Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

Phát “sốt” vì 70 nghìn tỷ đồng!
11/07/2011

(PL&XH) - Tôi đã tự hỏi rằng: Sách giáo khoa của họ chẳng lẽ phải thay đổi từng ngày cho hợp tính thời sự, bởi ngoài dạy những kiến thức kinh điển, họ còn dạy học sinh của mình những cái vừa mới xảy ra, thậm chí chỉ là mới xảy ra vài giờ.


70 nghìn tỷ đồng có thể làm được những việc gì?

Bằng tính toán sơ sơ, người ta đã tính được nếu có 70 nghìn tỷ đồng, thì có thể xây được khoảng 140.000 căn hộ cho người thu nhập thấp, hoặc có thể đủ xây 2.000 ngôi trường mới khang trang hiện đại. Chia đều 70 nghìn tỷ đồng cho mỗi tỉnh thì trung bình mỗi địa phương sẽ có hơn 30 trường mới với trang thiết bị đáng mơ ước. Và tất nhiên, số tiền ấy có thể dùng để tăng lương cho giáo viên (mỗi người thêm 1 triệu đồng một tháng) trong vòng 6 hay 7 năm tới. Nếu có 70 nghìn tỷ đồng, có thể làm được nhiều việc hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở mấy việc trên.

Nhưng mà, cái đáng nói là, dư luận đang "suốt ruột" khi mới đây, đề án "Đổi mới chương trình, sách giáo khoa Phổ thông sau năm 2015" bỗng không hiểu vì sao bị "rò rỉ" thông tin với con số thực hiện đề án là 70 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể là thế này, đề án ""Đổi mới chương trình, sách giáo khoa Phổ thông sau năm 2015" của Bộ Giáo dục và Đào tạo dù chưa được "công khai" nhưng cũng gây xôn xao dư luận với các "bước đi của tiền" như thế này: Giai đoạn I (2011 - 2013) dự kiến là 622 tỷ đồng, giai đoạn II ( 2014 - 2016) là 32.644 tỷ đồng; giai đoạn III (2017 - 2019) là 36.346 tỷ đồng và giai đoạn IV là 370 tỷ đồng. Tất cả các giai đoạn này đều nhằm mục đích "nhãn tiền" là đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông.

Vậy hãy xem, bộ sách mới nhất chúng ta đổi là năm nào? Tôi nhớ rằng, những học trò sinh năm 1991 khi bước vào lớp 1 đã chính thức dùng sách giáo khoa mới. Tức là sách giáo khoa mới cải cách được chính thức sử dụng năm 1997.

Và cái cần bàn là, bộ sách mới nhất của chúng ta hiện nay đang gặp những vấn đề gì? Việc này, tôi nhớ là chưa có hội thảo khoa học hay đề án nào chỉ ra đầy đủ và cụ thể những điều còn chưa được của sách. Tất nhiên, từ những ý kiến của các giáo sư tâm huyết trong ngành Giáo dục, chúng ta biết được rằng: Sách giáo khoa đang quá tải, đang nặng lý thuyết, thiếu thực hành… nhưng để sửa những điều này, có cần đến con số 70 nghìn tỷ? Trong khi số tiền có con số 7 và đứng sau nó là 13 con số 0 đó đủ để mua sách giáo khoa và phát không cho tất cả học sinh phổ thông trong vòng 35 năm tới?

Và hãy xem, vấn đề thực sự của cải cách giáo dục, hiện đại hóa giáo dục nằm ở đâu? Ở những trang sách hay ở con người? Giáo dục có hiện đại được không nếu những thầy cô giáo - người trực tiếp sử dụng những cuốn sách ấy dạy cho học trò - lương còn không đủ sống, tết không có tiền thưởng và cuộc sống ở nhiều vùng sâu, vùng xa của các thầy cô còn nhiều khó khăn. Năm nào, cứ đến tết là những người trong nghề "dạy người" lại buồn nỗi buồn muôn thuở rằng: Ngành Giáo dục đứng thấp nhất trong các ngành về con số thưởng tết, thậm chí là không có.

Cải cách sách giáo khoa có tính đến những chênh lệch giữa nông thôn, thành thị, giữa vùng xa xôi hẻo lánh và trình độ tiếp nhận của học sinh trước một bộ sách giáo khoa được kết tinh hiện đại với 70 nghìn tỷ đồng hay không? Khi chính các em còn phải lo cơm từng bữa, trường học trong lán trại giữa mùa giá rét hay mưa gió chỉ sợ sập?

Tôi xem một bộ phim truyền hình của trẻ em phương Tây. Thầy giáo dạy Thiên Văn Học của họ bước vào lớp và viết lên bảng câu hỏi: "Hôm qua, ngành Thiên văn nước ta có hiện tượng gì đã được công bố trên ti vi". Học sinh trả lời rằng: Người ta tìm thấy dấu hiệu của nước trên sao Hỏa. Và bài học bắt đầu bằng những câu chuyện của hành tinh sao Hỏa trong Hệ Mặt trời với những tin tức mới nhất trên thời sự.

Tôi đã tự hỏi rằng: Sách giáo khoa của họ chẳng lẽ phải thay đổi từng ngày cho hợp tính thời sự, bởi ngoài dạy những kiến thức kinh điển, họ còn dạy học sinh của mình những cái vừa mới xảy ra, thậm chí chỉ là mới xảy ra vài giờ. Có phải họ cũng phải thay sách giáo khoa thường xuyên như chúng ta không nhỉ? Hay là tư duy của chính người học và người dạy luôn luôn phải mới?

Đầu tư thay sách hay đầu tư cho con người để phương pháp làm việc và tư duy trong giáo dục của họ luôn mới, đâu là cái cần hơn. Các nhà giáo dục có chuyên môn và có tâm chắc phải rõ câu trả lời hơn tôi.

Phan Thủy



URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=5428

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn