Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

Những ca khúc bất hủ về Hà Nội (P.2)
09/10/2010

Những ca khúc lưu giữ cả những nét văn hóa dân tộc khi viết về Hà Nội như: Cảm xúc tháng 10, Tiến về Hà Nội, Mùa xuân làng lúa làng hoa, Gửi người em gái,... và nhiều những ca khúc khác viết về Hà Nội đã chiếm được cảm tình của mọi thế hệ và sẽ còn được yêu thích cho mãi mai sau.







Cảm xúc tháng mười

Hà Nội đâu chỉ có mùa thu với những "cây bàng lá đỏ", "góc phố thâm nâu" và "hoa sữa nồng nàn". Hà Nội còn là nơi ghi dấu một mùa thu lịch sử - mùa thu của sắc đỏ cờ hoa xưa khi đoàn quân điệp trùng tiến về giải phóng thủ đô:

“Không thể nói trời không xanh hơn

Và mắt em xanh khác ngày thường

Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy

Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường…”

Nhịp trống theo bước đoàn quân giải phóng tiến về không chỉ làm náo nức “ba mươi sáu phố phường" mà dường như còn mang về cho đất trời Hà Nội một màu “xanh hơn”, “khác ngày thường” – màu xanh áo lính hay màu xanh của một bầu trời, mặt đất mới hòa bình tự do. Cả Hà Nội hân hoan, ca hát đón chào đoàn quân giải phóng nhưng chắc hẳn mẹ là người hân hoan, vui mừng, xốn xang nhất, bởi chẳng có gì khắc khoải cho bằng nỗi lòng người mẹ già mong nhớ đứa con xa nhà chinh chiến.

Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội - mảnh đất nghìn năm hùng thiêng, trải bao can qua bão tố - nay thanh bình như chưa từng có bóng quân thù. Nhưng mỗi độ thu sang, mỗi khi tháng Mười về, những người yêu Hà Nội vẫn bồi hồi hoài niệm ngày giải phóng thủ đô năm nào với tình yêu “nghìn năm vẫn một trái tim này” chẳng khi nào thay đổi!



Tiến về Hà Nội

“Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về”

Câu hát quen thuộc trong "Tiến về Hà Nội" của cố nhạc sĩ Văn Cao vẫn đều đặn vang lên, náo nức những ngày thu Hà Nội nhiều cảm xúc này! Ít ai ngờ rằng, "Tiến về Hà Nội" được cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác từ năm 1949, bởi bài hát đã miêu tả cảnh tượng đoàn quân giải phóng tiến về thủ đô một cách quá tài tình, với tất cả tình cảm và nhiệt huyết của chính tác giả.

Bài hát được viết theo thể loại hành khúc đem lại không khí sôi nổi đầy khí thế, nghe trong câu hát có nhịp chân hành quân gấp gáp đầy kiêu hãnh, xôn xao hạnh phúc giữa cả rừng cờ hoa chào đón hân hoan.

Năm 1949, một số văn nghệ sĩ - trong đó có nhạc sỹ Văn Cao được Trung ương triệu tập để phổ biến tình hình chiến sự. Khi được nghe về chủ trương tổng phản công, ai cũng vui mừng khôn xiết, thiết tha mong sớm có ngày trở về Hà Nội.

Chính trong những giây phút ấy, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác bài hát này. Ông nói: “Tôi sáng tác Tiến về Hà Nội trong một đêm thu, bầu trời trong vắt, đầy sao, không gian tràn ngập ánh trăng và thơm ngát mùi lúa ngậm đòng” (Trích trong "Văn Cao - đời và người").

Thật kỳ lạ, bởi không gian ấy chưa phải là không gian Hà Nội chiến thắng, mừng đón Cha Già, thời gian ấy cũng còn cách xa ngày giải phóng Thủ đô sau này đến 5 năm. Ấy vậy mà tác giả vẫn thấy cảnh tượng “Chúng ta đi nghe vui, lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố”, vẫn nghe thấy “trùng trùng say trong câu hát”, vẫn tràn đầy tự hào “chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về” và bừng bừng một hi vọng mãnh liệt “cả cuộc đời tươi vui về đây”.

Trong cảnh rực rỡ cờ hoa “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” ấy, tương lai tươi sáng cho Hà Nội thân yêu đã hiển hiện trước mắt. Hà Nội sẽ được xây dựng lại, sẽ đẹp như xưa và đẹp hơn ngày xưa. Nhưng viễn cảnh đó không hề viển vông, những bông hoa đó là do chính bàn tay "súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa" vun trồng.

Bóng tối của buồn thương, chiến tranh, chia li bao năm đã tan sạch đi dưới bước chân hào hùng của những người chiến sỹ giải phóng.

"Tiến về Hà Nội" là một lời tiên đoán lịch sử thật chính xác, nhưng có lẽ có một điều quan trọng hơn: đây một tác phẩm âm nhạc xuất sắc. Một lời tiên đoán đúng đến mấy thì chỉ sau khi sự việc xảy ra nó mới được kiểm chứng, còn một tác phẩm âm nhạc thì được kiểm chứng từng giây từng phút sau khi ra đời.

"Tiến về Hà Nội" đã được yêu mến, được hát vang trên những con đường Hà Nội trong ngày giải phóng 10/10, trong những năm tháng "mịt mù bão lửa" cho đến "một thời hòa bình". "Tiến về Hà Nội" vẫn tràn sức sống cho tới tận ngày nay, bởi nó mang lại cho người nghe một cảm giác lạc quan tin tưởng và hạnh phúc khó tả.



Gửi người em gái

Vẫn biết rằng mỗi ca khúc đều là những tâm tình được gửi gắm trong từng dòng nhạc, chỉ với ý nghĩa đó thôi mỗi ca khúc đã thực sự như một bức tâm thư của tác giả gửi cho nhân thế. Vậy mà trong gần một thế kỷ của tân nhạc Việt Nam có những bức tình thư bằng tiết tấu và giai điệu đã trở nên bất tử, đã khiến biết bao nhiêu con tim của những người yêu nhau đi qua thế gian này, chia sẻ phần nào nhịp đập của trái tim người nghệ sĩ khi yêu.

Gửi người em gái của Đoàn Chuẩn – Từ Linh được hoàn thành năm 1956. Trong một đêm tân xuân giữa cơn mưa cánh hồng đào phai nỗi nhớ không chỉ còn là nỗi nhớ mà đã được nhân lên vạn bội trong ánh nhìn đau đáu, trong mối xót thương, trong một điều gì gần như là một niềm tuyệt vọng cách chia khôn cùng.

Vào mùa xuân năm 1956 ấy, vết thương chia cách đất nước chưa trở thành một nỗi đau phân lìa bởi vẫn còn nhiều hy vọng trong một cuộc trùng phùng. Những người yêu nhau vẫn chỉ coi sông bến Hải như một giới tuyến tạm thời chứ chẳng ai dám ngờ nó là nỗi đau chia lìa 2 miền đất nước trong suốt 20 năm. Xuân vẫn trở về với đời sống, với lòng người. Hồ Gươm vẫn lung linh, Ngọc Sơn vẫn uy nghi, chuông vẫn reo ngân trong giờ khắc giao thừa, chỉ có lòng người: “Nhìn xác pháo bên thềm chạnh lòng tôi nhớ tới người em”.

Trong 1 ca khúc – một bức tình thư như gửi người em gái, người nghe chạm được vào một lát cắt của lịch sử bởi lịch sử đã phủ bóng trên tâm hồn cá nhân của người nghệ sĩ. Và khi ấy những nỗi niềm riêng tư đã tìm được chia sẻ trong tâm hồn của những người đồng điệu cùng chung một thế hệ. Không chỉ có thế lớp khán giả hậu sinh có mường tượng được chăng một ngày Tết xa xưa qua những dòng nhạc, những lời ca?.

Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng

Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng

Hà Nội chờ đón tết, hoa chen người đi, liễu rũ mà chi

Đêm tân xuân, hồ Gươm như say mê

Chuông reo ngân, Ngọc Sơn sao uy nghi

Đường phố vắng bóng đèn

Chạnh lòng tôi nhớ tới người em.

Một ca khúc có tuổi đời dài lâu như vậy, đi qua biết bao nhiêu biến thiên của đời sống, biết bao nhiêu thăng trầm của lòng người hẳn đã được nhiều thế hệ của ca sĩ tiếp nối trình bầy, mỗi người một vẻ. Nghe bài hát thấy thênh thang một trời Hà Nội, thấy xao xuyến mến yêu Hồ Gươm, Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc – những hình bóng thân thương mà những người Hà Nội đi xa đều mang trong tâm khảm. (…)



Có phải em mùa thu Hà Nội

Vậy là lại thêm một lần trời đất bắc nhịp nối vào thu. Lại câu hỏi ngày nào của người nhạc sĩ vẫn trở trăn trong từng lời ta hát:

Tháng tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ?

Từ độ người đi thương nhớ âm thầm

Có phải em là mùa thu Hà Nội

Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm

Có phải em mùa thu xưa

Một buổi sớm tinh sương vào ngày đầu tháng Tám, trên những con phố đổ dài sắc nắng mật ong, lòng người chợt ngập ngừng cảm nhận bước chân xa của mùa gần tới, bước chân nhẹ nhàng nhuốm lại màu cho từng chiếc lá đang xoay tròn trong ngọn gió giao mùa…

Tháng Tám, mang chín rộ của một ngày mùa Hạ đấy, nhưng lại vương vấn chút gì non tơ lắm của một mùa Thu kia. Cái thời khắc giao mùa dìu dịu không đủ để cho mùa Thu chín vàng trên màu của lá, trên hương của loài hoa sữa, trên vị ngọt ngào của gánh cốm xanh – Nhưng càng không đủ để sáng bừng như một ngày mùa Hạ, chỉ dám gom hương sen đượm nồng để ngan ngát một buổi chiều lộng gió hồ Tây…

Nhắc đến hoa, tháng Tám là khoảng giao thoa mà loài hoa cúc mùa Thu được đón mừng bởi những bông sen cuối Hạ, để sáng nay ta băn khoăn lắm không biết chọn cho mình một bó cúc tinh khôi hay những búp sen đầy sức sống? Ừ thì thôi là sen đi nhé… bởi sen theo mùa Hạ sắp qua rồi…



Mùa xuân làng lúa làng hoa

Lúc đó, tôi có một người bạn gái và muốn viết ca khúc để tặng nàng về mùa xuân Hà Nội. Rất nhiều lần chúng tôi chở nhau trên chiếc xe đạp qua những con đường ven Hồ Tây và trong tôi nảy ra đề tài về những làng hoa ven hồ nhưng nhiều lần đặt bút xuống mà vẫn không thành. Bẵng đi một thời gian, cho tới một buổi chiều đầu mùa xuân năm 1982, đạp xe đi thăm một người bạn ở gần Hồ Tây tôi mới phát hiện ra rằng Hồ Tây không chỉ có hoa mà phía bên kia, tức vùng Xuân La, Xuân Đỉnh còn có rất nhiều lúa. Lập tức câu hát: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người. Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng, sóng lóng lánh mặt hồ cho hoa em ngào ngạt, hương hoa bay dào dạt, làng hoa em gọi mùa...” được bật ra giữa mênh mông trời nước Hồ Tây.

Cảm xúc của buổi chiều đầu năm ngay giữa thiên nhiên đó đã giúp tôi hoàn thành đoạn chính của bài hát trước. Đến khi về nhà tôi mới gia công phần đầu và phần kết của bài hát. Tôi đã thử bằng nhiều cách khác nhau để bắt đầu bài hát, cuối cùng thấy hợp lý khi lấy âm hưởng của một điệu hò để thể hiện sự lấp lánh của mặt gương Hồ Tây, sự dào dạt êm ả của sóng nước, sóng lúa. Một sự giao duyên tình tự rất mộc mạc nhưng lại vô cùng đằm thắm của những đôi trai gái mà tôi nghĩ rằng chỉ có những nơi lành mạnh lâu đời, trù phú mà thanh lịch ven Hồ Tây của Hà Nội mới có. Rồi đến đoạn kết của bài hát, vừa là cao trào của âm nhạc, vừa là một tình cảm như đột ngột bừng dậy của tình yêu đôi lứa. Đến đây thì Hồ Tây chỉ còn lại như một cái cớ, một điểm tựa để nhường chỗ cho tình ca, cho tình yêu và hạnh phúc của con người.

Khi bài hát được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, có một vài người góp ý về câu này câu khác nhưng tôi thấy thế là ổn nên không sửa chữa. Để bài hát của tôi đến ngay được với khán giả vào mùa xuân năm Nhâm Tuất (1982) như vậy còn phải cám ơn công lao của các nhạc sĩ Hoàng Tạo, Thế Song, ca sĩ Thanh Hoa và tập thể Ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau nghệ sĩ Thanh Hoa, Trung Anh cũng là một ca sĩ biểu diễn Mùa xuân làng lúa làng hoa mà tôi thấy thích. (Nhạc Sĩ Ngọc Khuê)


(Còn nữa)








URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=4625

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn