Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

Hà Nội và những mặt gương soi bóng
16/11/2010

Sau những cơn mưa hạ biến Hà Nội thành “Hà Lội”, vào những ngày đầu thu này, Hà Nội lại ngổn ngang những công trường xây dựng hệ thống thoát nước. Đêm đêm trông những người thợ thi công vất vả lật tung những lòng đường để luồn vào đó những ống cống bằng bê tông lớn, người ta có cảm giác như họ đang tìm kiếm một cái gì đó của xa xưa ẩn giấu trong lòng đất Hà Nội. Nếu là những nhà khảo cổ học chắc họ sẽ nhận ra dưới lòng đất ấy vô vàn dấu tích của thành quách, đền đài, cung điện, nhà cửa, chùa chiền. Và chất chứa trong hình bóng xưa ấy chính là những nơi từng là tấm gương soi bóng một Thăng Long - Hà Nội ngàn năm. Đó là lòng của những con sông cổ, lòng hào quanh thành Hà Nội và những lòng hồ nước mênh mông. Điều đó giúp ta hình dung được một Hà Nội xưa, cũng chừng hơn một thế kỷ về trước thôi, từng là một đô thị trên mặt nước.



Không chỉ là dấu tích của sông Hồng

Bạn hãy nhìn vào tấm bản đồ mang ghi chú niên đại “đầu thế kỷ 19”, đang được trưng bày tại Pháp (cuộc trưng bày này sắp tới sẽ được chuyển về Hà Nội) là đủ hình dung: bên cạnh một con sông Cái hùng vĩ kẹp sát phía Đông Hà Nội là một con sông Tô Lịch mềm mại nối nước Hồ Tây thông với lòng các con hào vòng bao quanh thành cổ rồi theo dòng đổ ra sông Hồng ở đoạn giữa Ô Quan Chưởng và Hàng Bạc, xưa là bến tàu của Hãng Bạch Thái Bưởi, nay là cầu Chương Dương, kế đó là Chợ Gạo. GS. Trần Quốc Vượng ưa dùng hình tam giác với ba cạnh là sông Hồng, sông Thiên Phù và sông Kim Ngưu bao quanh, lại được cắt ngang bởi sông Tô Lịch để khuôn định diện mạo đặc thù của Hà Nội.

Không chỉ có sông, mặt nước Hà Nội còn gồm vô vàn những mặt hồ lớn nhỏ mà những nhà địa chất cho rằng đó cũng là dấu vết lưu lại của những con sông đã chuyển dòng. Dấu tích lớn nhất chính là Hồ Tây (gồm cả hồ Trúc Bạch), trải qua biết bao sự lấn chiếm nay vẫn còn được ngót 430 ha mặt hồ (số liệu năm 1997). Con mắt của nhà địa chất cho thấy đó là dấu tích của con sông Hồng khi đổi dòng để lại và được định hình khi ông cha ta đã đắp một con đê cách biệt. Nhưng dưới con mắt của các nhà văn hóa, nhất là các nghệ sĩ thì hồ Tây là cả một kho những giai thoại, truyền thuyết xa xưa luôn gợi những cảm hứng lãng mạn cho hôm nay. Hồ Tây từng có tên Lãng Bạc thời đầu Công nguyên, nơi “nữ nhi chống với anh hùng” như mô tả về khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống Mã Viên; nơi Cao Biền chịu đây là “đất phượng hoàng ẩm thủy”; nơi nuôi dưỡng truyền thuyết Trâu Vàng. Trước cái tên quen thuộc cho đến nay - hồ Tây, để định vị với kinh doanh thời Lê thì hồ còn có tên gọi là Dâm Đàm…



Dấu ấn của lòng sông Hồng không chỉ có hồ Tây mà ở hầu khắp trong kinh thành. Chỉ tính từ hồ Tây dịch xuống phía Nam bên tả ngạn sông Hồng, không tính đến những vũng, thùng bên ngoài đê lúc đầy lúc cạn theo con nước, ta thấy trên bản đồ Hà Nội cuối thế kỷ 19 còn biết bao nhiêu hồ lớn nhỏ. Điều đó cho thấy ngay giữa lòng 36 phố phường, mà nay ta tạm gọi là phố cổ, thì trừ những trục đường chính nơi tụ cư thành phố xá hay chợ thì phần lớn vẫn là hồ và những nơi chưa có phố. Phố xá hình bàn cờ ngang dọc trên bản đồ hiện tại chỉ có từ những năm đầu thế kỷ 20 khi nhu cầu đô thị hóa và quy hoạch của thực dân Pháp được triển khai. Trừ những trục đường nối với các cửa ô còn có nhà cửa, còn lại các con đường đều đi ngang qua những mặt hồ. Ngay phía sau mặt phố Hàng Đào là cả một cái hồ lớn (bản đồ của Pháp cũng chú là “lac de Hang Dao”); gần đó, về mạn phía sau Hàng Ngang có cái hồ có tên rất gợi cảm là Sao Sa mà có người ngỡ rằng dưới đáy hồ có thể là di vật của một thiên thạch. Còn hồ Hoàn Kiếm nổi tiếng với truyền thuyết Lê Lợi trả gươm cho Rùa thần, khi xưa còn kéo dài xuống tít mãi phố Hàng Bài mà con đường Hàng Khay - Tràng Tiền ngày nay chia đôi thành hai hồ Tả Hữu Vọng. Kể từ hồ Tây đến hồ Gươm, người ta có thể kể tên đến 9 cái hồ nay đã không còn dấu tích cùng với lòng sông. Tô Lịch đến nay chỉ còn lưu lại một vài địa danh gợi nhớ như Cống Chéo (Hàng Lược), Hàng Buồm hay cây đa, mái đình Thanh Hà từng soi bóng bên Cầu Đông…


