Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (726 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (498 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (80 bài viết)
  • Sản phẩm mới (216 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (549 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (156 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (127 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (183 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (70 bài viết)
  • Cùng học (92 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (78 bài viết)
  • School@net 15 năm (154 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (124 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (363 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1210 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1037 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (275 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (180 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8223 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 7
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 7
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 89517595 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Nam Quốc sơn hà Nam đế cư

    Ngày gửi bài: 20/09/2011
    Số lượt đọc: 2571

    Sinh ra trong binh lửa, bất tử cùng chủ quyền non sông, lời thơ "Thần” - "Nam quốc sơn hà” chỉ với 28 từ (thất ngôn tứ tuyệt) mà nội dung ý tứ sâu xa. Để bảo vệ đất nước, tất thảy người dân Việt quyết đánh tan ngoại xâm dù chúng có mạnh đến mức nào. Ngày nay, lời thơ "Thần” khắc trên bia trong am thờ ở đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Tổ quốc vẫn ngày đêm vọng vang cùng sóng nước.

    Tranh minh họa Lý Thường Kiệt và bài thơ "Thần”

    Tranh TL

    Tháng giêng năm 1072, triều đình nhà Lý "lục đục”. Vua Lý Thánh Tông băng hà, vua Lý Nhân Tông 6 tuổi nối ngôi. Phe theo Thái hậu Thượng Dương và Thái sư Lý Đạo Thành, phe kia theo Thái phi Ỷ Lan và Thái úy Lý Thường Kiệt. Tuy Thái hậu Thượng Dương và Thái sư Lý Đạo Thành xét về vị trí chức tước trong triều thì hơn hẳn Thái phi Ỷ Lan cùng Thái úy Lý Thường Kiệt nhưng "vị thế” lại không bằng. Vì lẽ: Thái phi là thân mẫu của vua Lý Nhân Tông còn Thái úy thì nắm giữ quân đội. Việc tranh giành quyền lực tột độ đã nảy sinh sự biến. Đại Việt sử ký toàn thư viết, Thái phi Ỷ Lan nói với vua trẻ: "Mẹ già đã khó nhọc nuôi nấng con, mới có ngày nay. Bây giờ đã được phú quý thì người khác giành mất chỗ, biết đặt mẹ già vào chỗ nào”. Vua Lý Nhân Tông bèn sai giam Thái hậu Thượng Dương và 72 thị nữ rồi ép phải chết theo vua Lý Thánh Tông. Lý Đạo Thành bị giáng chức làm Tả Gián nghị đại phu phải ra coi châu Nghệ An. Ỷ Lan trở thành Thái hậu nhiếp chính còn Lý Thường Kiệt được phong làm Phụ Quốc Thái úy, trông coi cả việc văn lẫn việc võ trong triều.

    Bị giáng chức "đày” ra Nghệ An, Lý Đạo Thành lập Viện Địa tạng trong thờ tượng Phật và vị hiệu vua Lý Thánh Tông.

    Xưa nay, ngẫm lịch sử: Cứ mỗi khi nội bộ triều chính của nước ta "bất hòa” thì mối nguy họa ngoại xâm phương Bắc là điều rất dễ xảy ra. Vào thời điểm những năm sau 1072 này, nhà Tống quyết định thôn tính nước ta vì mấy nguyên nhân sau: Thứ nhất, việc mất đoàn kết trong triều đình nhà Lý khiến thế nước suy giảm. Thứ hai, nhà Tống lo ngại việc thay đổi "nhân sự” trong triều đình Đại Việt sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của họ. Và điều thứ ba còn quan trọng nữa: Tháng 2 năm 1075, nước Liêu đe dọa biên giới phía Bắc nước Tống. Liệu thế không cự nổi, Tể tướng Vương An Thạch hiến kế với vua Tống cắt 700 dặm đất Hà Đông biếu nước Liêu để hòa hoãn, tiếp đó, tập trung binh lực đánh Đại Việt để tăng cường thế mạnh áp đảo lại nước Liêu. Đó cũng là kế sách đẩy mâu thuẫn từ bên trong ra bên ngoài của Vương An Thạch khi bị các phe phái khác trong triều công kích... Trước khi động binh, nhà Tống "xúi giục” Chiêm Thành quấy nhiễu phía Nam nước ta.

    Trước tình cảnh này, Thái hậu Ỷ Lan và Thái úy Lý Thường Kiệt đã làm được một điều vĩ đại mà ít người nhắc đến: Hòa hợp phe phái, đoàn kết nhân tâm cùng nhau bàn cách chống họa ngoại xâm.

    Thái úy Lý Thường Kiệt nhận mệnh vua đích thân vào Nghệ An phong chức Thái Phó, Bình chương quân quốc trọng sự cho Lý Đạo Thành và mời ông trở lại kinh đô. Chức quan này của Lý Đạo Thành trông coi tất cả việc triều chính trong nước. Còn với Lý Thường Kiệt, ông nắm quân đội lo việc đối phó với giặc ngoại xâm.

    Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà - Được coi là

    Bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước Việt

    Gạt bỏ thù hận, Thái Phó Lý Đạo Thành mạnh dạn "đề xuất” nhiếp chính Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông thực hiện việc tuyển chọn hiền tài giúp nước. Đây cũng là thực hiện tiếp nguyện ước còn dang dở của ông với vua Lý Thánh Tông từ năm 1070 khi lập Văn Miếu. Năm 1075, ở kỳ thi Nho học đầu tiên của dân tộc đã tuyển được mười người hiền tài nhất, trong đó Lê Văn Thịnh là người đỗ đầu và được giao việc giúp Vua học. Chỉ chưa đầy một năm sau, khi ngọn lửa chiến tranh bắt đầu, Lê Văn Thịnh được Vua tin tưởng phong ngay chức Binh bộ Thị lang (tương đương Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bây giờ). Như thế, bên cạnh vị võ tướng kiệt xuất có vị quân sư văn lược tinh thông.

    Lịch sử nước ta từ cổ chí kim thường chống giặc ở tư thế tự vệ khi địch đã xâm phạm bờ cõi. Duy chỉ có Lý Thường Kiệt dám nghĩ tới việc "Tiên phát chế nhân”, ông khẳng khái tâu Vua: "Ngồi im đợi giặc không bằng chủ động đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc”.

    Phán đoán quân Tống vào đánh nước ta qua hai đường chính: Đường bộ từ Ung Châu và đường thủy từ cửa bể Khâm, Liêm, Thái úy Lý Thường Kiệt chủ động tấn công trước. Từ Vĩnh An (Hải Ninh, Móng Cái, Quảng Ninh), đại quân đường thủy do Thái úy Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy đánh vào ven biển Quảng Đông. Cánh quân bộ từ biên giới miền Quảng Nguyên kéo sang đánh Tống ở vùng Quảng Tây do Nùng Tôn Đản quản lĩnh. Vùng Môn Châu có Hoàng Kim Mãn thống lĩnh, vùng Lạng Châu có phò mã Thân Cảnh Phúc và vùng Tô Mậu do Vi Thủ An cầm quân. Hành quân táo bạo, bất ngờ, thêm mưu lược tài tình, quân đội nhà Lý mau chóng phá tan các cứ điểm xung yếu chứa lương thực, vũ khí. Đại quân do Thái úy Lý Thường Kiệt chỉ huy chỉ trong 7 ngày là đã tới vây thành Ung Châu (Nam Ninh, Trung Quốc). Để tránh xung đột với dân Tống và bất lợi về lương thực, Lý Thường Kiệt đã tìm một danh nghĩa cho cuộc tiến công. Ông yết bảng "Phạt Tống lộ bố văn” kể tội quân Tống, nêu cao đại nghĩa tự thủ chủ quyền và giúp dân Tống chống lại phép Thanh Miêu, Trợ dịch hà khắc của triều đình nhà Tống. Người dân Tống đọc lời lộ bố vui mừng đem lương thực tới giúp quân đội nhà Lý... Với chất lượng vũ khí hơn hẳn nhà Tống cộng với mưu lược tài trí, chỉ trong 42 ngày đêm công kích, thành Ung Châu kiên cố đã thất thủ. Đại quân nhà Lý thừa thắng kéo tiếp lên phía Bắc phá thành Tân Châu rồi mau chóng kéo quân về, trước khi quân nhà Tống đang ồ ạt kéo xuống.

    Sau gần một năm khắc phục thiệt hại, quân đội nhà Tống do Nguyên soái Quách Quỳ và Triệu Tiết (Phó Nguyên soái) chỉ huy tiến đánh Đại Việt. Đó là tháng 11 năm Bính Thìn (1076).

    Tranh minh họa Thái úy Lý Thường Kiệt dẫn quân đánh giặc Tống

    Tránh thế giặc cuồng bạo, Lý Thường Kiệt đã sớm chuẩn bị. Ông cho nhiều toán quân tập kích giặc trên đường hành quân nhằm tiêu hao lực lượng. Thời gian này, phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) được xây dựng kiên cố để cố thủ. Nếu địch vượt qua được chiến tuyến này, lăng tẩm nhà Lý sẽ bị san phẳng, Thăng Long có thể thất thủ trong chốc lát, vì phòng tuyến chỉ cách Thăng Long 20 km. Phòng tuyến dài ngót 100 km được đắp đất và rào tre làm giậu (nay là đoạn từ huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) sang Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) đến Phả Lại). Hỗ trợ phòng tuyến, thuỷ quân Đại Việt đóng ở Lục Đầu Giang sẵn sàng tiếp ứng cùng các cánh quân thuỷ khác ở sông Thương, sông Bạch Đằng... Các cánh quân người thiểu số do Lý Kế Nguyên, Thân Cảnh Phúc, Lưu Kỷ, Nùng Trí Cao, Nùng Thuận Linh chỉ huy sẽ quấy nhiễu hậu phương địch.

    Quân Tống đổ dồn tụ tập trước phòng tuyến từ địa phận Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng (Bắc Giang) với chiều dài khoảng 30 km. Do lực lượng địch áp đảo, cũng có lúc phòng tuyến tưởng chừng khó giữ, nhưng bằng quyết tâm sắt đá, phòng tuyến luôn luôn được củng cố. Trong một lần tập kích sang trại giặc, hai hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn cùng hơn 500 quân ta tử trận. Thế giằng co tới mùa hè năm sau. Thời tiết nóng nực khiến quân Tống mỏi mệt, bệnh tật lan tràn, tinh thần suy sụp còn lương thực sắp cạn. Quân tướng Tống tiến thoái lưỡng nan.

    Thời cơ phản công đã đến. Vào một đêm, từ đại bản doanh trên núi Thất Diệu (đền Núi, Yên Phong, Bắc Ninh) Lý Thường Kiệt sai người tới ngôi đền thiêng thờ Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) ở ngã ba Xà (nơi hợp lưu sông Cà Lồ, Như Nguyệt) nơi gần đại bản doanh Triệu Tiết, tựa như thần nhân đọc vang lên bài thơ mắng giặc:

    Nam Quốc sơn hà Nam đế cư

    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

    Như hà nghịch lỗ lai xâm phậm

    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    Dịch nghĩa:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở

    Rành rành định phận tại sách trời

    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

    Khí thơ hùng tráng, quật cường này sống mãi trong lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, được coi là Bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước Việt ta.

    Phút chốc, lời thơ "Thần" như một liều thuốc tinh thần cực mạnh, nhuệ khí quân dân Đại Việt vụt bùng lên, ngược lại, quân Tống thất vía kinh hồn. Quân Đại Việt bất ngờ tập kích. Sau ngót ngàn năm, đến nay, nhân dân vùng Hiệp Hòa vẫn còn gọi một cánh đồng rộng là cánh đồng Xác – nơi xác giặc chết la liệt ngày xưa và có một ngôi chùa Xác – ngôi chùa cầu siêu cho vong linh lính bại trận năm nào.

    Tổng kết chiến tranh, không tính thiệt hại vô kể của lần bị quân Đại Việt sang đánh, Chính Thúc, sử gia nhà Tống viết: "8 vạn phu vận lương và 11 vạn chiến binh chết vì lam chướng. Còn được 28 ngàn người sống sót về, mà trong đó còn ốm yếu nhiều. Kể cả số trước bị địch giết thêm mấy vạn, cả thảy không dưới 30 vạn”. Phí tổn tiền vàng tính ra là 5 triệu 190 ngàn lượng vàng”.

    Chiến thắng vang dội, thế nước cường thịnh, Đoàn ngoại giao do Binh bộ Thượng thư Lê Văn Thịnh (tương đương Bộ trưởng Quốc phòng) sang trại Vĩnh Bình đàm phán thắng lợi, giành lại cương thổ đã mất về tay nhà Tống trước và trong chiến tranh.

    Lập võ công hiển hách, nhưng để giữ hòa khí bang giao (nhà Tống đòi xử người cầm đầu cuộc chiến ở Đại Việt), Lý Thường Kiệt tự nguyện rời triều đình vào Thanh Hóa trấn nhậm. Song đó cũng là sách lược để giữ yên cương thổ phía Nam Tổ quốc.

    Từ Khôi


    School@net (Theo báo Đại Đoàn Kết)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.