Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

Những ca khúc bất hủ về Hà Nội (P.1)
07/10/2010

Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho các sáng tác trong mọi lĩnh vực nghệ thuật: hội họa, văn thơ, âm nhạc, nhiếp ảnh... Đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, viết về Hà Nội đã lưu giữ những ca khúc bất hủ theo năm tháng.










Hà Nội niềm tin và hy vọng

Nhạc sĩ Phan Nhân đã sống và chiến đấu trong 12 ngày đêm B.52 rải thảm Hà Nội. Chính trong khoảnh khắc tự hào và anh dũng đó, ông đã hoàn thành ca khúc nổi tiếng Hà Nội niềm tin và hy vọng...

Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng

Của núi sông hôm nay và mai sau

Chân ta bước lòng ung dung tự hào

Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao...

Xung phong ở lại trực chiến tại Đài Tiếng nói Việt Nam, số 58 phố Quán Sứ, Hà Nội – trọng điểm huỷ diệt của máy bay địch trong 12 ngày đêm cuối cùng của năm 1972, nhạc sĩ Phan Nhân, người con của đồng bằng sông Cửu Long, đã may mắn được tận mắt chứng kiến những phút giây hào hùng của lịch sử thủ đô thời chống Mỹ. Thế là, chỉ vài ngày sau đó, bản nháp đầu tiên của ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng đã được hoàn thành trong tiếng bom đạn. Không chỉ mang tính ngợi ca và thể hiện niềm tự hào dân tộc, Hà Nội niềm tin và hy vọng còn phảng phất cả những nét cổ kính của chốn Thăng Long xưa. Ca khúc được nghệ sĩ Trần Khánh thể hiện lần đầu tiên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vào những ngày đầu năm 1973.


Hà Nội đêm trở gió

Vào năm 1993, lần đầu tiên bài hát Hà Nội đêm trở gió của nhạc sĩ Trọng Đài (lời Chu Lai, Trọng Đài) được trình diễn qua giọng hát của ca sĩ Tuyết Tuyết trong một vở kịch cùng tên do Nhà hát kịch Hà Nội công diễn rại rạp Công nhân (Hà Nội). Tuy là tác phẩm viết riêng cho kịch, nhưng từ đó đến nay, Hà Nội đêm trở gió với âm điệu trữ tình sâu lắng, thắm đượm tình cảm với Thủ đô, đã vượt ra khỏi không gian sân khấu để đến với quần chúng yêu nhạc, nhất là từ khi những ca sĩ trẻ nắm tay nhau hoà chung lời ca của bài hát qua chương trình "Những giọng ca vàng ASEAN 96" được trên sóng VTV3.

Nhạc sĩ Trọng Đài sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nên anh có nhiều kỷ niệm đối với nơi này, từ những con đường thân quen đến những hàng me, hãng liễu, từ màu tươi xanh áo học trò đến màu tím sậm những buổi chiều hoàng hôn… Anh gắn bó với Hà Nội từ thuở thơ ấu và đã có thời gian dài tạm xa Hà Nội đi học sáng tác ở nhạc viện Tchaikovsky tại Nga. Chính nỗi nhớ Hà Nội trong những năm tháng du học đó đã thôi thúc anh phải viết bằng được về những kỷ niệm thời thơ ấu.

Hà Nội đêm trở gió đã được các bạn trẻ dành cho một tình cảm đặc biệt qua giọng hát của ca sĩ Mỹ Linh và trở thành một trong những ca khúc trữ tình hay nhất về Hà Nội.

Hà Nội ơi! Nhớ về mùa thu tháng mười

Áo học trò xanh những hàng me

Hà Nội ơi! Ta nhớ không quên

Hà Nội ơi! Trong trái tim ta.


Hà Nội mùa thu

Đã có hàng trăm ca khúc hay viết về Hà Nội, thế nhưng chưa có ca khúc nào như Hà Nội mùa thu viết về Hà Nội trong thời kỳ khó khăn của đất nước nhưng vẫn giữ vững niềm tin về một tương lai tươi sáng sẽ đến.

Nhạc sĩ Vũ Thanh tâm sự: “Tôi viết bài Hà Nội mùa thu vào khoảng năm 1980 - 1981. Cảm xúc trước hết là vẻ đẹp rất riêng, rất trữ tình của cảnh sắc thiên nhiên mùa thu Hà Nội. Nhưng chủ đề chính lại là nỗi suy tư về Hà Nội trong thời kỳ đất nước đang trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ. Như nhiều người từng sống những ngày náo nức của mùa thu Tháng Tám, không thể nào quên không khí hào hùng những ngày đầu cách mạng, tôi tin rằng khó khăn của đất nước rồi cũng sẽ được vượt qua và Hà Nội, trái tim của Tổ quốc sẽ mãi mãi tươi đẹp, ngát xanh như cảnh sắc mùa thu nơi đây, như con đường mùa thu Tháng Tám năm xưa…

Ngay khi ra đời, Hà Nội mùa thu được người nghe rất yêu thích do phong cách âm nhạc trữ tình, giai điệu thắm thiết, sâu lắng, gắn bó với lời ca giàu hình tượng văn học và nhất là cảm xúc của tác giả trong thời kỳ khó khăn nhất của đất nước hồi đó.

Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình

Hà Nội mùa thu, ôi sao xuyến trong lòng ta

Em bên anh, ta bước đi nghe lòng nghĩ suy gì

Hà Nội, tim ta đó

Dặm dài trong gian khó


Vẫn ngát xanh, xanh mùa thu.


Hà Nội mùa vắng những cơn mưa

Hà Nội trở mình khi cơn gió đầu mùa về, những luồng gió cứ len lỏi qua những khe cửa nhỏ, mang đến hương vị đặc trưng của một mùa đông Hà Nội, lạnh se sắt.

Hà Nội mùa này... vắng những cơn mưa.

Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh.

Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp.

Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về...

Thêm một mùa đông …không ở bên gia đình, đông Hà Nội – có lẽ nắng đã không còn nhuộm vàng vòm trời, bầu không khí xam xám xen lẫn chút ảm đạm quen thuộc, những cái so vai, những hơi thở khe khẽ phả ra như làn khói, những bàn tay lại tìm đến nhau, những cái ôm thêm gần thêm chặt...

Những hình ảnh thân thương ấy, chỉ có thể tìm thấy ở mùa đông mà không mùa nào có được. Một chút thương, một chút nhớ - Hà Nội đã trở thành kỷ niệm riêng của mỗi người khi gió Bắc về.

Hà Nội mùa này chiều không buông nắng,

phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô,

quán cóc liêu xiêu một câu thơ.

Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ.

Những ngày xa xưa ấy, ngay khi đài báo đợt gió mùa đầu tiên, bố mẹ đã tất bật sắp xếp tủ quần áo cho, lôi những bộ quần áo đông vẫn còn ngai ngái mùi sau một giấc ngủ dài trong chiếc vali cũ.

Mùa đông nào cũng vậy, dù không có nhiều quần áo mới nhưng vẫn cảm nhận được bàn tay rất tỉ mẩn của bố vuốt lại từng nếp áo, mẹ cẩn thận xem chiếc khuy nào lỏng rồi phải đơm lại, cứ lặng lẽ, yên ả, và ấm áp đến thế.

Biết bao cảm xúc bộn bề mỗi lúc mùa sang, mỗi lúc thấy gió hanh heo lạnh, khi chợt nhận ra mỗi buổi sáng thức dậy đã nhón chân se sẽ trên nền nhà bởi "lạnh quá", và với thêm chiếc áo khoác dày trước khi bước ra khỏi cửa. Và lại thấy lòng xốn xang khi mùa đông lại về, lạnh đấy, nhưng nồng nàn lắm, niềm giao cảm của đất trời, con người .


Em ơi Hà Nội phố

Cứ độ tháng 11, 12 thì trời Sài Gòn dẫu đang là nắng chói chang nhưng trong tôi cồn cào lên nỗi nhớ rét mùa đông. Còn cả ngàn nỗi nhớ cỏn con mà quay quắt như vậy…

Cái se lạnh cuối thu và gió heo may với ly cà phê đen nghi ngút khói trong quán như sớm mai. Căn phòng chật cùng những ly “quốc lủi” và những thoáng say với vẻ mặt trầm ngâm của những bạn bè nghệ sĩ nghèo. Nụ hôn lạnh mùa đông, vòng tay bồi hồi ướt giá dưới một trời mưa bụi của những ngày tháng tình yêu còn nồng ấm. Rồi nỗi nhớ về căn nhà tôi đã sống ở Hà Nội qua suốt tuổi ấu thơ mà mùa đông năm 1972 khi những cành bàng trụi lá thì căn nhà ấy, và người bạn thân thiết nhất của tôi cũng vĩnh viễn bị bom B52 dập vùi. Thay vào đó là tượng đài và những người đã chết như một vết sẹo dẫu đã phủ kín rêu xanh mà chẳng bao giờ nguôi rát bỏng mỗi lần tôi nghĩ tới.

Rồi một ngày ngẫu nhiên gặp Phan Vũ trên đường Sài Gòn. Anh đưa tôi một bài thơ thật dài “Em ơi, Hà Nội phố”. Tôi đọc lần đầu tiên mà như đã đọc từ rất lâu, như chính tôi vẫn thường nghĩ thế: “Em ơi, Hà Nội phố ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa… Ta còn em… Ta còn em… Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng… Chợt hoàng hôn về từ bao giờ”… Đọc xong bài thơ linh cảm mách bảo cho tôi đó sẽ là bài ca mà tôi yêu thích. Tôi tin vào linh cảm ấy và bài thơ dài hàng trăm câu sang bài ca chỉ còn lại vài câu.

Vẫn biết một bài ca có đáng là bao để trả cho món nợ ra đi. Nhưng, bài ca được viết ra tôi đã được giải thoát dù chỉ là phần nào và dẫu ít ỏi tôi cũng đã xây được chút gì cho kỷ niệm (một lần hành hương về dĩ vãng). Một chút gì nhỏ nhoi cho Hà Nội, nơi chứng kiến bao buồn vui của tôi trong suốt nửa cuộc đời. (Nhạc sỹ Phú Quang)


Nhớ về Hà Nội

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng sống ở Hà Nội suốt 20 năm tròn. Đối với ông đó là một quãng đời đầy ắp những kỷ niệm vui buồn khó quên gắn liền với những con người, những cảnh vật thân thương giữa lòng thủ đô yêu dấu của “một thời đạn bom, một thời hoà bình”. Ở nơi ấy, ông đã yêu và cưới một cô gái Hà Nội. Đất nước thống nhất, ông rời Hà Nội vào Nam công tác. Sau gần mười năm, năm 1984, những kỷ niệm khi còn ở thủ đô từ trong ký ức của ông bỗng trỗi dậy để rồi biến thành cảm hứng tạo nên hình tượng âm nhạc và lời ca bài hát Nhớ về Hà Nội. Thời điểm này rơi đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Thủ đô.

Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội,

Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hoà bình.

Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa hè.

Và nhớ những công viên vừa mới xây, bước chân em chưa mòn lối.

Ôi nhớ Hồ Gươm xanh thắm, nơi Tháp Rùa nghiêng soi bóng,

Thành cũ Thăng Long, hồn nước non thiêng còn lắng đâu đây dấu xưa oai hùng.

Hà Nội ơi!

Bài hát nhanh chóng bay xa khắp mọi miền đất nước. Bằng tấm lòng, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp và vốn sống tích luỹ được trong nhiều dịp chứng kiến và quan sát thực tế, Hoàng Hiệp đã sáng tác nên một ca khúc đậm đà tình cảm yêu thương thắm thiết đối với Thủ đô. Bài hát đem niềm tin yêu đến với quần chúng yêu nhạc và nhất là những ai “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Một số thành viên trong các đoàn nghệ thuật Việt Nam đi biểu diễn ở nước ngoài kể lại: “ Nhiều bà con Việt Kiều từng sống ở Hà Nội, trong đó có cả một số sĩ quan chế độ cũ, đã xúc động bật khóc khi nghe bài hát này”.

Là tác giả của một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội, năm 1994 nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã được Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng thủ đô mời ra Hà Nội dự các hoạt động văn hoá trong dịp này. Và ông lại về trong vòng tay yêu thương của thủ đô Hà Nội như những năm tháng ngày xưa với “bao khuôn mặt mến thân”, với Tháp Rùa soi bóng bên Hồ Gươm xanh thắm, thành cũ Thăng Long “dấu xưa oai hùng...”

(Còn nữa)




URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=4611

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn