Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (726 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (498 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (80 bài viết)
  • Sản phẩm mới (216 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (549 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (156 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (127 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (183 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (70 bài viết)
  • Cùng học (92 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (78 bài viết)
  • School@net 15 năm (154 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (124 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (363 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1210 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1037 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (275 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (180 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8223 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 11
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 11
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 89533631 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Tự hào trí tuệ Việt, nhưng...

    Ngày gửi bài: 22/01/2011
    Số lượt đọc: 2285

    Cái cần cho giáo dục hiện nay là thay đổi trong cách nhìn về việc dạy và học, là tạo điều kiện để những kiến thức mới nhất của thế giới được mang về Việt Nam và cần thay đổi cách học tập. Cần có chính sách tầm quốc gia để người Việt Nam ở nước ngoài có thành tựu về nước cống hiến.



    LTS: GS. TS Đinh Xuân Anh Tuấn, một nhà khoa học có khá nhiều công trình nghiên cứu về y học đã được giải thưởng ở Mỹ, Pháp. Ông cũng là một trí thức Việt kiều tâm huyết, luôn dành nhiều mối quan tâm cho khoa học, giáo dục đất nước. Tuần Việt Nam trân trọng đăng tải bài phỏng vấn ông dưới đây.

    Quan tâm hàng đầu về giáo dục -đào tạo

    - Thưa Giáo sư, là người nổi tiếng được thế giới khoa học vinh danh, ông có thể giới thiệu ngắn gọn về mình?

    -Tôi có cơ may học ở nước ngoài, thành công trong nghiên cứu y học. Mong muốn đóng góp cho nước nhà nhiều hơn, vì tôi vẫn là người Việt Nam.

    - Hành trình của ông từ quê hương Việt Nam đến Pháp như thế nào?

    - Cách đây 41 năm, cùng gia đình (cha là một giáo sư), tôi đến Pháp lúc 11 tuổi và trở thành công dân Pháp. Tôi về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1992, đến nay thường xuyên về nước hơn trong việc hợp tác y tế, giáo dục và đào tạo.

    - Được biết, GS.TS là một trong những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới về chất NO (Oxyt Nitric) trong phổi, về Việt Nam ông quan tâm vấn đề gì nhất?

    -Tôi có nhiều suy tư và quan tâm hàng đầu về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đây là lĩnh vực mà tôi có thể giúp ích nhiều cho Việt Nam. Với cương vị là Giám đốc Chương trình đào tạo Thạc sĩ của ĐH Paris 5, mỗi năm nơi đây đào tạo 100 thạc sĩ, tôi ưu tiên hàng đầu là đào tạo bác sĩ Việt Nam sang Pháp du học.

    Tôi đã trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học cho 15 tiến sĩ (có 4 người Việt Nam), trên 20 thạc sĩ (7 người Việt). Là Trưởng bộ môn Sinh lý học- Thăm dò chức năng của ĐH Paris 5, tôi được mời giảng dạy khá thường xuyên tại các trường ĐH ở Pháp và Trung Quốc (vai trò giáo sư cố vấn của Trung Quốc), nhưng ở Việt Nam thì chưa có hình thức hợp tác chính thức ở mức độ quốc gia.

    Tôi chỉ có hợp tác với các Trường ĐH Y Tp.HCM, Hà Nội, Hải Phòng để báo cáo chuyên đề và giảng dạy chuyên sâu cho các bác sĩ. Riêng tại Đà Lạt - Lâm Đồng, tôi có báo cáo khoa học, tập huấn cho các bác sĩ của tỉnh ở Trường Cao đẳng Y tế và hội chẩn ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong chương trình hoạt động của Hội Phổi Pháp -Việt, mà tôi là một trong những thành viên sáng lập và là cố vấn Ban khoa học kỹ thuật của Hội.

    Vì vậy, tôi mong muốn trong tương lai cần mở rộng hơn trong hợp tác đào tạo, tổ chức quy mô hơn trên bình diện hợp tác trường ĐH và quốc gia. Hiện nay, tôi về nước làm việc với tư cách cá nhân trên cương vị là GS gốc Việt và mối quan tâm là ngành y khoa Việt Nam.

    - Từ thực tế của GS ở Pháp được Trung Quốc mời làm cố vấn (trong lĩnh vực của mình), ông nhận thấy cách người Trung Quốc trọng dụng nhân tài Hoa kiều ra sao?

    - Từ khoảng 10 năm về sau này, tôi nhận thấy Chính phủ Trung Quốc đã có một chính sách đặc biệt cầu thị và ưu đãi đối với các nhà làm khoa học gốc Trung Quốc đang sinh sống bên Úc, Âu và Mỹ Châu. Một cách cụ thể, đa số đã được mời về Trung Quốc không những chỉ để hợp tác mà còn tham gia vào thành phần lãnh đạo các trường ĐH...

    Kết quả của chính sách đãi ngộ này là sự tiến bộ rất nhanh của Trung Quốc trên các lĩnh vực khoa học kể từ 10 năm sau này. Từ năm 2007, với tư cách là GS Chủ nhiệm Bộ môn của Trường ĐH Paris Descartes (Pháp), tôi đã được mời sang làm GS Cố vấn nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực sinh học phân tử cho Trường Y Khoa của Trường ĐH Đồng Thể (Tongji) tại Thượng Hải.

    - GS nghĩ gì về chính sách thu hút nhân tài ở Việt Nam?

    - Chúng ta nên có một chính sách thu hút nhân tài cụ thể và rõ ràng hơn, để tạo điều kiện cho các em trong nước học ở nước ngoài quay về. Để người Việt ở nước ngoài có điều kiện về Việt Nam mang kiến thức phục vụ Tổ quốc. Chúng ta cần học tập Trung Quốc, tôi thấy các bác sĩ học ở Pháp gốc Trung Quốc về nước được ưu đãi, tạo điều kiện rất tốt. Chính sách thu hút nhân tài cụ thể sẽ tạo điều kiện cho du học sinh nối nhịp cầu quê hương với kiều bào ở nước ngoài, nói chung và trí thức Việt kiều, nói riêng.

    - Thưa ông, trong nước chưa có điều kiện nghiên cứu, môi trường làm việc tốt như ở nước ngoài?

    - Mặc dù điều kiện nghiên cứu trong nước so với nước ngoài không giống nhau nhưng đây không phải rào cản. Vấn đề là tạo điều kiện tốt để trao đổi kiến thức, nhu cầu hiểu biết y khoa ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể, việc nghiên cứu rất cần ở các trường ĐH, còn ở các bệnh viện nhu cầu hiểu biết chuyên môn nhiều hơn nghiên cứu. Vì vậy, phải tạo điều kiện cho sinh viên xuất sắc ở Việt Nam ra nước ngoài nghiên cứu, sau đó, chỉ cần họ quay về bằng kiến thức và tầm nhìn ở nước ngoài để nhận định vấn đề và cải tiến cách chẩn đoán bệnh và cách chữa bệnh hợp lý hơn.

    Nghiên cứu khoa học giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, biết được hướng đi cho tương lai. Trong điều kiện đất nước chúng ta chưa triển khai nghiên cứu khoa học cơ bản tốt thì phải thấy đấy là nhu cầu cấp thiết để tương lai chúng ta làm được. Có 2 điều kiện cơ bản để làm nghiên cứu: Thứ 1, là dụng cụ phòng ốc, máy móc, kinh phí. Thứ 2, là sự hiểu biết về khoa học cơ bản. Về kiến thức khoa học cơ bản, chúng tôi cố gắng tạo điều kiện cho các bác sĩ Việt Nam cập nhật các hiểu biết đó trong lĩnh vực của mình. Trong nghiên cứu yếu tố quan trọng là chất xám và phải được đầu tư cập nhật thường xuyên để bắt nhịp với tầm hiểu biết của thế giới.

    Tự hào trí tuệ Việt, nhưng...

    - GS nghĩ gì về hiện tượng GS Ngô Bảo Châu?

    - Sự kiện GS Ngô Bảo Châu là người Việt đầu tiên đoạt Giải thưởng Fields về toán học trong năm vừa qua, là dấu hiệu đáng mừng, chứng minh người Việt Nam không chỉ đạt được bằng cấp nhiều trong học tập mà đã có đỉnh cao trí tuệ của thế giới.

    Gần đây, tôi được mời phỏng vấn trên Đài truyền hình Pháp về thành tựu của học sinh Việt Nam ở Pháp. Thống kê cách đây không lâu về sự học của con em di dân nước ngoài đến Pháp đã nhận định, con em gốc Việt thành công trên con đường học vấn, tỷ lệ học ĐH cao hơn so với các di dân khác và cao hơn cả người Pháp. Do vậy, cái cần cho giáo dục hiện nay là thay đổi trong cách nhìn về việc dạy và học, là tạo điều kiện để những kiến thức mới nhất của thế giới được mang về Việt Nam và cần thay đổi cách học tập. Cần có chính sách tầm quốc gia để người Việt Nam ở nước ngoài có thành tựu về nước cống hiến.

    Việt Nam là đất nước có nhiều thử thách trong lịch sử, sự cần cù và trí tuệ của người Việt rất cao. Do vậy, cần có vận hội sử dụng trí tuệ và sự cần cù này để Việt Nam giàu mạnh. Nếu trí tuệ được chia sẻ với tất cả mọi người thì khó khăn nhất thời sẽ ít hơn. Trong lĩnh vực nghiên cứu, các nhà nghiên cứu tự do hoàn toàn trong vấn đề khoa học. Còn tạo điều kiện ứng dụng phát triển phải là chính sách đầu tư của Chính phủ, của Nhà nước. Khoa học chỉ có thể phát triển mạnh khi không có sự ràng buộc giới hạn tư duy và có điều kiện để nhân tài phát triển. Bác sĩ nếu không có môi trường nghiên cứu chuyên sâu thì lâu ngày chỉ là một kỹ thuật viên giỏi.

    - Theo ông, việc thay đổi cách học tập nên như thế nào?

    - Việt Nam và Pháp có nhiều điểm giống nhau, đều ưu tiên đặc biệt cho giáo dục, đào tạo để tập cho con người cách làm việc. Trong nước cần môi trường học tập tốt để có nhiều hạt mầm. Điều kiện nảy nở có thể trong nước hoặc nước ngoài nhưng sau đó vấn đề là làm sao thu hút họ quay về bằng những chính sách cụ thể.

    Ngoài ra, ta cần phải thay đổi cách học tập. Sự học bao hàm cả học và tập: Nếu học nhiều, tập ít; kiến thức thuộc lòng nhiều, đầu óc sáng tạo, suy luận ít, áp dụng lối giáo dục đó sẽ lỗi thời. Ở Pháp tất cả những gì tôi dạy sinh viên là kiến thức không phải là sự học một chiều từ người thầy, mà là dạy về cách suy luận để tạo kiến thức mới.

    Kiến thức lỗi thời nhanh nhất là trong nghiên cứu khoa học. Kiến thức có được hôm nay hơn ngày hôm qua và làm nền tảng cho kiến thức ngày mai, và trong thế giới hiện đại, nhiều thông tin này, sự biến đổi kiến thức nhanh hơn so với trước đây. Giáo dục giúp con người có đầu óc sáng tạo, tư duy độc lập, đầu óc linh động để thích ứng, có những kiến thức căn bản để đi tới chứ không phải là "bất di bất dịch".

    - Như vậy, trước hết, không chỉ thay đổi cách học tập mà còn cần phải thay đổi cả chính sách về thu hút nhân tài. Thực tế, sau khi đoạt Giải thưởng Fields, GS Ngô Bảo Châu đã được Nhà nước cấp nhà công vụ và Chính phủ đã nhanh chóng xúc tiến ngay việc thành lập Viện Toán cao cấp do GS Châu đứng đầu. Theo ông đó có phải là sự khoản đãi?

    - GS Ngô Bảo Châu, như tất cả mọi nhân tài khác trên thế giới, là viên ngọc quý của nhân loại, nói chung và là niềm tự hào đặc biệt của dân tộc Việt nói riêng. Theo thiển ý của tôi, sự thành công trên lĩnh vực khoa học của ông là kết quả của sự kết hợp tuyệt vời giữa bộ óc thông minh thiên phú, sự hỗ trợ đến từ gia đình, thầy cô và trường lớp lúc ông còn ở Việt Nam, và điều kiện học tập rất thuận lợi khi ông làm nghiên cứu sinh và học sau ĐH tại Pháp.

    Tuy nhiên, tôi mong rằng Giải thưởng Fields chỉ là bước đầu (khi ông chưa 40 tuổi) trên con đường khoa học ông đang đi. Và sẽ còn nhiều thành tựu khác chờ đón ông trong 10 hay 20 năm nữa, và cho những người làm khoa học Việt Nam khác. GS Ngô Bảo Châu, không những sẽ làm người đi tiên phong trên bước đường nghiên cứu khoa học, mà còn là một tấm gương sáng cho thế hệ các nhà khoa học trẻ noi theo.

    - Tuy nhiên, để tạo ra cú hích trong việc thúc đẩy viêc thu hút nhân tài là trí thức Việt kiều thì cần nhiều góp ý. GS cũng là một người tài nước Việt với nhiều thành tựu y học đã đạt được. Ông có thể cho một số góp ý cụ thể?

    - Hiện nay, trên khắp thế giới có rất nhiều các GS, TS gốc Việt làm việc cho các viện nghiên cứu khoa học hay các trường ĐH lớn trên thế giới. Một số không ít đã, hoặc đang giữ những vai trò lãnh đạo (GS Chủ nhiệm bộ môn, Giám đốc phòng nghiên cứu v.v.). Số nghiên cứu sinh Việt Nam đi học tại các trường ĐH Âu, Úc, Mỹ, Canada... càng ngày càng gia tăng.

    Vì thế, số người Việt đã thành đạt hay đang được đào tạo tại nước ngoài không những càng ngày càng đông, mà còn có được sự liên tục giữa nhiều thế hệ. Từ các lớp đàn anh rời Việt Nam cách đây vài chục năm trước, cho đến các nghiên cứu sinh trẻ mới ra nước ngoài vài năm sau này.

    Nhà nước nên tạo điều kiện để khuyến khích tất cả những bộ óc khoa học Việt Nam trở về hợp tác trong công việc đào tạo các nghiên cứu sinh Việt Nam tại đất nước. Hiện đại hoá các phòng nghiên cứu khoa học để đưa nghiên cứu khoa học Việt Nam lên ngang tầm với các nước khác trong vùng Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan. Cũng là cách từ từ rút ngắn lại khoảng cách với các nước Châu Á có truyền thống nghiên cứu trên lĩnh vực khoa học như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, v.v..

    - Giáo sư có hài lòng về thành tựu của mình và có thể chia sẻ kinh nghiệm thành công?

    - Nghiên cứu là đi tới không ngừng, nếu hài lòng là dừng chân. Nhà nghiên cứu chân chính không bao giờ hài lòng với thành tựu của mình, những việc đã làm được là sự an tâm để bước tới. Tôi có được thành tựu khoa học là nhờ văn hóa Việt Nam và giáo dục gia đình, khiến tôi tôn trọng người thầy, người đi trước, xem được hưởng sự giúp đỡ đó là những đặc ân.

    Tôi ở nước ngoài từ bé, có khả năng thích ứng cao nhờ hội nhập môi trường mới lạ mạnh mẽ hơn đã góp phần cho thành công của mình. Mọi sự khó khăn là cơ hội để tiến lên. Kinh nghiệm thành công là không bao giờ nản chí, trong mọi vấn đề cần thấy lợi điểm hơn là khó khăn, thấy điểm sáng hơn là điểm tối và sự khiêm tốn là cần thiết.

    Đối với người thầy cần phải có sự bao dung, chấp nhận ý kiến phản biện để tìm ra sự thật đi đến chân lý. Nếu độc đoán, cố chấp không thể thành nhà khoa học, phải mềm dẻo tư duy và chấp nhận sự khác biệt. Luôn lắng nghe cộng sự, cấp dưới, lắng nghe bệnh nhân để tạo sự tiếp xúc kết nối tốt.

    - Ông có dự định về sống ở Việt Nam?

    - Sau này tôi sẽ trở về Việt Nam. Tôi vẫn nghĩ mình là người Việt, trong gia đình tôi, vợ và 2 con đều nói tiếng Việt.

    - Xin cám ơn GS!

    Phụ lục

    GS.TS Đinh-Xuân Anh Tuấn

    Sinh ngày 05 -7-1958 tại Sài Gòn- Việt Nam, quốc tịch Pháp

    Tiến sĩ Y khoa, ĐH Y khoa Paris 5, René Descartes, năm 1985

    Tiến sĩ Khoa học tại ĐH Cambridge, Vương Quốc Anh, năm 1991

    Phó Giáo sư ĐH Y khoa Paris 5, René Descartes, năm 1992

    Giáo sư ĐH Y khoa Paris 5, René Descartes, năm 2000

    - Giải thưởng Nhà nghiên cứu Trẻ của Viện ĐH Mỹ (Atlanta) về Bệnh lý mạch máu, năm 1990

    - Giải thưởng Nghiên cứu Lâm sàng của Hiệp hội Nghiên cứu Y Khoa Pháp, năm 1997

    - Giải thưởng «Nhà Khoa học xuất sắc năm 2000 » của Hiệp hội Nghiên cứu Y học Việt - Mỹ

    - Thành viên Hội đồng Đào tạo ĐH Y khoa Paris 5. Phụ trách giảng dạy: Sinh viên Y khoa, Thạc sĩ, Tiến sĩ; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sinh Bệnh học Bộ máy Hô hấp: UPRES-EA2511

    - Thành viên và phụ trách các lĩnh vực khác nhau của nhiều Hiệp hội và Ủy ban Quốc tế: Hội Lồng ngực Mỹ, Hội Lồng ngực Anh, Hội Ghép phổi Anh, Hội Tim mạch Mỹ, Viện ĐH mạch máu Mỹ, Hội Sinh học về mạch máu Cambridge, Hội Hô hấp Châu Âu, Hội Sinh lý Pháp, Hội Nitrít Oxít Pháp... Tổng Biên tập Tạp chí Hô hấp Châu Âu.

    - Đã có gần 200 công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học thế giới, trong đó hơn 100 công trình nghiên cứu về chất NO trong phổi, chuyên nghiên cứu về hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và bệnh xơ hóa phổi.



    Schoolnet (Theo tuanvietnam.vietnamnet.vn)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.