Bức thông điệp từ sâu thẳm

Trong cuộc hội thảo tổ chức ở Pháp ngày 13-9-2001 với chủ đề “Hà Nội, vòng quay của những biến dạng” (Hanoi, le cycle des metamorphoses), có một học Pháp đã dành bài tham luận để khảo về mặt nước hồ ở Hà Nội. Christian Pédelahore de Loddis từng bảo vệ một luận án về kiến trúc Hà Nội trong sự so sánh xưa và nay, cho rằng: trừ hồ Tây, trong vòng 100 năm qua, 90% diện tích mặt hồ của Hà Nội đã bị lấn chiếm làm nhà và làm đường. 10% mặt hồ còn lại trong khu vực nội thành may mắn được bảo tồn, ngăn chặn sự lấn chiếm một thời “vô tội vạ” trong cơn khát đất đai và tiền bạc, khi những nhà quản lý và số đông dân cư nhận ra những hậu quả nhãn tiền: ô nhiễm môi trường và úng lục. Theo thống kê thì ngoài hồ Tây (410 ha) và Trúc Bạch (16,3 ha) còn các hồ: Bảy Mẫu (19,4 ha), Đống Đa (14 ha), Hoàn Kiếm (11 ha), Thanh Nhàn (7,7 ha), Quảng Bá (6,8 ha), Giảng Võ (6 ha), Thành Công (5,6 ha), Thủ Lệ (5,5 ha), Xã Đàn (4,3 ha), Nghĩa Đô (4,1 ha), Thiền Quang (3,8 ha), Ngọc Khánh (3,6 ha), Ba Mẫu (3,4 ha), Linh Quang (3,4 ha), Kim Liên (1,9 ha), Ba Gian (1,6 ha), Văn Chương (1,5 ha), Bách Thảo (1,4 ha), Ngọc Hà (1,3 ha), Hai Bà (0,8 ha), Giám (0,6 ha) và Hữu Tiệp (0,2 ha), trong đó một nửa đã và đang xây kè.

Bảo vệ những gì còn lại của mặt hồ Hà Nội đang là một mối quan tâm của các nhà lãnh đạo và cư dân Hà Nội, cũng là một cuộc đấu tranh không đơn giản. Những gì diễn ra quanh hồ Tây rộng lớn cũng như quanh hồ Giám rất nhỏ là những bài học. Cuộc đấu tranh bảo vệ mặt nước hồ ở Hà Nội phải trả bằng cả trí tuệ và tình yêu.



Anh bạn kiến trúc sư người Pháp nêu trên đã đưa ra một nhận xét tinh tế về vị thế của các hồ nước đang trở lại trong tâm tưởng của người Hà Nội hiện đại: “Những mặt hồ xưa từng được ca ngợi và tôn sùng, được coi là nơi ngự trị các thần linh, của cái đẹp với những huyền thoại dựng nước, thì ngày hôm qua còn bị san lấp, làm ô nhiễm, sục bùn và bị quên lãng, vậy mà vẫn luôn tồn tại hiện diện và ngày nay đang được “phát hiện lại”, xứng đáng thu hút sự quan tâm của chúng ta”. Ca ngợi chức năng của hồ, tác giả còn khái quát: “Hồ là nơi tiếp xúc với thiên nhiên, là nơi bảo lưu ký ức, là không gian sản xuất, là không gian xã hội, là không gian hoạt động trí tuệ và vui chơi, là yếu tố kéo dài của đô thị, là cấu trúc đô thị theo chiều ngang, là nơi đánh dấu nền văn minh”… Tác giả đã kết luận bài tham luận của mình bằng những lời thống thiết: “Hồ của Hà Nội vẫn không ngừng cất lên tiếng nói cho những ai chịu lắng nghe bức thông điệp từ sâu thẳm: chúng tôi là cấu trúc vật chất của thành phố này, chúng tôi là cơ thể âm bản của của thành phố, chúng tôi là cánh cửa để đi tới những biểu tượng, chúng tôi là tấm gương phản chiếu tinh thần của Hà Nội mà mọi người đều cảm nhận, mà mãi mãi người ta vẫn còn phải tìm hiểu để định hình và mô tả nó”.

Hẳn những người thợ đang làm việc nặng nhọc để lật tung những lòng đường, luồn vào đó những ống cống thoát nước cho Hà Nội, sẽ nghe thấy tiếng âm vang của những mặt nước xưa nơi soi bóng dáng hình của một kinh đô văn hiến ngàn năm phát triển… Hà Nội sẽ không còn là hình bóng của thành phố ngàn năm trước nếu không còn những mặt nước hồ để soi bóng.


Dương Trung Quốc



URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=4854

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn