Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

100 Khám phá vĩ đại nhất: khám phá số 64
05/02/2011

64. Sự trôi dạt của các đại dương

- Thời gian phát hiện: năm 1915.
- Nội dung phát hiện: các lục địa trên trái đất luôn luôn dịch chuyển theo thời gian.
- Người phát hiện: Alfred Wegener.


Tại sao phát hiện ra sự trôi dạt của các lục địa lại có tên trong 100 phát hiện khoa học vĩ đại nhất?


Trước khi Wegener phát hiện ra sự trôi dạt của các lục địa thì các nhà khoa học đều có suy nghĩ trái đất là một vật thể tĩnh, trước đây và kể cả sau này nó cũng không thể chuyển dịch, thay đổi. Alfrd Wegener đã thấy được các đại lục trên bề mặt trái đất luôn luôn biến động. Phát hiện này của ông đã thúc đẩy việc xây dựng học thuyết hiện đại về đĩa địa chất, làm cho con người có tầm nhìn chính xác hơn về cách thức hoạt động vỏ trái đất, tâm trái đất, lõi trái đất và mối quan hệ tương tác lẫn nhau giữa chúng. Phát hiện này cũng là phát hiện đầu tiên giúp loài người hiểu được lịch sử vận động của trái đất.


Phát hiện của Wegener còn lý giải được những bí ẩn của nhiều lĩnh vực khác, đồng thời đã cho ra đời một vấn đề mới mà cho đến nay vẫn còn là chủ đề tranh luận của nhiều nhà khoa học. Ngày nay, phát hiện này đã trở thành nền tảng tri thức giúp con người trong lĩnh vực nghiên cứu trái đất.


Học thuyết sự chuyển dịch của các đại lục được xây dựng như thế nào?


Alfred Wegener sinh năm 1880 tại Berlin nước Đức. Ông thuộc tuýp người ưa hoạt động hơn tư duy. Trong khi còn ngồi ở ghế trường đại học, ông đã chuyển từ chuyên ngành thiên văn học sang chuyên ngành khí tượng học, vì ông nghĩ rằng nếu học thiên văn học thì sẽ không có cơ hội tiến hành các thí nghiệm về vật lý. Sau khi tốt nghiệp, Alfred Wegener gia nhập đội quân chuyên thám hiểm về khí tượng học của Iceland và Greenland (từ năm 1906 đến năm 1908).


Năm 1910, trong một chuyến khảo sát, Wegener phát hiện thấy đường bờ biển giữa Nam Phi và châu Mỹ có sự trùng khớp lạ lùng. Tuy ông không phải là người đầu tiên phát hiện ra sự kỳ lạ này nhưng lại là người đầu tiên ý thức được tầm quan trọng của nó.


Năm 1911, trên bản đồ mới nhất có hình ảnh chi tiết của thềm lục địa Đại Tây Dương (thềm lục địa nông và trái dài theo biển), Wegener nhận thấy thềm lục địa Nam Mỹ và châu Phi lại càng trùng khớp, chúng vừa vặn giống như các mảnh ghép trong trò chơi ghép hình.


Ông nghĩ rằng sự trùng lặp kỳ diệu này không phải do ngẫu nhiên và chắc chắn hai lục địa này trước đây là một, mặc dù chúng bị tách ra xa hàng ngàn dặm đường biển. Quan điểm này của ông được coi là quan điểm cấp tiến lúc bấy giờ, bởi hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng vị trí của các lục địa trên trái đất không bao giờ thay đổi.


Cũng vào năm ấy, Wegener tình cờ đọc được một bản luận văn nghiên cứu về hóa thạch, kết quả của nghiên cứu cho thấy đã phát hiện được các hóa thạch giống nhau ở bờ biển Nam Mỹ và châu Phi. Rất nhiều người đã giả thiết rằng tồn tại một chiếc cầu (lục địa) nối hai châu lục nên các loại động thực vật ở đó sẽ hỗn tạp với nhau và theo thời gian chiếc cầu ấy đã bị chìm xuống đáy biển.


Wegener hoàn toàn không tin vào giả thiết này, ông nghĩ nếu có chiếc cầu ấy thì phải lưu lại vết tích ở dưới đáy biển và phải tạo nên sự bất thường về lực hút nhưng trên thực tế lại không tồn tại bất cứ một vết tích hay sự bất thường nào cả. Năm 1912, ông quyết định thu thập chứng cứ từ các lĩnh vực khác nhau để chứng minh các lục địa đã từng liên kết thành một khối.


Ông đã tận dụng kết quả điều tra thực tế của Edvard Suess và phát hiện thấy rất nhiều loại đá đối diện với nhau trên bờ biển hoàn toàn giống nhau.


Wegener cũng đã đọc hàng trăm các nghiên cứu địa chất khác để chứng minh cấu tạo đá, loại đá và các tầng đá ở hai bờ biển này (Nam Mỹ và châu Phi) là như nhau. Ông còn tiến hành đi đối chứng hai bờ biển ở Nam Đại Tây Dương và đã thấy chúng có cùng loại đá (có liên quan đến kim cương).


Đồng thời, Wegener cũng đi thu thập các tài liệu ghi chép về các loại động thực vật ở hai bờ Đại Tây Dương từ trước cho tới nay, sau đó kết quả cho thấy các loại động thực vật này đều giống nhau.


Wegener đã đối chiếu các chứng cứ và đi tới kết luận: Nam Mỹ và châu Phi trước đây là một lục địa, có thể một phần trong chúng bị trôi dạt ra. Ông đã mở rộng học thuyết này ra tất cả các lục địa khác (ví dụ: Bắc Mỹ và châu Âu trước đây từng là một) và cuối cùng ông đưa ra kết luận chung: Từ rất lâu các lục địa trên trái đất đều là một. Ông đặt tên cho lục địa này là pagngaea (theo tiếng Hy Lạp nó có nghĩa là “toàn bộ đất đai”).


Năm 1915, Wegener công bố lý luận và phát hiện của mình, ban đầu các nhà khoa học trên thế giới đều tỏ ra nghi ngờ. Tuy nhiên họ hết sức bất ngờ bởi những số liệu phong phú mà ông đưa ra. Wegener đã phát hiện ra sự trôi dạt của các đại lục nhưng ông đã không tiếp tục phát triển thêm lý luận của mình bởi ông không thể giải thích được hiện tượng các đại lục này trôi như thế nào (sức mạnh nào đã đẩy chúng qua đáy biển dày đặc hơn cả lục địa như vậy). Bốn mươi năm sau đó, Harvey Hess phát hiện ra sự tách giãn của đáy biển và đã hoàn thành được lỗ hổng trong học thuyết của Wegener.



URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=5082

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn