Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

Đặc sắc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam
17/09/2011

"Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh).


Bác Hồ đọc tấm bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi”

tại chùa Côn Sơn tỉnh Hải Dương, ngày 15-02-1965

Ảnh: TL

Thực đúng như vậy, nghiên cứu quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc ta, có thể có đầy đủ cơ sở để đi tới một nhận định có tính khái quát: Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại. Ở đây, bản chất Việt Nam được bộc lộ rõ ràng, đầy đủ, tập trung nhất hơn bất cứ ở lĩnh vực nào. Yêu nước đã trở thành một triết lý xã hội và nhân sinh của người Việt Nam, là đạo lý của dân tộc Việt Nam, một truyền thông sâu bền, cao đẹp, không còn dừng lại ở trình độ một nhận thức, một tình cảm, mà đã trở thành một chủ nghĩa, một lực lượng tinh thần vô cùng mạnh mẽ, có tác dụng to lớn trong việc động viên, cổ vũ mọi người dân sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ quốc khi có nguy cơ xâm lược từ ngoài tới, hay kiên trì góp hết tinh thần và sức lực vào sự nghiệp dựng nước.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam tuyệt nhiên không phải là một cái gì trừu tượng, mà là một sản phẩm đích thực của chính lịch sử Việt Nam, nó bắt nguồn từ những điều kiện cụ thể của Việt Nam, về hoàn cảnh địa lý, về khí hậu, về đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội, về lịch sử. Cũng cần phải thấy yêu nước là một tình cảm và tư tưởng phổ biến mà dân tộc nào cũng có. Duy chỉ khác nhau là ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc thì tư tưởng và tình cảm yêu nước bị hình thành và phát triển trong những điều kiện không giống nhau, sớm muộn, đậm nhạt khác nhau mà thôi.

Liên hệ với nước Việt Nam chúng ta, về hoàn cảnh địa lý, nước ta ở vào một vị trí vô cùng quan trọng trên báo đảo Đông Dương, vào nơi tiếp xúc, ngã tư đường của vùng Đông Nam Á cả về tự nhiên và văn hóa, ở góc cực đông nam của đại lục châu Á, mặt nhìn ra biển Đông nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Là bao lơn của Thái Bình Dương, trên một chiều dài 3.300km, Việt Nam tuy được nối liền với lục địa bằng một mạng lưới đường giao thông thủy bộ thuận lợi, từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, nhưng cũng tạo thành những hành lang thuận lợi cho việc thực hiện tham vọng bành trướng của các thế lực đen tối từ ngoài tới.

Về mặt khí hậu, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nóng ẩm, nhiệt đới gió mùa, phù hợp với nghề trồng lúa nước, nhưng thường xuyên phải chống chọi hàng năm với lũ lụt, bão tố, hạn hán... Cũng là một vùng đất thống nhất trong đa dạng trên rừng, dưới biển, nằm sâu dưới đất đều chứa đựng nhiều tài nguyên phong phú và quý giá (ngọc trai, ngà voi, sừng tê, khoáng sản...) nên từ rất sớm đã phải đương đầu với các kẻ thù đầy tham vọng từ các nơi tới.

Rõ ràng trong bối cảnh đó, nhân dân Việt Nam từ rất sớm đã phải đứng trong vị thế vừa dựng nước vừa giữ nước. Lịch sử Việt Nam bắt đầu bằng một sự kiện có ý nghĩa vô cùng trọng đại là sự ra đời rất sớm của Nhà nước Văn Lang trên cơ sở hợp nhất tự nguyện của người Việt cổ (Lạc Việt và Âu Việt): "Vua Hùng đã có công dựng nước”, và nước Việt ngay từ lúc mới ra đời đã là một quốc gia có cương vực ổn định với một nền văn hóa rực rỡ, với sản phẩm trống đồng. Có thể khẳng định rằng sự xuất hiện sớm của Nhà nước Văn Lang đã tạo điều kiện rất cơ bản cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hình thành sớm.

Nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam là nước Âu Lạc (thống nhất giữa Tây Âu và Lạc Việt) với người thủ lĩnh kiệt hiệt là Thục Phán để chống lại sự xâm lược của nhà Tần từ phương Bắc tràn xuống, với sự kiện này đã nói rõ một đặc điểm của lịch sử Việt Nam: bắt đầu dựng nước cũng là bắt đầu giữ nước! Tư thế chung của dân tộc ta trong lịch sử là phải luôn luôn vừa lao động xây dựng đất nước , vừa chiến đấu bảo vệ đất nước dựng nước đi đôi với giữ nước là một đặc điểm bao trùm, một quy luật cơ bản của lịch sử Việt Nam.

Đến cuối thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, vào cuối thời Văn Lang (và các vua Hùng) sang đầu thời Âu Lạc (và vua Thục) dân tộc Việt Nam đã đi vào chính sử. Và công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã được thực hiện quyết liệt và có kết quả. Vào cuối đời vua Hùng (thế kỷ 3 trước Công nguyên) đế chế Tần (Tần Thủy Hoàng) với âm mưu bành trướng xuống phía Nam đã cử 50 vạn quân xuống phía Nam để bình Bách Việt. Nhưng chúng đã vấp phải sức kháng cự quyết liệt của người Việt (cư dân Văn Lang – Âu Lạc) do Thục Phán đứng đầu đánh bại sau một cuộc kháng chiến kéo dài đến 6-7 năm trong những điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đủ bề (từ 214 trước CN – 209 trước CN). Thục Phán là một thủ lĩnh người Âu Lạc đã cùng các thủ lĩnh người Văn Lang và quân dân Việt tổ chức cuộc chiến đấu, bãi chiến trường là miền rừng núi Việt Bắc và miền trung du miền Đông Bắc ngày nay. Cuối cùng nhà Tần đã phải ra lệnh bãi binh, rút hết quân ra khỏi phạm vi đất nước người Việt, cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ đầu tiên của tổ tiên ta đã giành được toàn thắng. Nước Âu Lạc là cao điểm cuối cùng của kỷ nguyên bắt đầu dựng nước và giữ nước. Sau chiến thắng oanh liệt đó, (đặc biệt là qua việc đoàn kết chiến đấu), tinh thần cố kết dân tộc trong nội bộ cộng đồng người Việt càng được củng cố và tăng cường.

Sau chiến thắng quân Tần (khoảng 208 trước CN) nhân uy tín sẵn có Thục Phán đã xưng là An Dương Vương đổi quốc hiệu là Âu Lạc, phản ánh sự hợp nhất chặt chẽ hơn giữa hai thành phần Việt tộc (Âu và Lạc) trong một chỉnh thể quốc gia, một kết cấu chính trị – xã hội cao hơn. Âu Lạc là một thể thống nhất Việt tộc có ý nghĩa là vừa thống nhất Dân tộc, vừa thống nhất Quốc gia) cao hơn Văn Lang. Thục Phán (An Dương Vương) quyết định dời đô từ Việt Trì (Phú Thọ) về ngã ba sông Đuống – sông Hồng là vùng đất Cổ Loa (huyện Đông Anh) xây thành, đánh dấu sự phát đạt của nền kinh tế vùng đồng bằng (cả về mật độ dân số, về trình độ nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Sự thành lập nước Âu Lạc là bước phát triển kế tục nước Văn Lang với hai thành tựu nổi bật về kỹ thuật quốc phòng (đắp thành Cổ Loa và cải tiến nỏ và tên nỏ)đáp ứng một nhu cầu bức xức chống ngoại xâm từ phía Bắc tới. Thời đại Văn Lang và Âu Lạc là thời đại văn minh Sông Hồng, thời đại các Vua Hùng và Vua Thục, một thời đại vô cùng quan trọng của lịch sử Việt Nam. Đó là thời kỳ hình thành dân tộc với nền tảng là một đời sống kinh tế chung cho toàn quốc, là thời kỳ hình thành Nhà nước đầu tiên. Đó cũng là thời đại hình thành một nền văn hóa dân tộc với một bản sắc độc đáo phi Hoa, phi Ấn với một phong cách Đông Sơn rất đặc trưng, rất điển hình và có ảnh hưởng lớn đến toàn vùng Đông Nam Á. Cộng đồng dân tộc Việt xây dựng từ đó một lối sống riêng, có một bản lĩnh vững vàng, và trên nền tảng đó đã xây dựng được một xã hội, một lối sống Việt Nam, một truyền thống Việt Nam. Đó cũng là thời kỳ hình thành ý thức dân tộc được tổng hợp từ những tình cảm gia đình, họ hàng, quan hệ đồng bào, tình làng nghĩa nước... để trở thành một lòng yêu nước Việt Nam bất khả chiến bại, một ý thức về quyền sở hữu chung của dân tộc, về địa bàn đất đai, đất nước, lãnh thổ để trên nền tảng đó ý thức hệ của công cuộc giữ nước bắt đầu. Đó là kỷ nguyên bắt đầu dựng nước của dân tộc Việt Nam, mở đầu truyền thống dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc, từ đó được nâng lên trình độ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Nhưng vào năm 183 trước CN, Triệu Đà lợi dụng tình hình phương Bắc rối loạn để xưng đế, lập nước Nam Việt, rồi đưa quân xuống phía Nam chiếm nước Âu Lạc, mở đầu một thời kỳ mất nước kéo dài hơn ngàn năm, là một thời kỳ thử thách lớn lao đối với sức sống của dân tộc với âm mưu đồng hóa toàn diện và triệt để của kẻ thù. Nhưng dân tộc Việt Nam đã nêu cao tinh thần bất khuất, kiên cường, bền bỉ đấu tranh để bảo tồn cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, quyết giành lại Độc lập dân tộc. Các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh Hán, Triệu Thị Trinh chống Ngô, Lý Bí chống Lương dựng nên nước Vạn Xuân, Triệu Quang Phục đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi, nhưng đến đầu năm 603 sau CN lại bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Bất chấp tình hình bất lợi, phong trào khởi nghĩa vẫn bùng nổ liên tục, trên khắp mọi miền đất nước. Đến đầu thế kỷ 10 (905), Khúc Thừa Dụ đánh thắng quân phong kiến nước ngoài, xây dựng một chính quyền tự chủ. Năm 930, nhà Nam Hán sang xâm chiếm, Dương Đình Nghệ lại đánh bại chúng giành lại quyền tự chủ. Đến cuối năm 938 Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng kết thúc oanh liệt thời kỳ mất nước kéo dài hơn 1.000 năm. Một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc bắt đầu. Ngô Quyền lên ngôi vua, đóng đô ở Cổ Loa, đánh dấu một bước phát triển mới của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Sau khi Ngô Quyền mất, chính quyền trung ương bị tan rã, các thế lực phong kiến chia nhau hùng cứ các phương và tranh giành nhau quyết liệt, tạo nên thế 12 sứ quân cát cứ các địa phương. Yêu cầu cấp thiết của lịch sử lúc đó là phải khôi phục sự thống nhất của nước nhà. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (năm 968), đóng đô ở Hoa Lư, lập quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Từ đó, trải qua các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, suốt trong năm thế kỷ (từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 15), quốc gia thống nhất ngày càng được củng cố, công cuộc xây dựng đất nước được tiến hành trên quy mô lớn, đặt nền tảng vững chắc và toàn diện cho sự phát triển của dân tộc và của Nhà nước phong kiến độc lập, việc dựng nước gắn liền với giữ nước. Nhưng cũng trong năm thế kỷ đó, không có thế kỷ nào dân tộc ta không phải chống ngoại xâm, thế kỷ 13 phải tới ba lần chống Nguyên – Mông. Đến thế kỷ 15, nhà Trần đổ nát và bị nhà Hồ thay thế. Nhưng cuộc kháng chiến do Hồ Quý Ly đứng đầu đã nhanh chóng thất bại vì không phát huy được sức mạnh vĩ đại của dân tộc để chống giặc giữ nước. Phong trào yêu nước dâng lên mạnh mẽ, lôi cuốn mọi tầng lớp, mọi thành phần, phát triển rộng khắp dần quy tụ vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi đứng đầu.

Sau 10 năm chiến đấu (1418-1428), với thắng lợi của cuộc kháng chiến, nền độc lập dân tộc được khôi phục và giữ vững, âm mưu xâm lược của kẻ thù bị đánh bại hoàn toàn. Tình hình đó tạo ra những điều kiện rất thuận lợi để củng cố và xây dựng đất nước. Nhưng đến thế kỷ 16, nhân triều Lê suy yếu, các phe phái phong kiến (Mạc, Trịnh, rồi Trịnh – Nguyễn) xung đột nhau. Đất nước bị chia cắt trên 200 năm. Trong sự phát triển như vũ bão của nông dân khởi nghĩa mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, dân tộc ta đã đánh thắng cả thù trong và giặc ngoài (1789). Sau chiến thắng, Vua Quang Trung cương quyết tiến hành xây dựng đất nước. Công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế của Quang Trung đang mang lại những kết quả bước đầu đầy hứa hẹn thì ông đã bị bạo bệnh và mất đột ngột để tới năm 1802 chế độ quân chủ chuyên chế nhà Nguyễn lại được thiết lập trên cả nước.

Thời kỳ này chế độ phong kiến Việt Nam đã bước vào giai đoạn khủng hoảng suy vong. Phong trào nông dân khởi nghĩa tiếp tục lan tràn, chỉ trong vòng nửa thế kỷ đầu của triều Nguyễn đã có tới trên 300 cuộc khởi nghĩa nông dân lớn và nhỏ. Tới giữa thế kỷ 19, vận mạng dân tộc ta đứng trước một thử thách mới vô cùng nghiêm trọng là sự xâm lăng của tư bản Pháp. Lịch sử Việt Nam cũng chuyển sang một trang mới, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam phát triển theo những khuynh hướng mới. Chính Đảng vô sản ra đời (ngày 3-2-1930) tạo nên một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Từ đây Cách mạng Việt Nam đi vào quỹ đạo của thời đại. Chủ nghĩa yêu nước lúc này là chủ nghĩa yêu nước của nhân dân, không bị hạn chế, biến chất bởi chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, chủ nghĩa sô vanh tư sản, phong kiến. Chính trong thời kỳ Đảng lãnh đạo, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam càng có những điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển. Yêu nước ngày nay là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp hài hòa với chủ nghĩa quốc tế vô sản chân chính, là đem hết nhiệt tình, trí tuệ và tài năng để xây dựng Tổ quốc theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trước mắt là xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trên tinh thần hòa bình, hữu nghị và hội nhập, cùng nhau phát triển.

Để kết luận, có thể khẳng định chủ nghĩa yêu nước là động lực, là chìa khóa của lịch sử Việt Nam, đoàn kết yêu nước là sức mạnh vô địch của dân tộc. Về vấn đề này, có thể vận dụng bài học của Bác Hồ về yêu cầu khai thác, phát triển lòng yêu nước, cũng được trình bày trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951):

"Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.

GS. Đinh Xuân Lâm



URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=5583

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn