Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: Nên tập trung vào nền móng thiết yếu
30/06/2011

Theo các giáo sư hàng đầu của VN trong lĩnh vực giáo dục (GD), muốn đổi mới chương trình - sách giáo khoa, trước hết phải xác định rõ ràng “hình hài”, cơ cấu nền GD.


12 năm lãng phí

GS Nguyễn Minh Thuyết - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, đặt vấn đề: “Có một điều làm tôi rất băn khoăn là Bộ GD-ĐT chuẩn bị trình Đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông trong khi cơ cấu của GD phổ thông chưa hề được bàn đến. Phần lớn bây giờ các nước châu Âu tổ chức GD tiểu học 6 năm. Cần nghiên cứu vì sao họ làm như vậy và đưa ra giải pháp của ta”.

Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Hoàng Tụy nhận định: “Hệ thống tổ chức GD phổ thông theo chương trình 12 năm như hiện nay và như dự thảo đề án là không thích hợp”. Ông lý giải: “Ta quan niệm GD phổ thông nhằm cung cấp học vấn cho mọi công dân, trước khi có nghề. Điều đó không sai nhưng quá “sang trọng” đối với một đất nước như VN. Hiện ngay cả các nước phát triển nhất cũng chỉ đặt mục tiêu GD phổ thông cung cấp học vấn cần thiết cho mọi công dân là 8-9 năm, cùng lắm là 10 năm”. Ở VN hiện nay, sau THCS (9 năm) thì mọi học sinh (HS) đều muốn dồn vào THPT, bất đắc dĩ mới vào học nghề. Ngoài ra, “nút cổ chai” vào ĐH gây một tâm lý căng thẳng trong xã hội. Chính vì vậy mới có chuyện cắm đầu cắm cổ vào dạy thêm, học thêm, tiêu cực chạy bằng, chạy điểm...”.

Hàng chục năm nay, kỳ thi tuyển sinh ĐH vô cùng căng thẳng nhưng cuối cùng chỉ có nhiều lắm 40% HS vào được ĐH, CĐ. Số còn lại sau 12 năm học ra đời nhưng không có nghề, chỉ làm lao động giản đơn. GS Nguyễn Minh Thuyết thì cho rằng: “Lẽ ra phải khuyến khích mở trường nghề với điều kiện thật tốt, thì lại đi khuyến khích mở trường THPT mà chất lượng không đảm bảo để đón số HS không trúng được vào trường công”.

Những nhận định trên của các GS cũng phù hợp với thống kê kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ liên tục 8 năm gần đây của Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT): “Mỗi năm đều có hàng trăm ngàn thí sinh đi thi nhưng không đạt nổi... 1 điểm/môn”. Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng cục này cho rằng: “Kết quả đó phản ánh một thực tế là hằng năm có hàng trăm ngàn HS đã “ngồi nhầm chỗ” ở bậc THPT. Đáng lẽ những HS đó cần phải đi theo một con đường khác ngay sau khi tốt nghiệp THCS”.

Phân luồng sau 9 năm

GS Hoàng Tụy đưa ra giải pháp: “Hằng năm chỉ nên có một tỷ lệ nhỏ (1/5) HS vào THPT, còn lại là vào TH nghề. Cả 2 loại hình này đều học trong thời gian 3 năm. Mỗi loại hình trường, HS đều có quyền được học một trình độ học vấn cao hơn THCS, đủ để có thể làm nghề hay học tiếp CĐ, ĐH”. GS Hoàng Tụy nhấn mạnh: “Đó là cách làm hợp lý nhất, nếu không thì không bao giờ có thể giảm tải. Làm như thế mới là cách làm GD theo năng lực của người học. Sau 12 năm đèn sách, HS nếu ra đời thì đã có nghề, còn nếu vào ĐH thì cửa không còn bị hẹp nữa. Nghĩa là không HS nào bị “rớt” sau 12 năm”.

Cũng đồng quan điểm này, PGS Văn Như Cương đề xuất: “Nên thiết kế hệ thống GD sao cho sau khi tốt nghiệp THCS, có khoảng 30% HS chuyển sang học nghề. Sau khi tốt nghiệp THPT, có khoảng 30-40% HS vào các trường CĐ dạy nghề. Có những quy định hợp lý để những ai đủ điều kiện mới được dự thi vào ĐH”. Theo GS Thuyết, việc thực hiện phân luồng luôn bị phá vỡ do mở trường không có quy hoạch. Một mặt muốn phân luồng HS sau THCS, muốn HS không có khả năng học cao hơn nữa học nghề trở thành thợ nhưng mặt khác ngành GD-ĐT lại mở ra rất nhiều trường THPT tư thục.

Cần xóa bỏ phân ban

GS Hoàng Tụy cho rằng: “Phân ban như hiện nay không thể tồn tại được nữa. Cách làm này ở các nước phát triển họ chỉ thực hiện từ thế kỷ 20 trở về trước mà thôi”. Còn GS Nguyễn Minh Thuyết thì khẳng định: “Phân ban ở trên thế giới gắn với phân luồng và nhu cầu xã hội, còn phân ban của ta thì lại gắn với khối thi ĐH”.

Từ năm 1993 đến nay, chương trình phân ban bậc THPT liên tục thí điểm, thay đổi, thất bại, rồi lại thí điểm cái mới.

Vì thế, GS Hoàng Tụy đề xuất: “Trường THPT trong tương lai không chia ban, mọi HS đều được học một chương trình chuẩn (tối thiểu) và có một hay nhiều chương trình nâng cao mà HS được lựa chọn theo năng lực và sở thích”. Ông phân tích: “Điều này có 2 lợi ích: thứ nhất, không quá tải; thứ hai, HS có khả năng về một hướng nào thì đến lớp 12 đã có một vốn kiến thức khá sâu. Nhờ đó chất lượng đầu vào của ĐH được tăng cường. Hơn nữa, chương trình nâng cao cho phép có thể “lấn” vào chương trình ĐH. HS giỏi sẽ được phép bảo lưu kết quả của chương trình nâng cao và lên ĐH thì được rút ngắn thời gian học tập”. GS Nguyễn Xuân Hãn - ĐH Quốc gia Hà Nội, khẳng định: “GD phổ thông phải là GD toàn diện vì vậy cần xóa bỏ phân ban và xây dựng một chương trình GD chuẩn, có chất lượng phù hợp với VN và quốc tế”.

Liên tục thất bại

- Năm 1950, phân ban đã bị hủy bỏ theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để khẳng định một nền GD toàn diện.

- Năm 1993, phân ban THPT được khôi phục và thí điểm gồm: ban A (tự nhiên), ban C (xã hội) và ban B (kỹ thuật).

- Năm 1998, phân ban đã bị xóa khi Luật GD được thông qua.

- Năm 2002, được khôi phục và lại thí điểm. Lần này chỉ có 2 ban A và C. Tuy nhiên, sự phân ban này lại gặp sự cố do thực tiễn trái với dự kiến của Bộ GD-ĐT: dự kiến ban A có 60% HS, còn ban C: 40%, nhưng thực tế ban A 90%, ban C khoảng 10%.

- Năm 2003, Quốc hội đồng ý để Chính phủ dừng triển khai chương trình - sách giáo khoa ở THPT thêm 2 năm để nghiên cứu.

- Đầu năm 2005, 2 ban A và C ở lớp 10 được kiến nghị điều chỉnh thành 4 ban theo khối thi ĐH: A (toán, lý, hóa); B (toán, hóa, sinh), C (văn, sử, địa) và D (toán, văn, ngoại ngữ) ở lớp 12.

- Năm 2006, phân ban chuyển thành 3 ban mới, gồm Ban Khoa học tự nhiên, Ban Khoa học xã hội - nhân văn và Ban Cơ sở (học theo chương trình "chuẩn"). Thế nhưng năm học 2006 -2007, thực tế đã có tới 5 ban.

Tuệ Nguyễn - Vũ Thơ



URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=5406

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn