Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

10 tỉ USD và giấc mơ đại học đẳng cấp ở Việt Nam
01/08/2011

Một buổi đi làm sớm, vừa nhấm nháp cốc cà phê vừa đọc tin tức từ e-mail thì thấy một lá thư "quảng cáo" từ một đồng nghiệp cũ ở Imperial College London báo tin về tuyển dụng của King Abdullah University of Science and Technology (Saudi Arabi - SA).


Tôi lập tức lục lại các tin cũ, tìm hiểu trường này, té ra cũng là một trường rất và rất mới, được chính phủ SA đầu tư tới 10 tỉ USD để xây dựng thành một trường nghiên cứu đẳng cấp quốc tế.

Không biết rồi sẽ ra sao và bao giờ sẽ đạt được giấc mơ đó, nhưng xem cách thức mà họ thực hiện thì bất kỳ ai cũng có thể tin rằng việc vươn tầm quốc tế là hoàn toàn có thể.

Mạnh tay 10 tỉ USD

KAUST này mang tên một vị vua ở SA, được chính phủ SA đầu tư tới 10 tỉ USD (con số mà chắc nhiều người sốc hoặc há hốc mồm vì ham muốn) để quyết đua tranh với phương tây về giáo dục đại học.

Tất nhiên, tiền là yếu tố quan trọng hàng đầu trong bất kỳ dự án nào nhưng thế thôi vẫn chưa đủ.

Ta sẽ cũng bàn thêm về các chiến lược của họ để so sánh với ta. KAUST chính thức mở cửa tuyển sinh từ ngày 05/09/2009 và hiện giờ, họ mới chỉ có chưa đầy 800 sinh viên.

Trên thực tế, KAUST đã bắt tay công cuộc tuyển dụng và xây dựng nền tảng từ năm 2006, và hiện nay việc tuyển dụng cán bộ (giảng viên, nghiên cứu viên) vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ để tạo ra đội ngũ cứng của trường.

Còn nhớ năm 2006, khi mới bước chân sang Vương quốc Anh, tôi đã được chứng kiến những nhà xây dựng trường đi các trường đại học lớn ở Anh quốc chào mời, quảng cáo để kêu gọi các nhà nghiên cứu lớn đến làm việc hoặc cộng tác.

KAUST mời hẳn các chuyên gia của Imperial College London (trường trong top 5 thế giới của Anh) làm tư vấn tuyển dụng và hoạch định chiến lược nghiên cứu.

KAUST không tuyển dụng cán bộ một cách ồ ạt để lấy quân số và biến chế mặc dù họ đang rất cần cán bộ. Trái lại, KAUST tuyển dụng đúng theo các quy trình ở các nước phát triển: tuyển dụng công khai (quảng cáo tin tức trong các cộng đồng nghiên cứu, các chuyên gia hoặc các mạng về việc làm), tuyển dụng hồ sơ cạnh tranh và đều yêu cầu các ứng viên là những người làm nghiên cứu với thành tích nghiên cứu tốt, ứng viên được chọn thông qua xét hồ sơ theo năng lực nghiên cứu của ứng viên thể hiện qua các công trình nghiên cứu.

Các vị trí tuyển dụng phổ biến là giáo sư, giảng viên, nghiên cứu viên (bao gồm nghiên cứu viên cơ hữu và hợp đồng sau tiến sĩ - postdoc).

Việc tuyển sinh chỉ được bắt đầu sau khi đã hình thành đội ngũ cán bộ, hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, hay nói đơn giản là: có trường rồi mới có sinh viên.

Đây là cách mà hầu hết các trường đại học lớn trên thế giới đều trải qua. Và đến nay, KAUST đã mời được tới 3.000 các nhà nghiên cứu (kể cả những người đã từng đại giải Nobel) tham gia: giảng bài, tư vấn khoa học và làm cán bộ cơ hữu.

Hãy lấy một ví dụ về PTN Vật liệu Nano chức năng (Functional Nanomaterials Group - http://nanomaterials.kaust.edu.sa/Pages/home.aspx): bao gồm một giáo sư được bổ nhiệm, có 3 nghiên cứu viên sau tiến sĩ (postdoc) và 5 sinh viên sau đại học, cộng với một hệ thiết bị thí nghiệm rất mạnh.

Người đứng đầu nhóm là Husam Alshareef là người đã nhiều năm được đào tạo và làm việc ở Mỹ, từng tốt nghiệp và làm việc ở các trường danh tiếng ở Texas, North Carolina... và có một lý lịch khoa học "rất đẹp mắt" với trên 145 công trình nghiên cứu dạng bài báo, hơn 45 bằng phát minh sáng chế và chỉ số trích dẫn trung bình 23.

Bên cạnh đó, những nghiên cứu viên trong nhóm này cũng là những nhà nghiên cứu "chuẩn hóa" giống như các trường đại học ở phương Tây.

Trong vòng 3 năm ở KAUST, họ đã có hơn 30 bài báo đăng trên các tạp chí có phản biện (tham khảo thông tin http://www.kaust.edu.sa/).

Việc xây dựng cơ sở vật chất của KAUST thì lại càng không chê vào đâu được.

KAUST được xây dựng campus rộng tới 36 km2 (có lẽ là rộng nhất thế giới) và cho đến khi bắt đầu mở trường tuyển sinh năm 2009, họ đã có đầy đủ cơ sở vật chất gồm các bulding, phòng thí nghiệm... mà ở đó có khá nhiều PTN có mức độ hiện đại mà ngay cả nhiều nơi ở EU cũng phải phát ghen: phòng thí nghiệm về supercomputer, nanofabrication (for materials science, electronic engineering..), biotechnology, marine, spectroscopy analysis.

Các chiến dịch "đẳng cấp quốc tế hóa" ở Việt Nam

Để thực hiện giấc mơ "đẳng cấp quốc tế", Chính phủ đã không tiếc tiền đầu tư nhiều trăm triệu USD để mở các trường mới hoặc nâng cấp các trường đại học cũ (thực chất là tiền vay nước ngoài hoặc từ thuế của dân).

Đối với các trường đại học mới, chưa thấy trường đâu, chỉ thấy quảng cáo rầm rộ các "chương trình học đẳng cấp quốc tế" và tên các lãnh đạo trường (bao gồm một số giáo sư quốc tế được mời có tên và một số nhà khoa học ở VN) và lôi kéo và tuyển sinh sinh viên vào học ngay từ khi trường còn chưa được xây dựng và chưa có đủ giảng viên.

Việc làm như thế hoàn toàn ngược đời và giống như dân ta vẫn nói "sinh con rồi mới sinh cha".

Một trường hoàn toàn không có nền tảng nghiên cứu, không có đủ nhân lực làm sao có thể trở thành đẳng cấp quốc tế? Có một tư duy hết sức lỗi thời và cực kỳ cục bộ rằng: những sinh viên đầu tiên được đào tạo sẽ trở thành hạt nhân cán bộ sau này.

Cán bộ cơ hữu hoàn toàn có thể tuyển dụng từ các nguồn nhân lực chất lượng cao (từ trong nước hoặc nước ngoài) mà không cần chờ đến sinh viên từ trường tạo ra.

Việc cố giữ sinh viên của trường tạo ra sẽ tạo ra lối suy nghĩ cục bộ, con hát mẹ khen hay và đóng kín môi trường khoa học cũng như đào tạo, đồng thời những sinh viên đó không có động lực phấn đấu.

Ở các trường đại học cũ, việc nghiên cứu khoa học ngày càng bị mất đi vì cán bộ phải lo chiến đấu với cơn bão giá cả, giảng viên chạy đua với dạy hoặc làm các công việc ngoài trường.

Giảng viên được tuyển dụng hoàn toàn không xuất phát từ công việc, mà xuất phát từ những biên chế trống, đồng thời giảng viên tuyển dụng không hề đòi hỏi về năng lực nghiên cứu như tiêu chuẩn quốc tế mà chủ yếu chỉ theo yêu cầu bằng cấp và biên chế. Không có con người quốc tế, làm sao có thể có nhà trường quốc tế được?

Và cách mà nhiều trường tiếp cận là "nhập khẩu các chương trình học từ nước ngoài" như một hình thức "du học tại chỗ". Lương của giảng viên bao nhiêu năm vẫn theo hệ thống thang bậc cào bằng kiểu hành chính mà không quy định theo vị trí.

Có Phù Đổng Thiên Vương giữa thế kỷ 21?

Nói đi nói lại, bài viết của tôi thế nào cũng bị nhiều người phê rằng: vẫn là chê bai, hãy chỉ ra cần làm gì đi?

Vâng, vậy ta nên làm gì trong các chiến lược này?

Một việc quan trọng khác là cải tiến giáo dục phổ thông theo hướng giảm thi cử, thực tế và đào tạo con người của tư duy và tri thức.

Tôi nghĩ việc ta cố gắng chạy theo những danh hiệu hão như đẳng cấp quốc tế theo cách thức hiện nay là rất ít tính khả thi và khả năng tiêu phí tiền thuế của nhân dân là rất cao.

Có nên chăng, nên từng bước nâng cấp các trường, dần dần theo chuẩn mực quốc tế: chuẩn hóa cán bộ đại học (thẳng tay loại bỏ các cán bộ giảng viên yếu kém không đúng chuẩn), trường nào không đạt chuẩn có thể đóng cửa hoặc tạm ngừng tuyển sinh cho đến khi đạt yêu cầu về nhân lực chất lượng, tuyển dụng cán bộ theo vị trí, việc làm (không theo mô hình biên chế đã lỗi thời), quản lý và đào tạo theo các quy chuẩn quốc tế, đặc biệt đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học theo đúng tiêu chuẩn quốc tế (công bố khoa học là một trong những tiêu chuẩn quan trọng), cán bộ giảng viên chỉ tập trung vào 2 nhiệm vụ: nghiên cứu và giảng dạy, cải tiến chương trình cho thiết thực và đơn giản. Chất lượng của các trường sẽ được dần dần cải thiện.

Không bao giờ có chuyện Phù Đổng Thiên Vương giữa thế kỷ 21, một cái vươn vai lớn thành khổng lồ.

Đồng thời một việc quan trọng khác là cải tiến giáo dục phổ thông theo hướng giảm thi cử, thực tế và đào tạo con người của tư duy và tri thức.

Và quan trọng hơn, những nhà hoạch định chính sách là những người có TÂM và TẦM!

Đức Thế (Viết từ Nhật Bản)



URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=5493

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn