học được tôn trọng. Hơn naữ việc dùng từ "Người hướng dẫn" đã được áp dụng ở nhiều nước, vậy việc thay đổi này theo tôi nên được xem xét nhiêm túc.

    Họ và tên: Trần Thao
    Địa chỉ: Lào Cai
    Email:

    Nên bỏ kiểu luân chuyển cán bộ sắp về hưu thì điều chuyển làm phó (để ăn lương) chứ công việc thì không biết làm gì. Chuyên viên có báo cáo cũng không hiều lại còn oai... Theo tôi nên cấp luôn cho hạng phó kiểu này vài ba năm lương còn hơn là cứ để ngồi đó và ... ách tắc công việc

    Họ và tên: Đặng Lê Văn
    Địa chỉ:
    Email: pamagaiu@yahoo.com.vn

    "Công chức tiến thân bằng tiền và bằng giả không phải là chuyện hiếm" (Ảnh minh họa) Điều này cần phải được kiểm chứng cụ thể; có thanh kiểm tra, phát hiện chỉ đích danh và xử lý thích đáng! Nếu không thì cũng chỉ nói để mà nghe chơi, rồi cười... Tác giả bài viết nêu rất đúng thực trạng hiện nay.
     
    Vấn đề là các Cơ quan quản lý nhà nước có cách nghe thế nào. Cơ chế nâng cấp CB của Nhà nước cũng cần phải sửa đổi cho phù hợp với từng ngành. Ví như nâng ngạch CVC có ngành chả cần đến trình độ ngoại ngữ B cũng yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ B ! Trên 50 -55 tuổi chỉ cần có chứng chỉ là được, không phải thi kiểm tra ngoại ngữ... Dẫn đến việc chạy mua bằng thật tràn lan! Trong khi người tốt có năng lực không "thèm" làm bậy thì thiệt thòi! Bất công quá! Thật buồn cười cho cái chính sách!...

    Họ và tên:
    Địa chỉ:
    Email:

    Tôi không đồng tình với ý kiến của ông/bà Lý Sáng chút nào? Vì sao lại ông lại có thể đem chuyện "tôn sư trọng đạo" áp đặt vào đây được? Không tôn sư trọng đạo cho nên bây giờ mới có chuyện thầy đi nhậu với thầy, rồi học trò đánh thầy. Thầy không nghiêm nên mới như thế.

    Còn nói do ảnh hưởng bởi tinh thần tôn sư trọng đạo của Á Đông mà nền giáo dục nước ta bị trì trệ, thì những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... nền giáo dục của họ lại vượt quá ta gấp ngàn lần? Ngày trước tôi học với thầy tôi, tôi rất kính trọng thầy, nhưng thầy không có bao giờ lợi dụng quyền hạn áp đặt học trò.

    Thầy chưa bao giờ bắt học trò phải làm thế này thế nọ. Trong khi dạy, thầy luôn đặt câu hỏi gợi ý để học sinh trả lời. Chúng tôi trả lời không được thì thầy không chấp nhận và bắt về tìm hiểu. Chính nhờ thế mà lớp tôi rất hứng thú trong việc học hành. "Giáo bất nghiêm sư chi noạ" (dạy mà không nghiêm là lỗi của thầy) đó không phải là câu nói bắt thầy phải nghiêm, mà là muốn nói thầy dạy học trò không nên là có lỗi lớn.

    Bây giờ thử xét lại của nền giáo dục của ta xem? Do đâu mà thảm hại như vậy? Theo tôi, đã có một thời gian rất lâu quan niệm của những người làm giáo dục của ta đã bị mắc rất nhiều sai lầm, dẫn đến phương pháp giảng dạy cũng bị sai lầm. Theo tôi trước tiên những người làm giáo dục cần phải hiểu cho đúng triết lý giáo dục và phương pháp giáo dục. Nhất là nhà nước cần tuyển những cán bộ làm giáo dục có thực lực, không chuộng bằng cấp và đừng chạy theo thành tích thì chắc chắn nền giáo dục của ta sẽ được cải thiện đáng kể

    Họ và tên: Nguyễn Liên Châu
    Địa chỉ: Trường Chính trị Trần Phú Hà Tĩnh
    Email: ts.lienchau@gmail.com

    Tôi đồng thuân với tác giả nền Giáo dục phải hướng vào đầu ra- Tạo ra những con người có tư tưởng chính trj, đạo đức tốt, có năng lực thực tiễn. Bằng cấp cao cũng phải hướng vào mục tiêu đó. Có người không qua bằng cấp cao vẫn đạt tới mục tiêu đó, nếu họ có năng lực và ý chí tự học tốt.

    Theo tôi không nên quá nặng nề về bằng cấp cao và cũng không nên bỏ qua tiêu chí bằng cấp trong tuyển dụng nhân sự ( Vấn đề là người có bằng cấp đó có học thực hay không, học có bằng rồi có tự hoc nữa hay không). Trong thực tế có một số người không chịu khó học tập, rèn luyện, năng lực không có gì, chỉ giỏi giao tiếp và hô hào, giỏi mồm, rất ưa chuộng bệnh hình thức; lại luôn tìm mọi cách vô hiệu hoá người có bằng thật, năng lực thật.

    Họ và tên: Nguyễn Quang Khải
    Địa chỉ:
    Email: KhaiLKhanh@yahoo.com

    Tôi xin khẳng định quan điểm của mình là giáo dục của chúng ta phải hướng tới và phổ cập được cả 3 khía cạnh lớn sau: (1) kiến thức, tri thức; (2) kỹ năng, và (3) ý thức, thái độ.

    Tôi hoan ngênh các trường học có khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", vì đây vừa là triết lí, vừa là đạo lí, vừa giúp các em hoàn thiện ý thức, thái độ đúng đắn. Chúng ta có thể có các nhà quản trị, điều hành học từ các trường đại học danh tiếng, nhưng nếu họ không có ý thức xây dựng xã hội thì còn nhiều vụ lừa dối, phá sản như Enron của Mỹ, Baring của Anh, hay như gần đây là cho vay nhà ở dưới chuẩn (sub-prime) ở Mỹ gây suy thoái toàn cầu, vv...

    Tôi đồng í là đã đến lúc thay đổi cách dạy, cách học, và cả cách phục vụ nữa. Cách giảng dạy 1 chiều phổ biến như hiện nay sẽ làm cho học sinh lệ thuộc hoàn toàn vào thầy giáo, cô giáo; vậy cần kết hợp một phần giữa kiến thức cốt lõi mà giảng viên phải truyền đạt, còn lại là các kỹ năng thì cần để cho học sinh phát triển, thông qua các bài tập làm theo nhóm, bài tập tự khám phá không theo khuôn mẫu ép buộc. Kỹ năng trình bày, giao tiếp, tìm kiếm, vv... cần được trang bị cho các em, để khi các em giao tiếp một cách hiệu quả, chứ không thể chỉ dừng lại ở kỹ năng viết như hiện nay.

    Tôi đồng í với sự cần thiết phải truyền đạt kiến thức tinh hoa mà nhân loại đã tích luỹ được, nhưng cũng cần phải khơi dậy sự sáng tạo của học sinh, sinh viên. Nếu không có tính sáng tạo, chúng ta vô hình chung đã biến các em thành một người máy bị lập trình sẵn. Một khía cạnh nữa, ngoài kiến thức và kỹ năng, các em cần có ý thức, hay thái độ đúng đắn, suy cho cùng vì chúng ta đào tạo ra con người, chứ không phải đào tạo ra các cỗ máy. Con người thì phải có các đức tính. Chỉ xin trích lại câu nói của Bác Hồ: "Trời có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Đất có bốn phương: Đông, tây, nam, bắc. Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính. Mất một mùa, không thành Trời. Mất một phương, không thành Đất. Mất một đức, không thành Người". Cám ơn VietnamWeek đã cho tôi cơ hội bày tỏ quan điểm của mình trên diễn đàn này.

    Họ và tên: Phan Dũng
    Địa chỉ: Cầu Giấy - Hà Nội
    Email: dunggdct2008@yahoo.com

    Tôi rất đồng tình với ý kiến của bài báo là ở Việt Nam hiện nay chạy theo bằng cấp nhiều quá như xét chức vụ theo bằng cấp, thi nhau phấn đấu vì bằng cấp, thi nhau lấy bằng đại học.. Nếu bằng cấp đó là thật và có chất lượng thì rất tốt nhưng có nhiều bằng cấp chỉ có danh mà không có thực.

    Vì vậy, để phát triển đất nước cần phải chấn hưng giáo dục một cách toàn diện là đúng đắn để danh phải đi với thực, bằng cấp thật, trình độ thật. Đánh giá công bằng thông qua bằng cấp và phải thông qua năng lực thật là một vấn đề rất khó khăn và lâu dài nhưng không có nghĩa là không làm được. Đảng và Nhà nước đang làm nhưng quan trọng hơn là phải được thực hiện nghiêm túc trong thực tế ở các cơ quan nhà nước và trong toàn xã hội. Đặc biệt, nhân dân phải ủng hộ và tôn trọng giá trị của những tấm bằng thật, công việc thật và năng lực thật, xoá bỏ từ tưởng bệnh thành tích, háo danh.

    Họ và tên:
    Địa chỉ:
    Email: trafsd@hn.vnn.vn

    Hãy tiếp tục cải cách giáo dục. Chúng tôi vẫn thường nghĩ: " Một cái bằng kỹ sư dùng cả đời không hết còn Cao học để làm gì". Trước hết tôi vô cùng xin lỗi các bậc tiền bối đã đặt chúng tôi lên xuất phát điểm để vào đời. Nhưng cũng phải cay đắng nói ra những suy nghĩ thật của mình. Sự thật sau khi nhận bằng kỹ sư chúng tôi mới bắt đầu được đào tạo thực sự vì kiến thức trong nhà trường hiện nay quá lạc hậu so với thực tiễn sản suất đặc biệt ở những ngành "mũi nhọn".

    Vậy Cao học là gì? Trước đây người ta vẫn nói "học sau đại học" -  Đó là sự cập nhật lý thuyết sau quá trình thực tiễn không có điều kiện cập nhật cho bản thân. Nhưng than ôi, ngược lại chính những người "đồng nghiệp" đang đứng trên bục giảng cũng rất cần cập nhật cho bản thân. Vậy thì sản phẩm của họ những thạc sỹ khoa học sẽ làm được gì cho các ngành sản xuất hay lại theo con đường của thầy là tiếp tục đứng trên bục giảng? Bằng cấp để làm gì?

    Họ và tên: pham xuan luong
    Địa chỉ: huyen uy nghi xuan
    Email:

    Thật buồn, khi mà nhiều công chức hiện nay, viết chẳng thành câu, sai cả chính tả ngữ pháp,làm việc thụ động, thiếu sáng tạo, vô cảm, thiếu trách nhiệm. Ấy vậy mà hàng năm, vẫn thi vẫn xét cả đấy thôi ! Thiết nghĩ, để có công chức làm được việc cho bộ máy của mình, chính lãnh đạo từng cơ quan chủ quản phải được quyền chủ động tuyển chọn, thành lập hội đồng ,có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể , không nên chỉ đánh giá qua'' đồ trang tri" (các loại giấy tờ bàng cấp) hoặc vì nhiều lý do " tế nhị" khác !

    Họ và tên: Đông Hoàng
    Địa chỉ:
    Email: vonglongl@hn.vnn.vn

    Thật vô cùng khó khăn khi chúng ta phải đề cập đến vấn đề này. Vì trong khi các nước khác đã đi trước chúng ta hàng trăm năm nay ( cụ thể là các trường danh tiếng với lịch sử hàng vài ba trăm năm ...) , họ chả phải bàn cãi gì về những vấn đề cốt lõi của giáo dục ( màốuy cho cùng thì đó là cái bản chất của một chế độ một chế độ xã hội ) thì ở ta cứ loay hoay mãi... bàn ...rồi lại,,, bàn...!!!Mà bàn mãi nhưng cái cốt lõi của giáo dục thì vẫn không có ai đưa ra được giải pháp cụ thể. Vì người ta ngại đụng chạm! Thế thì ta cứ loay hoay mãi để làm gì?

    Hơn ba mươi năm rồi, lại nửa thế kỷ nữa ccứ loay hoay thế này thì dân ttộc ta sẽ đi về đâu? Những người lãnh đạo cao nhất không trả lời được vấn đề này thì có bàn cũng là vô nghĩa!...

    Họ và tên:
    Địa chỉ:
    Email:

    Bộ giáo dục, các trường đại học, các viện có nhiều quy định chặt chẽ thế nhưng thât khó hiểu tại sao có nhiều người có bằng cấp mà không hề sử dụng được, đơn giản là không thể cập nhật thông tin chuyên ngành của mình bằng ngọai ngữ rồi tới không xử lý được các tình huống xảy ra trong khi có nhiều bằng cấp hơn và hưởng nhiều lương hơn.

    Họ và tên: TN
    Địa chỉ: Tp.HCM
    Email: tacomputer82@yahoo.com

    Chúng ta cần nhanh chóng thay đổi tư duy đánh giá năng lực con người. Cần sớm có biện pháp thi tuyển công chức vào tất cả mọi vị trí của hệ thống quản lý . Mọi sự cất nhắc có lẽ chỉ nên dành để tham khảo thêm về tiêu chuẩn đạo đức, chính trị phù hợp chế độ xã hội ta.

    Tất nhiên, làm cách nào để việc thi tuyển được trung thực là chuyện cần phải bàn, vì làm sao thi tuyển được người chịu trách nhiệm tổ chức thi tuyển công chức ? Sự công khai, minh bạch là yếu tố cần thiết. Nhưng để có được những con người có tài và có tâm làm việc, cần phải xem xét lại cái gốc của vấn đề, ấy là hệ thống giáo dục và tư duy đào tạo của chúng ta ngày nay.

    Cần phải mở rộng cửa cho tất cả mọi người được tham gia học tập ở tất cả mọi bậc học và chỉ cần thi theo tiêu chuẩn ở đầu ra. Nâng cao tính chủ động sáng tạo, tranh luận trong việc học, không nên truyền đạt và tiếp thu thụ động như chúng ta đang làm bây giờ. Để có được 1 VN là nước công nghiệp vào năm 2020, có lẽ bây giờ là đã muộn cho những việc cần phải làm trong công tác giáo dục và đào tạo.

    Họ và tên: N.Tuấn
    Địa chỉ:
    Email: tuannice@gmail.com

    Bài viết đề tài không mới, cũng không đưa ra được ý tưởng mới về việc cải cách. Đây chỉ coi là một phản ảnh riêng của một cá nhân mà chưa có nhiều đề xuất mang tính hiệu quả thực sự.

    Họ và tên: ngoc
    Địa chỉ: thai nguyen
    Email: chienbinhphongthe@yahoo.com.vn

    Chuyện đó quả thật không có gì lạ cả. Biết nhưng chẳng để làm gì cả, thử hỏi những người có chức vụ, quyền hạn ở các cơ quan xem, ôi chuyện đó là lệ rồi chẳng aii làm gi được họ cả đâu. Thử điều tra xem con cháu của các vị đó và của nhưng công dân bình thường xem, về bằng cấp, năng lực và về công việc, vị trí sẽ rõ hết! Tóm lại chẳng ai làm gi được đâu nói cũng thế ma thôi!

    Họ và tên: Trường Nguyên
    Địa chỉ: Đại học Hawaii - Hoa Kỳ
    Email: tranlp@hawaii.edu

    Bạn Bảo ơi, bạn nêu lên vấn đề chống thụ động, chống đọc chép trong hoạt động dạy và học thì đúng rồi. Nhưng bạn đổ lỗi do "truyền thống tôn sư trọng đạo nghìn năm của dân tộc", hay là do cách xưng hô thì tôi nghe "mới" quá và vì thế người đọc khó mà chấp nhận. Thật ra ở nước ngoài chẳng ai xưng hô với người dạy học là "người hướng dẫn" (instructor) cả. Từ này chỉ được đặt trước tên người dạy học trong văn bản viết (Ví dụ, môn học A / Instructor: Professor Eric Barnes). Ở VN cũng thế thôi. (hay bạn có thể cho độc giả biết ví dụ nước nào cụ thể không?)Thầy Cô là những từ xưng hô tuyệt đẹp trong ngôn ngữ của chúng ta, thể hiện bản sắc văn hoá, giống như ông bà, cha mẹ, thầy cô, v.v. Không thể vì cách xưng hô đó mà bạn kết luận .....là nguyên nhân của hiếp dâm hay cưỡng bức học sinh được. Những kẻ thực hiện các hành vi ấy chỉ là cá biệt và có gọi họ theo kiểu gì thì trong một tình huống cụ thể nào đó họ sẽ làm như thế. Còn việc chống thụ động trong hoạt động dạy và học (hay nói cách khác là phương pháp giáo dục lấy người học làm trung tâm) là một khái niệm rất rộng trong khoa học giáo dục. Nó đòi hỏi sự cải cách triệt để từ nội dung, chương trình đến phương pháp đánh giá để đòi hỏi người học một phương pháp học tập tích cực. Vấn đề mà bạn quan tâm (học sinh tích cực phát biểu) đòi hỏi một quá trình đào tạo và tái đào tạo về phương pháp sư phạm cho giáo viên cùng với sự thay đổi căn bản về cách dạy giao tiếp ứng xử trong từng gia đình để trẻ mạnh dạn đặt câu hỏi với người lớn. Theo tôi, cách xưng hô Thầy / Cô không ảnh hưởng đến vấn đề này, thậm chí câu nói "thầy ra thầy, trò ra trò" vẫn cứ đúng trong bối cảnh văn hóa của chúng ta! Thân mến.

    Họ và tên: Mã Yến Ngân
    Địa chỉ: VP.UBND huyện Tân Thànhtỉnh BRVT
    Email: mayngan2011@yahoo.com

    Tôi không làm trong ngành giáo dục, nhưng xin đừng đổ lỗi cho giáo dục. Chúng ta hãy dũng cảm nhìn sâu hơn vào bản chất của sự hư danh, của tình trạng sính bằng cấp và của bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Nói chính xác hơn là ngành giáo dục cũng có bệnh thành tích nhưng không phải tự nó mà có.

    Nếu các cấp lãnh đạo đừng ép các cấp của ngành giáo dục phải đảm bảo chỉ tiêu lên lớp, chỉ tiêu tốt nghiệp và đừng đánh giá giáo viên qua điểm số của học sinh thì đâu có bệnh thành tích. Còn hiện tượng hư danh có phải là do chủ trương chuẩn hoá cán bộ hay không? Vì ở nước ta hiện nay tuyển dụng cán bộ không chuẩn hoá trình độ ngay từ đầu vào, mà trước khi chuẩn bị cơ cấu mới thì có bước chuẩn bị về trình độ, cơ chế này đã tạo ra hiện tượng đua nhau chạy chọt, đăng ký để đi học, để có bằng cấp, để cuối cùng có một vị trí lãnh đạo nhất định nhưng thực chất là không có trình độ tương ứng mà chỉ là hư danh.

    Chủ trương này không những tạo ra làn sóng chạy chọt bằng cấp giả, gây ra nhiều tệ nạn, nhiệu loại tội phạm mới mà còn gây lãng phí rất lớn về tài chính, về thời gian của đất nước, tạo ra hàng loạt hậu quả nghiêm trong quá trình phát triển của xã hội.

    Thiết nghĩ, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận và chấn hưng ngay từ quan điểm, đường lối trong việc cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước các cấp, trong việc sử dụng đúng người vào đúng vị trí cần bổ nhiệm ở các cơ quan công quyền, hãy đánh giá con người bằng năng lực thực sự của họ chứ đừng căn cứ vào mảnh bằng mà bằng mọi cách họ có được.

    Họ và tên: Thanh Tùng
    Địa chỉ: Tp Hồ Chí Minh
    Email: tungdzoan@yahoo.com

    Từ xa xưa quan điểm của người Á Đông chúng ta đã có câu "Tầm sư học đạo". Như vậy muốn trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Với hệ thống giáo dục nước ta như hiện nay, ai cũng thấy hệ quả của nó. Do vậy học trò phải "tầm sư" ở nước khác như du học là ví dụ. Vậy muốn có trò giỏi, hãy nghiêm túc xem xét hệ thống giáo dục, xem xét lại trình độ giáo viên.

    Thay cho các cuộc tuyển sinh đầy áp lực cho các học sinh như hiện nay, chúng ta cần nên tổ chức các cuộc thi tuyển hằng năm tương tự như vậy cho các giáo viên, trưởng khoa, giáo sư chuyên môn ... nhằm đánh giá trình độ kiến thức cả lý thuyết lẫn thực tế của họ tránh trường hợp thiếu trí thức mà dạy người. Và hệ quả cũng chỉ là bằng cấp "rổng".

    Với việc khuyến khích học hỏi, đề cao người có trình độ ở các bậc là thầy cô giáo, thì mới tạo được động lực cho xã hội vào việc học và dạy được. Về việc đạo Khổng mà bạn Bảo góp ý tôi thấy không nên đổ lỗi cho đạo Khổng này sai trái. Với tên gọi người thầy không phải là cách thay đổi trình độ học vấn của con người. Mà theo tôi ở đây chính là kém cỏi trong cách dạy của giáo viên. Họ không chịu học tập tiếp thu cách dạy tiên tiến hơn của nước ngoài, đặt học sinh làm trung tâm và bản thân mình làm người hướng dẫn. Đây cũng thể hiện là trình độ yếu kém của giáo viên mà ra thôi. Do vậy cần phải "tầm sư"..

    Họ và tên: duong kim dung
    Địa chỉ: ha tĩnh
    Email: duongdung_mat@yahoo.com

    Nạn bằng giả, tiến sỹ giấy là một sự thật phổ biến hiện nay. Mọi người, mọi ngành, mọi nơi đều thấy ,và một điều rất đáng buồn là hình như nó đangn được coi là một chuyện bình thường .Tình trạng đào tạo thạc sỹ từ xa,tiến sỹ tại chỗ... đang là trào lưu ở mọi địa phương.Một tiến sỹ mà một chữ ngoại ngữ bẻ đôi không biết là thường tình. Thậm chí chưa học cấp ba cũng có bằng đại học, thậm chí bàc sỹ, tiến sỹ...

    Có phải chúng ta không biết hay không .Tôi xin nói là mọi ngưòi biết cả nhưng không muốn nói,ngại nói. Chỉ cần kiểm tra học bạ , sổ điểm, danh sách học sinh ,giáo viên chủ nhiệm ,thầy hiệu trưởng ...là lòi ngay bộ mặt gian giối .Đáng tiếc thay trong số những người mang bằng giả lại có nhiều người quyền cao chức trọng . Vậy quốc nạn này ai lo, hậu quả ai gánh chịu ?

    Họ và tên: nguyễn quang T­uấn
    Địa chỉ: Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên
    Email: tuanvg@gmail.com

    Đúng thế thời buổi chay đua bằng cấp đã làm ảnh hưởng đến rất nhiều tâm tư, lý trí, tâm huyết và thậm chí cả lòng tin vào chế độ. Bởi vì chế độ địa vị ,lương bổng, cất nhắc đều là bằng cấp không cần biết đó là bằng gì chuyên tu, tại chức hay chính quy người người đi học cơ quan đi học . Ở xã tôi có rất nhiều trường hợp là đảng viên có năng lực có trình độ văn hóa hết PTTH nhưng chỉ vì tính ngay thẳng làm việc rất khoát mà không được quan tâm cho đi học tuè đó dẫn đến bị tụt hậu về bằng cấp.

    Trong khi đó nhiều trường hợp trình độ chỉ THCS thì được đi học BTVH ban đêm và tiếp theo họ đi học tiếp đại học và nghiễm nhiên họ là người có trình độ học vấn "hơn hẳn" chúng tôi mặc dù ai cũng biết học tại chức bây giờ là học tiền, thi tiền chứ không có tác dụng bao nhiêu.

    Họ và tên:
    Địa chỉ:
    Email: quangnhunghieu@yahoo.com.vn

    Tôi thấy ý kiến của bạn Bảo là không đúng, kkhông hiểu bạn đã có gia đình chưa. Tôi là một giáo viên, trong những hiện tượng bạn nêu là có thật nhưng đấy chưa phải là đại diện cho tất cả giáo viên ở nước ta. Suy đồi đạo đức nhà giáo trong đội ngũ giáo viên là có nhưng không phải là nhiều, bạn đừng vì một vài hiện tượng mà quy kết.

    Học sinh của tôi chỉ ở trường khoảng 8 tiếng một ngày là nhiều nhất, liệu có đủ để giáo dục đạo đức cho học sinh không nếu như không có sự kết hợp của các yếu tố khác nữa? Tôi không thể cùng ăn, cùng sống với tất cả học sinh của tôi từng giờ nên không thể hiểu toàn diện học sinh của tôi được. Có thể, bạn hãy làm giáo viên thử trong một tuần xem.

    Họ và tên:
    Địa chỉ:
    Email: tanbs07@yahoo.com.vn

    Tôi nghiệm rằng, ở nước ta khi bàn về bất cứ điều gì mọi người đều dùng đại từ nhân xưng "chúng ta". Từ thói quen dùng từ trong văn viết văn nói này đã chứng tỏ cái sự "cha chung không ai khóc". Giáo dục càng thể hiện rõ điều này.

    Tôi vẫn nói vui, ở trên đời này có lẽ nghề dễ làm nhất chính là nghề dạy học ở Việt Namđương đại. Bởi lẽ công việc này ở đất nước ta người làm không phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình và không có gì lượng giá chất lượng sản phẩm ấy, thế mới sướng. Tôi cho rằng nguyên nhân của chất lượng giáo dục kém như hiện nay có rất nhiều như báo chí đã đăng, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng đội ngũ quản lý giáo dục và giáo viên rất thấp cả về chuyên môn, đức độ, nhiệt tình và phông văn hóa, so với thế hệ những năm cách đây khoảng vài chục năm. 

    Điều này có thể bị chính các giáo viên phản đối bởi bây giờ không phải ngày xưa. Đúng vậy, nhưng nói thế chưa hết ý, bây giờ cả XH làm kinh tế, dịch vụ thì giáo viên cũng không tránh khỏi dòng chảy thị trường, vậy thì phải có cách quản lý giáo dục kiểu mới, không thể lấy kêu gọi, lấy phẩm chất người thầy ra mà hy vọng có được đội ngũ giáo viên tốt. Như vậy quản lý giáo dục buộc phải nghĩ cách ràng buộc người thầy vào sản phẩm giáo dục của mình. Nếu có biện pháp khả thi theo hướng này thì chuyện mua bằng cấp có thể không diễn ra nữa.

    Họ và tên: Binh
    Địa chỉ: bua
    Email:

    Tôi cho rằng đây là một mặt trái của "cơ chế thị trường mà mục đích thì muôn màu muôn vẻ: Vì chức, vì lợi lộc, vì chỉ để làm cho"đẹp". Nhưng xét cho cùng do đâu? mà tại sao nó vẫn tồn tại" Khổ lắm nói mãi". Bằng giả thì bây giờ xưa rồi, mốt bây giờ là bằng thật kiến thức giả mới đáng nói, và ai là người tiếp tay nếu không được phép, ai giám làm, khi được tổ chức dạy thì dạy ra sao ai quản lý, lấy gì để chuẩn, Thậm chí một tỉnh lẻ kiến thức thấp khoảng thứ mấy mươi/64tỉnh thành cũng được tổ chức học cao học, thầy thì từ thành phố về dạy 3-5/ngày"ngáng cho hết chương trình", sau đó thì đủ loại quà cáp mang về.

    Họ và tên: NVA
    Địa chỉ: Thai nguyen
    Email:

     Tôi đọc bai báo trên thấy rất hay như tôi thấy cũng chỉ là bài báo mà thôi, không giả quyết được gì đâu vì còn đường dây, còn phe cánh, còn ông nọ, con bà kia, con ông , cháu cha, thi chưa thể nói công bàng xã hội, mà chưa có công bằng xã hội thì làm sao có thể tuyển chọn hiên tài theo bai báo được.

    Cổ nhân xưa cố câu "nén bạc đâm toạc tờ giấy" ngày nay đã thấy sự thật rõ ràng, nén bạc kông chỉ đâm toạc tờ giấy mà côn đâm thủng các luật, và các thể chế và biến trắng thành đen,biến khong thành có khiến người lành thành kẻ giữ vì họ bị bất công, và họ có thông nhưng khong có tiền chạy trọt đút lót, thì chỉ đứng dưới mà kêu trời sao tháu được.

    Họ và tên: Hương Giang
    Địa chỉ: Báo Đất Việt
    Email: tear1809@yahoo.com

    Chương trình giáo dục mới có nhiều sai sót ngay từ bước đầu triển khai và các tồn tại của giáo dục từ lâu chưa được giải quyết đã khiến cho nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng chúng ta chưa tìm ra được một triết lý dành riêng cho giáo dục? Dưới đây là ý kiến của Tiến Sĩ Phan Quốc Việt, Viện trưởng Viện Hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực nhân tài Tâm Việt.

    Triết lý giáo dục là Đạo, tức là con đường đi. Chúng ta phải có một cái chuẩn để so sánh trong khi thực hiện. Tìm cho ra một triết lý đúng sẽ khai thông cho quá trình thực hiện. Triết lý giáo dục ngày xưa là dạy tốt, học tốt, rồi sau này là 5 điều Bác Hồ dạy. Phải khơi dậy cái tốt

    Đây là điều quan trọng nhất của triết lý giáo dục. Tại sao như vậy? Bởi vì não tư duy bằng hình ảnh nên nó không có khái niệm “cấm” hay “đừng”, hay “không”. Chẳng hạn nói “cấm hút thuốc” thì trong đầu hiện ra điếu thuốc. Nơi nào ghi “cấm đổ rác” là y như có người đến đổ rác. Càng cấm con chơi “game” thì con càng chơi, vì trong đầu chỉ hiện ra chữ “game”.

    Khi quỹ thời gian có hạn, muốn bỏ cái xấu thì chỉ có cách làm nhiều cái tốt. Dẹp cái xấu này sẽ xảy ra cái xấu khác. Cho nên chỉ có cái tốt mới đè bẹp được cái xấu. Vừa qua ngành giáo dục chống “bệnh thành tích”, nhưng chống được bệnh này thì sẽ mọc ra bệnh khác ngay, không bao giờ có thể chữa được hết bệnh. Tìm được cái xấu dễ lắm. Làm cái tốt khó lắm và lâu lắm mới có kết quả. Muốn thế phải có thần tượng tốt.

    Trong kháng chiến chống Pháp (và kháng chiến chống Mỹ), Bác Hồ phát động phong trào thi đua ái quốc với khẩu hiệu hành động: Người người thi đua, nhà nhà thì đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Trong ngành giáo dục có rất nhiều gương tốt, nhưng ít chú ý tới khuyến khích. Nếu không khuyến khích thì người ta làm để làm gì. Người ta phải được khen ngợi, tôn trọng, tôn vinh. Phải nêu gương, phải trao đổi. Muốn tạo cái tốt phải rèn thói quen, tạo văn hóa. Tại sao cái xấu ít mà lại lấn át cả cái tốt, vì cái tốt làm giật cục, đánh quả, không thường xuyên. Chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu ngày nào cũng làm nên thành thói quen. Trong khi đó tập thể dục thì bữa được bữa không, được hai ngày thì bỏ xó.

    Trẻ con lớn lên bằng thần tượng, bằng rèn truyện cổ tích. Do vậy phải có thần tượng để cho con người bắt chước. Ngày xưa đồng bào dân tộc có anh Hùng Núp, học sinh có anh Nguyễn Ngọc Ký, hay trường Bắc Lý. Bây giờ (thật buồn), trẻ con học Beckham, Michael Jackson. Triết lý giáo dục phải cụ thể. Có cụ thể thì làm mới trúng, Singapone có triết lý làm kinh tế là đạo đức và thực dụng (tức là ra kết quả ngay). Xác định được “đầu ra” của giáo dục là cho ai.

    Ngày xưa đào tạo là cho chiến tranh, cho nông nghiệp, công nghiệp. Thế kỷ 21 là nền kinh tế tri thức nên “đầu ra” phải khác. Giai cấp công nhân của thế kỷ 21 này là công nhân cổ cồn. Vào một số nhà máy ở An Giang, công nhân họ mặc đẹp hơn công chức nhiều. Triết lý giáo dục phải hướng người ta vào giải quyết các câu hỏi tại sao, như thế nào, và dạy kỹ năng. Ngày nay, muốn biết thông tin thời đại này chỉ cần vào mạng internet là có hết. Nhưng máy tính không làm thay cho đầu óc con người là trả lời câu hỏi Tại sao.

    Thế giới bây giờ mênh mông, làm sao biết hết được. Cái sai nhất cảu giáo dục là cái dùng thì không học, cái học thì không dùng. Không ai dạy cách đặt câu hỏi, cách lắng nghe, cách thuyết trình. Như vậy, các kỹ năng ngày nào cũng dùng đến thì không được học, cái không cần thì được học. Triết lý chẳng khác gì như đào móng, rất mất công. Muốn thực hiện được triết lý giáo dục phải có thời gian, có khi phải mất chục năm mới có kết quả. Muốn vậy, phải xác định triết lý đúng để tránh việc cứ có người phê phán là thay đổi.

    Họ và tên: nguyen van Ep
    Địa chỉ: Bình Dương
    Email:

    Theo tôi, chúng ta không thể phủ nhận lối dạy học truyền thống. Bởi vì, qua bao thế hệ đã chứng minh cũng chính lối dạy đó đã tạo cho nước Việt chúng ta không biết bao nhiêu nhân tài ( kể cả các vị thành đạt là lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia). Còn việc "tôn sư trọng đạo", tôi nghĩ không phải do cách gọi ở chỗ "thầy hay là người hướng dẫn" mà chính ở chỗ nhân cách nhà giáo và nôi dung giáo dục của chế độ xã hội và những khía cạnh khác có thể làm cho học sinh, sinh viên, quan hệ xã hội còn xem thường nghề thầy giáo. Tôi muốn nhấn mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học là một yêu cầu tất yếu của sự phát triển xã hội. Chúng ta không bàn cải việc áp dụng các công nghệ, nghề thuật, phương pháp dạy học hiện đại. Tuy nhiê, trong chừng mực nào đó cũng không thể bỏ vai trò của người thấy. Chúng ta đừng nhầm lẫn ở chỗ sự thay đổi trong hình thức sắp xếp để dạy học là hoàn toàn không cần đến vai trò của người thầy, ngược lại sự xuất hiện người thầy càng ít, càng thể hiện sự làm việc tích cực, tư duy cao hơn ở người thầy. Tôi muốn nói thêm một số ý nhỏ về "sự tôn sư trọng đạo và đia vị nhà giáo" không có kỷ cương, không được thực tế xã hội tôn vinh. Theo tôi, ngoài kỷ cương, tình thương và trách nhiệm nhà giáo đối với học sinh, thì ở khía cạnh khác làm cho vị thế nhà giáo chưa được nâng cao. Đó là đồng lương quá ít ỏi. Những ai nói nghề giáo là nhàn hạ thì nên suy nghĩ lại. Không phải chỉ dạy một buổi, thời gian còn lại là chơi, hoặc lo việc gia đình mà nhà giáo còn nhiều trọng trách khác như soạn bài, nghiên cứu đọc tài liệu, lên kế hoạch truy cập thông tin, kiểm tra, theo dõi, đánh giá học sinhv.v... Thoạt tiên, ai cũng thừa nhận rằng muốn trở thành một công chức nhà nước, muốn vương lên phát triển làm lãnh đạo đều phải qua giáo dục. Tuy nhiên, sau đó, người làm trong ngành giáo dục bị phản hồi bởi những người mà trước đó thừa hưởng sự giáo dục, thậm chí trong mối quan hệ xã hội nghề giáo chưa được ưu đãi, ưu tiên gì, mà đôi khi còn bị ngược đãi, xem thường. Chẳng những thế mà còn bị ngược đãi ngay bởi một số học trò đánh thầy cô giáo ngay trong môi trường sư phạm ( như báo chí đã nêu ). Theo tôi, một trong những yếu tố làm cho thiếu sự tôn sư trọng đạo, vị thế nhà giáo chưa được xã hội coi trọng đúng nghĩa là ở chỗ " đồng lương quá thấp "

    Họ và tên:
    Địa chỉ:
    Email: dzungntd@gmail.com

    Ý kiến của các bạn đều có cái lý của nó cả. Khi đọc xong tôi lại đâm ra nghi ngờ không biết ai đúng hơn. Về giáo dục tôi chỉ thấy thế này thôi: Đất nước ta có nhiều gỗ tốt. Đó là trẻ em chúng ta thông minh và lanh lợi. Thời cuối những năm 80 đầu những năm 90, các bác thợ mộc đổ xô đi đóng tủ ly. Nhà trường (thày giáo) đổ xô đi nuôi gà nòi để thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia, quốc tế v.v... Sau này (chỉ chưa đầy chục năm sau) đến cho không người ta cũng không thèm lấy cái tủ ly đóng thời đó. Và những chủ sở hữu các vòng nguyệt quế của các kỳ thi kia thi vào các doanh nghiệp nước ngoài ít người đạt tiêu chuẩn. Buồn thay gỗ thì mất rồi, rừng bị phá rồi, còn người thì: ván đã đóng thuyền! Nếu cho rằng thày giáo giống như ông thợ mộc kia thì sản phẩm tủ ly thật đáng trách các thày quá. Ngược lại, nếu bấy giờ không đóng tủ ly mà lại đóng cái tủ kiểu khác thì ai mua? Vì hoặc quá đắt, hoặc không theo mốt hoặc ngôi nhà hồi đó bé tí ti hay gì gì đi chăng nữa đều có nghĩa là vì không có thị trường tiêu thụ thì đóng tủ kiểu khác cho ai?. Vậy thì các thày phải đóng tủ ly là đúng thôi. Đừng trách các bác thợ mộc là thiếu khéo tay và không biết biết cưa xẻ! Ai chịu trách nhiệm nhỉ?

    Họ và tên: Huỳnh Cao Vân
    Địa chỉ:
    Email: caovan60@yahoo.com

    Mới một ngày mà có nhiều ý kiến quá, chứng tỏ vấn đề nhiều năm, nhiều ngày, nhiều tháng vẫn còn rất bức xúc. Em tôi là giáo viên Tiểu học. Mơ ước của em là viết giáo án xong cho một tuần sau đó nhưng không bao giờ thực hiện được. Nhưng giả sử em có làm được thì một tuần sau nữa thì sao? Giáo án là ám ảnh của em. Tất nhiên giáo án dùng để trị những giáo viên lười chuẩn bị bài. Nhưng đối với những người chuẩn bị bài tốt và đối với nhiều giáo viên lâu năm đã thuộc những điều mình cần dạy cho hôm sau thì có cần phải viết ra không. Lúc nào cũng ngồi "đồ" lại những kiến thức đã biết vào giáo án thì thời gian đâu đọc cái mới và có nơi, có lúc người ta không cho dùng máy tính để soạn giáo án, chỉ được viết tay, tất nhiên để trị những người lười đánh máy, chỉ copy và sửa lại. Em tôi không còn dạy nữa và giờ đây cần một số kỹ năng về máy tính thì rất yếu trong khi nhà tôi là nhà làm dịch vụ internet. Chồng giáo án em vẫn để làm kỹ niệm cho một thời nô lệ giáo án. Hồi tôi còn đi học tôi rất ấn tượng với giáo viên cấp hai khi vào lớp chỉ cầm vài viên phấn và trong chúng tôi không ai chê thầy dạy dở. Giáo án để kiểm soát những người không tốt nhưng đừng vì thế mà làm "ngu hoá", "trì trệ hoá", "máy móc hoá" các thầy cô giáo có tâm huyết. Không lý câu nói của Tào Tháo "Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót" là chân lý?

    Họ và tên: NVB
    Địa chỉ:
    Email: cuonggt@yaho.com

    Tôi nhất trí với bài của tác giả có nói: Cổ nhân xưa cố câu "nén bạc đâm toạc tờ giấy" ngày nay đã thấy sự thật rõ ràng, nén bạc kông chỉ đâm toạc tờ giấy mà côn đâm thủng các luật, và các thể chế và biến trắng thành đen,biến không thành có khiến người lành thành kẻ giữ vì họ bị bất công, và họ có thông nhưng không có tiền chạy trọt đút lót, thì chỉ đứng dưới mà kêu trời sao tháu được. Mong các cấp lãnh đạo cao nhất xem xét.

    School@net



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.