Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

Trùng tu Ô Quan Chưởng: Không thể làm giả để... quen mắt
17/03/2011

Phải xác định thật đầy đủ đặc điểm và tình trạng rồi mới can thiệp vào di tích, chứ khi đã xóa dấu vết đi rồi thì mọi lập luận là vô nghĩa.

LTS: 10/2010, Dự án trùng tu Ô Quan Chưởng đã gặp những ý kiến rất đa chiều trong xã hội. Đơn vị đảm nhiệm việc trùng tu là Viện Bảo tồn di tích, trước đó đã được giải thưởng quốc tế với công trình trùng tu di tích Đình Chu Quyến (Chu Minh, Sơn Tây, Hà Nội). Dù sau khi công trình hoàn thành, được nghiệm thu và đánh giá thành công, nhưng vẫn có nhiều dư luận xì xào, bài bác.


Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, để hiểu thêm về việc trùng tu công trình này.

Mới chỉ làm được những cái chính yếu nhất của di tích

- Năm 2010, Viện Bảo tồn di tích đã rất thành công khi công trình trùng tu Đình Chu Quyến được giải thưởng uy tín của quốc tế, nhưng ngay sau đó việc trùng tu Ô Quan Chưởng lại rất "lùm xùm". Nhớ lại thời điểm mới bắt tay vào trùng tu Ô Quan Chưởng, ông đã có ý băn khoăn, không muốn nhận làm công trình này. Liệu có sự liên quan nào không? Ông có tiếc là đã nhận trùng tu công trình này, khiến năm 2010 không trọn vẹn không?

- Việc trước khi nhận lời tôi không muốn làm lắm với việc sau này có dư luận không đồng tình với công trình là 2 việc hoàn toàn độc lập nhau. Nghĩa là không phải vì Viện miễn cưỡng làm mà chất lượng công trình không tốt.

Vì nhà báo đã biết quan điểm của tôi trước khi nhận lời trùng tu Ô Quan Chưởng, nên tôi sẽ giải thích lại cho rõ. Chúng tôi không muốn làm vì với số tiền không nhiều và thời gian quá ngắn, trong khi với di tích quan trọng như thế, đã xuống cấp như thế thì phải giải quyết các vấn đề một cách tổng thể hơn và triệt để hơn. Nói một cách nôm na, lẽ ra khi động vào di tích phải làm 10 phần, thì chúng tôi mới chỉ làm được 3, 4 phần thôi.

Nếu có điều kiện, lẽ ra phải xử lý gia cố được nền móng, vì dù hiện nay chưa đến mức nguy kịch, kể cả 5 - 10 năm tới có thể cũng chưa ảnh hưởng nhiều lắm, nhưng về lâu dài chắc chắn phải xử lý lại nền móng. Rồi còn nhiều vấn đề như cống thoát nước đường phố chạy dưới chân công trình, dây điện chạy qua phía trên, nhà dân áp sát, rồi hàng ngày, hàng giờ ô tô chạy ngay bên cạnh... tất cả phải được xử lý. Tôi cũng băn khoăn vì công trình vừa trùng tu thế này, chắc chắn mấy năm tới sẽ không được đụng tới, chi bằng làm cho thật tổng thể.

Nhưng khi thành phố quyết định cần tiến hành trùng tu công trình với số tiền tài trợ của Đại sứ quán Mỹ thì chúng tôi là cơ quan chuyên ngành không thể từ chối trách nhiệm.

Đợt trùng tu này, vì thế, chỉ giải quyết được một số vấn đề cấp bách, chính yếu nhất của di tích: Cấu trúc thể xây bên trên bị hư hỏng rất nặng, rệu rạo, nghiêng, phồng rộp... phải xử lý và tạo sự ổn định trở lại cho công trình, loại bỏ các tác nhân xấu để không gây hư hỏng tiếp nữa ở trên. Khi đã làm thì chúng tôi phải làm rất bài bản. Dù chỉ đủ thời gian và kinh phí để làm phần công trình nổi trên mặt đất, không thể xử lý gia cố nền móng được. Nhưng vẫn theo hướng để sau này có thể trùng tu tiếp mà không ảnh hưởng nhiều, tuy công trình vẫn chưa thể hết nguy cơ bị ảnh hưởng ở phần móng.

- Viện chỉ tập trung vào những yếu tố... nhìn thấy được của công trình, nhưng đó lại là phần khiến dư luận quan tâm nhiều. Ông phản biện thế nào với luồng ý kiến khá mạnh mẽ rằng các ông đã "khoác áo mới" cho công trình đang mang dáng vẻ cổ kính?

- Công việc quan trọng nhất là chúng tôi xử lý hoàn toàn những tác nhân hàng ngày gây hại, như rêu mốc, như nước ngấm vào trong tường do ở trên không tổ chức thoát nước, do những vết nứt vỡ nên nước xuống đục phá tường hàng ngày. Rồi toàn bộ hệ thống bề mặt gạch bị rêu phong, long lở... Ngoài ra là một số công việc phụ như phục hồi lại 2 cánh cửa... Trong quá trình làm, chúng tôi cũng đã loại bỏ những sai lệch của lần trùng tu trước, như thay những viên gạch chịu lửa của lần trước bằng gạch vồ.

Từ góc độ nghề nghiệp của tôi, câu chuyện dư luận có những ý kiến khác nhau đối với công trình này, bộc lộ nhận thức xã hội nói chung về việc trùng tu di tích. Các ý kiến của cộng đồng nói chung, của những người có chút chuyên môn liên quan, đến những người thực sự trong ngành, còn nhiều điểm chưa gặp nhau. Công trình trùng tu Ô Quan Chưởng chỉ ngẫu nhiên là điểm bộc lộ sự khác biệt đã xảy ra ở nhiều nơi rồi, chứ không phải chỉ riêng với câu chuyện cụ thể này.

Có thể thấy rõ, những người nhìn công trình bằng cảm quan phản đối nhiều hơn, vì với họ, cái rêu phong mà họ đã quen mắt bị thay đổi.

Còn đối với một số những người thận trọng hơn, thì sau câu chuyện xảy ra với Ô Quan Chưởng, họ đã đặt ra câu hỏi- vậy chuẩn mục trùng tu ở đâu?

Tôi sẽ không giải thích dài dòng về những trường phái trùng tu khác nhau đã và đang tồn tại trên thế giới, mà chỉ nói ngắn gọn rằng, dù vẫn tồn tại những trường phái khác nhau nhưng càng ngày các hoạt động trùng tu càng đến lúc tiệm cận nhau, đi đến thống nhất với nhau về nhận thức, quan điểm cơ bản để bảo vệ di sản một cách hữu hiệu và phát triển khoa học trùng tu. Điều đó thể hiện ở các văn bản quốc tế, các hiến chương, công ước, chẳng hạn như văn kiện Nara về tính nguyên gốc hay Công ước về việc bảo vệ di sản văn hoá và tự nhiên của thế giới v.v...

Nhưng thống nhất chỉ là về mặt nguyên tắc, chứ không bao giờ có được những quy định cụ thể có thể áp dụng cho mọi di tích vốn rất đa dạng về loại hình và rất khác nhau về đặc điểm và tình trạng tồn tại. Chính vì thế nên trùng tu đòi hỏi sự hiểu biết, nhận thức và kỹ năng của người thực hiện, nói ngắn gọn là đòi hỏi tính chuyên nghiệp của người trùng tu.

Không thể làm giả để người ta... quen mắt

- Các anh đã đoạt giải thưởng quốc tế với việc trùng tu di tích Đình Chu Quyến. Không lẽ các nguyên tắc trùng tu đó không được áp dụng cho Ô Quan Chưởng?

- Với Ô Quan Chưởng, có những ý kiến cho rằng việc trùng tu đã làm mất đi vẻ cổ kính, rêu phong của nó. Tôi không bình luận về nhận xét đó mà sẽ nói việc trùng tu đã được làm như thế nào và vì sao lại làm như thế.

Thứ nhất, để trùng tu thì việc đầu tiên là phải loại bỏ các tác nhân gây hại cho di tích. Lớp rêu phủ bên ngoài gây hại di tích thì phải loại bỏ, những chỗ vữa trát bị mủn mục, không còn khả năng bảo vệ các khối xây bên trong thì phải trát lại. Những người nhận định nhìn nó cứng hơn, mặc áo mới là cảm giác, nhưng hãy nghĩ lại trước khi bị rêu hủy hoại, bị vỡ một số chỗ thì công trình đã sạch và toàn vẹn như thế chứ? Chỉ vì không giữ nó sạch nên người ta quen mắt với cái "bẩn". Bỏ cái hỏng, cái gây hại đi, trở lại cái ban đầu nhưng người ta đã không còn quen nữa.

Trở lại nguyên lý chung của trùng tu, không được làm mất đi những đặc điểm, tính chất vốn có của di tích, thì chúng tôi không thay đổi một đường nét nào cả. Màu sắc của phần có trát vữa cũng được làm đúng như nó vốn có trước đây. Cái thay đổi so với trước khi làm chỉ là loại bỏ cái không phải của nó.

Nhà báo có ý so sánh với công trình trùng tu Đình Chu Quyến. Hội đồng chấm giải đã xem xét dự án từ góc độ: Họ xem quan điểm của anh có đúng không? Những đặc điểm cơ bản của di tích có được bảo tồn không? Những tác động của anh có làm suy xuyển di tích nhiều hơn cái đáng chỉ bị ảnh hưởng không?

Dự án Đình Chu Quyến được giải quốc tế vì những chuẩn mực đó, và cách làm đó được áp dụng đầy đủ vào Ô Quan Chưởng. Những dấu tích gốc được tôn trọng toàn bộ, những viên gạch vồ được nghiên cứu kỹ để giữ đúng hình ảnh đặc trưng của di tích. Màu vữa đó cũng là màu cũ còn tại chỗ của công trình, sau khi cạo đi hết rêu phong thì đó là màu phổ biến nhất mà chúng tôi vẫn giữ lại để đối chứng, có cơ sở để tạo lớp màu ánh nâu và ghi sáng như bạn thấy.

Còn nếu chỉ nhìn Ô Quan Chưởng theo hình ảnh rêu phong thì có làm màu gì cũng sẽ không thể đúng được. Có mấy người bạn họa sĩ đã bảo tôi sao không tạo những mảng màu giống rêu mốc, nhưng điều đó trái ngược nguyên tắc trùng tu, không thể làm giả để người ta quen mắt.

- Phải chăng vì cảm nhận đã quen với màu rêu phong, khiến người thường rất khó phân biệt giữa yếu tố cũ và yếu tố cổ, giá trị? Dù là cũ nhưng đã thành quen thuộc thì cũng như cổ, nên dư luận khó quen với hình ảnh mới của công trình? Có người còn nói rằng Ô Quan Chưởng chưa cần phải trùng tu?

- Nhìn ngoài thì vậy thôi, nhưng thực tế kết quả khảo sát cho thấy là cấu trúc thể xây đó không còn đủ độ ổn định. Nước ngấm rất sâu vào lớp đất bên trong, có những mặt tường phồng ra so với gốc đến 30cm. Những cái đó thì phải bắt tay vào làm mới biết, còn nhìn qua thì không thấy được sự nguy hiểm của nó. Trên thế giới có những công trình cổ "tự nhiên" sập, trước vài ngày nhìn vẫn bình thường. Trước khi bắt tay làm, chúng tôi đã khảo sát rất kỹ, như tôi đã nói từ đầu là làm như thế này vẫn là chưa triệt để.

Trùng tu di tích là sự can thiệp, đã can thiệp thì phải chấp nhận sự mất mát nhất định, chấp nhận có yếu tố thay thế, vấn đề là phải cố gắng thay đổi ở mức độ ít nhất, bảo tồn và tôn giá trị được nhiều nhất. Hình ảnh dễ liên tưởng nhất thì người trùng tu giống như bác sĩ, đã mổ thì phải có vết khâu, thậm chí có những lúc cần cứu người phải chấp nhận cắt bỏ một phần cơ thể. Nhiều khi nhìn vào không quen mắt, thậm chí không được như mong muốn nhưng phải làm để giữ di tích.

Lớp vữa cũ đã mục, ẩm thấp, rêu phong mọc sẽ phá vỡ, nên buộc phải thay thế. Phải can thiệp như thế để di tích trường tồn, còn nếu không thay gì cả, cứ để rêu phong đó cho có "màu thời gian" thì rất dễ.

- Công trình của ông bị xếp chung với những công trình trùng tu xã hội lên án, ông nghĩ thế nào?

- Cảm nhận trực quan rất dễ lầm cách làm của chúng tôi với những nơi làm cẩu thả, tùy tiện. Nhưng lẽ ra trước khi lên án những người làm công tác trùng tu, các bạn phải gặp họ để hiểu rõ cách tiếp cận của họ, quan điểm của họ, vì sao họ làm như thế. Có thể thấy rõ, những người thận trọng hơn, gặp người làm thì họ nhận thức đúng thôi.

Trước những dư luận mạnh mẽ đó, chúng tôi vẫn vững tâm vì mình làm có cơ sở khoa học, rất cẩn trọng, có thiện tâm.

Phải chi tiết đến từng viên gạch

- Thử phân tích một chút về việc trùng tu cổng Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang. Liệu có thể cũng lập luận như với Ô Quan Chưởng để tạo ra một "lò gạch" (cách gọi nôm na cho công trình sau khi trùng tu xong) không?

- Để phân tích, tôi sẽ trở lại đúng nguyên lý ban đầu, phải loại trừ tác nhân gây hại cho di tích. Vì thế, ý kiến của tôi là phải bỏ cây đi, vì cây mọc trên lớp tường đó sẽ phá hủy và làm đổ tường. Nhưng bỏ thế nào để không trở thành cái lò gạch mới là câu chuyện?

Phải trở lại mục đích của trùng tu là loại trừ tác nhân gây hại, nhưng giữ lại nhiều nhất đặc điểm vốn có và những giá trị tạo ra từ đặc điểm đó. Đặc điểm của di tích là phép cộng của những hình hài vật lý (rộng, cao...) và rất nhiều những yếu tố khác liên quan đến nó.

Là người trùng tu, mình sẽ chấp nhận mất mát đến đâu những cái đã tồn tại rồi. Với cổng thành ở Tuyên Quang, tôi chưa thể nói giải pháp cụ thể vì không có điều kiện nghiên cứu công trình từ đầu, nhưng theo tôi cách ứng xử sau khi bỏ cây có rất nhiều chừng mực khác nhau. Người làm phải cân nhắc chọn giải pháp giữ được nhiều nhất cái đã được xem là giá trị lịch sử, văn hóa của công trình.

Một ví dụ: Các tháp Chăm ở Mỹ Sơn phần lớn đổ vỡ nhiều, và theo quan điểm trùng tu có cơ sở khoa học, được các chuyên gia quốc tế giúp ta thực hiện với sự giám sát của UNESCO, họ không đặt vấn đề phục hồi hay xây lại nhiều. Không tạo thành công trình toàn vẹn, nhưng phải có những phần xây đủ để gia cố công trình không bị đổ sau khi đã loại bỏ tác nhân gây hại. Nói có đưa gạch mới vào không là rất chung chung, bởi phải tùy trường hợp cụ thể, có chỗ đưa vào, có chỗ không, có chỗ nhiều, có chỗ ít.

Mục đích là phải tạo ra hình ảnh tốt nhất, chân thực nhất cho di tích, thể hiện được đặc điểm cơ bản, những dấu tích lịch sử vốn có của di tích. Phải cân nhắc đến từng viên gạch, trùng tu cổng vòm của Thành Tuyên có thể có chỗ xây liền, có chỗ để trống... Phải là người làm trực tiếp, phải cân nhắc cụ thể mới xử lý được. Ở Mỹ Sơn, hồ sơ, bản vẽ của chúng tôi chi tiết đến từng viên gạch.

- Vậy với một công trình cụ thể, đâu là cách tốt nhất để thẩm định là công trình đó trùng tu có đúng không? Xem lại lập luận của các bên liên quan với mỗi công trình bị phê phán, cách họ lập luận giống nhau, đều theo kiểu những yếu tố bị bỏ đi không có giá trị, sẽ xây lại theo đúng kiến trúc truyền thống... nhưng có công trình đúng, có công trình sai?

- Đây là một câu hỏi rất hay. Quan trọng nhất là trước khi can thiệp vào di tích, phải làm hồ sơ xác định đầy đủ nhất những đặc điểm quan trọng, những giá trị vốn có, mà vì thế người ta đã xếp hạng và phải bảo tồn di tích đó. Phải xác định thật đầy đủ đặc điểm và tình trạng rồi mới can thiệp vào di tích, chứ khi đã xóa dấu vết đi rồi thì mọi lập luận là vô nghĩa.

Nói rộng hơn, lẽ ra việc xác định này phải làm rõ khi xếp hạng di tích, bởi ta có hàng ngàn di tích cấp quốc gia, nhưng giá trị rất khác nhau. Chẳng hạn, cổng chùa Trấn Quốc có thuộc thành phần cần giữ không?

Từ trước đến giờ ta chưa có điều kiện, thì bây giờ khi lập dự án trùng tu di tích nào là phải đầu tư cho công đoạn này, đưa ra bàn thảo kỹ xem đâu là giá trị quan trọng cần phải bảo tồn. Khâu này lẽ ra phải là quan trọng nhất khi thẩm định dự án, chứ không phải là việc sẽ làm lại theo kiến trúc truyền thống nào?

Một trong những thành công của Đình Chu Quyến được quốc tế đánh giá cao là hồ sơ khoa học, đánh giá hiện trạng làm rất kỹ, thậm chí có những loại nấm gì đang phá hủy di tích, tình trạng của từng cấu kiện gỗ hỏng ra sao, bao nhiêu cột rỗng... nên khi can thiệp rất dễ nhận ra sự đúng đắn của giải pháp được chọn.

Còn nếu ta cứ làm theo quy trình hiện tại một cách chung chung, thì đã có và còn có những công trình được làm đầy đủ, đúng theo quy trình hiện nay nhưng di tích vẫn bị mất mát nhiều. Thậm chí họ còn bám theo những quy định không sai về mặt nguyên tắc đó để trùng tu di tích theo ý muốn hoặc vì một mục đích nào đó, nhưng giá trị lịch sử, văn hóa của di tích thì bị hủy hoại.

- Xin cảm ơn ông



URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=5181

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn