Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

Lê Lợi - 10 năm trường kỳ kháng chiến quét sạch giặc Minh xâm lược
22/09/2011

Nhà sử học Bùi Thiết

Trong vòng 30 năm, từ mấy năm cuối thế kỷ XIV và những thập kỷ đầu thế kỷ XV, Đại Việt xảy ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Năm 1397, Hồ Quý Ly cho xây thành Tây Đô, buộc vương triều Trần từ bỏ kinh đô Thăng Long. Năm 1400, Hồ Quý Ly phế bỏ vương triều Trần, lập vương triều Hồ.


Năm 1407, nhà Minh cử 80 vạn quân sang xâm lược Đại Việt, cha con Hồ Quý Ly bị bắt, vương triều Hồ tan vỡ. Trần Ngỗi tái lập nhà Hậu Trần, tổ chức kháng chiến chống Minh, nhưng rồi thất bại; Trần Quý Khoáng tiếp tục sự nghiệp, nhưng cuối cùng giặc Minh đàn áp và bình định xong Đại Việt, đặt ách đô hộ lên toàn lãnh thổ Đại Việt vào năm 1414. Từ năm 1416 – 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa và trải qua 10 năm, đến năm 1427 quét sạch hoàn toàn 95 vạn quân Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi. Đầu năm 1428, Lê Lợi vào Thăng Long, thành lập vương triều Lê, mở đầu thời đại mới của nền độc lập dân tộc.

Tranh minh họa Lê Lợi trả gươm cho rùa thần. Ảnh TL

Vì sao nhà Minh xâm lăng Đại Việt?

Đánh phá, xâm lăng, thôn tính, tiêu diệt các nước láng giềng, là bản chất thâm căn cố đế của chủ nghĩa bành trướng phương Bắc từ hàng ngàn năm qua, nhưng để làm việc đó phải có cơ hội. Nhà Minh khởi phát từ năm 1368, hơn 30 năm qua đang chờ thời cơ, và việc nhà Hồ thay nhà Trần là nguyên cớ trực tiếp vì từ năm 1369, nhà Minh đã sai sứ đem ấn vàng sắc rồng sang phong vương cho Trần Hiến Tông, như là một "bảo kê” vững chắc cho "chư hầu” Đại Việt, hễ ai xâm phạm (chỉ nhà Hồ) sẽ bị thiên triều cử quân sang hỏi tội và phục lại triều Trần. Chính nhà Minh năm 1406 cử Chu Năng thống lĩnh đại quân đánh Đại Việt, khi đến Quảng Tây, thảo văn thư bố cáo thiên hạ, kể tội họ Hồ, nói phục tìm con cháu họ Trần để giao lại ngôi Vương. Không may Chu Năng ốm chết. Đến lượt Trương Phụ "nhai lại” luận điệu cầm quân sang tìm lại con cháu họ Trần. Bởi vì năm 1400, Hồ Quý Ly nói với nhà Minh rằng: Họ Trần đã tuyệt chủng, Hán Thương là cháu ngoại Trần Minh Tông tạm trông coi việc nước. Lý ngay tình gian, nhà Minh không nghe vì đây chính là cơ hội có một không hai để xâm lăng Đại Việt.

Quân dân Đại Việt đứng lên đánh giặc dưới cờ Lam Sơn

Sự thất bại nhanh chóng của quân lính nhà Hồ và sự kém may mắn của lực lượng kháng chiến của nhà Hậu Trần, xét cho đến cùng là có nguyên nhân của nó. Với nhà Hồ, đó là sự "đơn thương độc mã” của quân chính quy trước uy lực của quân xâm lăng. Việc cướp ngôi nhà Trần gây mất lòng dân chúng đến cực độ, đến nỗi con em đại thần của nhà Trần, như các cháu của Mạc Đĩnh Chi, cũng theo quân giặc chống lại nhà Hồ, thế nên cuộc kháng chiến nhanh chóng thất bại vì thiếu sự ủng hộ phối hợp của dân chúng. Còn với nhà Hậu Trần, lực lượng mạnh, có nhiều cơ may nhưng lại thiếu một bộ chỉ huy tài ba. Chẳng hạn, Trần Ngỗi vì nghe lời dèm pha mà giết Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất khi chiến thắng sắp tới tận Thăng Long. Với Trần Quý Khoáng thì bị cha con Phạm Quý Hữu, Phạm Liễu (từng cộng tác với nhà Hậu Trần) khai báo hết bí mật cho Trương Phụ. Chúng còn xúc xiểm Trương Phụ giết chết tướng lĩnh tài ba Nguyễn Biểu...

Rút được bài học từ các cuộc kháng chiến của nhà Hồ, nhà Hậu Trần và thừa kế truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, Lê Lợi và bộ chỉ huy Lam Sơn được thành lập năm 1416 tại Lam Sơn (Thanh Hóa), đã phát động và tổ chức cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược một cách bài bản hơn, thực tế và thiết thực hơn hay nói cách khác là bộ chỉ huy Lam Sơn đã "biết ta biết địch” một cách chắc chắn, cái còn lại là biện pháp tiến hành chiến tranh hướng đến ngày toàn thắng.

Trải gần 600 năm sau cuộc kháng chiến chống Minh và hàng chục cuộc kháng chiến chống ngoại xâm diễn ra liên tiếp sau đó cho đến nay, cho phép chúng ta hiểu rõ hơn và khái quát được những gì cần thiết để củng cố và nâng cao hơn nữa ý thức, trình độ và những kế sách cần thiết để tiếp tục bảo vệ vững bền nền độc lập dân tộc đánh bại mọi âm mưu xâm lăng, thôn tính của ngoại bang. Đại thể nên được khái quát và nhìn nhận như sau:

1. Muốn bảo vệ độc lập dân tộc trước hết phải khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia dân tộc.

Đó là cái bẩm sinh, có tính di truyền bền vững của mọi dân tộc với lãnh thổ quốc gia của mình. Hai Bà Trưng phất cờ đánh Tô Định cũng vì "xin giữ lại nghiệp xưa Vua Hùng”, Lý Bí lập quốc và con cháu ông sau này đã tuyên bố: "Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Minh, Nguyễn Trãi khẳng định trong Bình Ngô đại cáo: "Nghĩ như nước Đại Việt ta, thực là một nước văn hiến. Cõi bờ sông núi đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác. Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương...”. Chủ quyền lãnh thổ và độc lập quốc gia dân tộc là vô cùng thiêng liêng không ai có quyền xâm phạm và không thể bị xâm phạm. Ai đó và trong lúc nào đó lơ là chủ quyền và độc lập sẽ làm phương hại đến từng tấc đất và lãnh thổ quốc gia mà tổ tiên đã dày công bảo tồn. Chiến đấu cho độc lập dân tộc trở thành nghĩa vụ xương máu của mọi thế hệ thần dân Đại Việt. Bộ Chỉ huy Lam Sơn đã khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, phát huy tiềm năng dân tộc đang bị kìm nén bởi bọn xâm lược hung tàn, như Bình Ngô đại cáo đã tố cáo: "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn. Vùi con đỏ dưới hầm tai họa”.

2. Phát động toàn dân kháng chiến – xây dựng căn cứ và mở rộng hậu phương kháng chiến

Rút ra bài học thất bại của nhà Hồ, là khi biết quân địch hùng mạnh sang, chỉ lo củng cố lực lượng chính quy của Nhà nước, mà không xây dựng lực lượng dân binh đến tận địa phương, cho nên khi quân đội chính quy bị tiêu diệt, không còn ai kháng chiến nữa. Hàng trăm vạn thần dân không thể chiến đấu, trở thành tù binh của quân xâm lược. Lê Lợi và bộ chỉ huy ngay từ đầu đã ý thức được điều này: Giặc là giặc nước, giặc dân, toàn dân phải đứng lên đánh giặc, phải có tổ chức, có chỉ huy, có người đưa đường dẫn lối để làm nên chiến thắng cuối cùng.

Từ Lam Sơn, Lê Lợi phát lời hiệu triệu toàn dân đánh giặc. Hào kiệt cả nước đổ về Lam Sơn mở Hội thề Lũng Nhai (1416). Noi gương Lam Sơn, khắp nơi trong nước, các lực lượng kháng chiến địa phương hình thành. Cho đến trước năm 1418, cả nước có hàng chục nơi hình thành lực lượng, như: Nguyễn Biên, Nguyễn Tuấn Thiện, Nguyễn Vĩnh Lộc... ở Nghệ Tĩnh và nhiều nơi khác. Các thế lực đó hướng về Lam Sơn, cộng tác với Lam Sơn tạo nên nhiều chiến công.

Căn cứ Lam Sơn không ngừng được củng cố. Bắt đầu từ năm 1418, nghĩa quân Lam Sơn tổ chức tập kích quân địch. Song buổi đầu thua nhiều hơn thắng, phải hy sinh Lê Lai, để bảo toàn Lê Lợi và bộ chỉ huy Lam Sơn, duy trì căn cứ kháng chiến. Tình thế kéo dài 5 - 6 năm, những hạn chế của căn cứ được khắc phục bằng một chuyển hướng mở rộng hậu phương tại Nghệ An.

Lê Lợi là người khởi xướng khởi nghĩa Lam Sơn

chiến thắng quân Minh

Để vào được Nghệ An, nghĩa quân Lam Sơn đã tiến hành cuộc hành quân vất vả nhưng oai hùng. Lần lượt tiêu diệt các đồn binh giặc từ Trà Long, Khả Lưu, Bồ Ải... đến Lục Niên, Linh Cảm, rồi vây kín quân giặc tại Lam Thành, giải phóng nông thôn Nghệ An, tiến vào giải phóng nông thôn Tân Bình – Thuận Hóa. Trong vòng 2 năm 1424 - 1425, từ Thanh Hóa trở vào là khu hậu phương rộng lớn, quân giặc bị vây hãm chặt ở trong các thành: Tây Đô, Diễn Châu, Lam Thành, Tân Bình và Thuận Hóa chờ ngày ra hàng hoặc bị tiêu diệt nếu ngoan cố. Với hậu phương bao la, các địa phương từ Thanh Hóa trở ra, lực lượng kháng chiến toàn dân phát triển rộng khắp, có hàng chục thủ lĩnh địa phương hoạt động bao vây tấn công địch, làm cho chúng co cụm lại trong các nơi đóng quân, lương thực bị phong tỏa, lực lượng suy yếu dần, đang chờ vận chết.

3. Vừa đánh vừa hòa, thắng lợi trọn vẹn nhất, ít hao tốn xương máu nhất

Chiến tranh truyền thống được hiểu: Kẻ nào mạnh hơn, tiêu diệt được đối phương là chiến thắng, có nghĩa là giá cho chiến tranh là giá của xương máu. Với nghĩa quân Lam Sơn, do Nguyễn Trãi làm tham mưu, thì cùng với "vũ công” (đánh nhau bằng chiến trận...) là "Tâm công” (đánh bằng lòng nhân ái). Tất nhiên, nếu chưa đủ mạnh bằng "vũ công” thì chưa thể "tâm công”. Một khi đạt đến "vũ công” rồi mà sử dụng "tâm công” thì thiệt hại xương máu cho mọi phía sẽ là ít nhất và chiến thắng sẽ trọn vẹn nhất. Những thư hòa, dụ hàng của Nguyễn Trãi sau này được tập hợp trong "Quân trung từ mệnh tập”.

Mười năm trường kỳ kháng chiến, nghĩa quân Lam Sơn chăm lo củng cố lực lượng, nhưng luôn luôn chủ trương hòa với giặc, nếu hòa mà đạt được mục đích "thôi chiến” là tuyệt vời, nếu không cũng có thời gian để củng cố thêm lực lượng. Thời kỳ còn ở Lam Sơn, nghĩa quân đã hòa với quân Minh một thời gian dài, nhưng chúng lật lọng, buộc phải chuyển hướng. Khi vào Nghệ An, Lê Lợi gương cao ngọn cờ hòa, dụ hàng quân giặc. Khi sắp đánh đồn nào, trước hết là có thư dụ hàng, nếu giặc không hàng mới đánh. Đến như khi đánh quân viện binh của Liễu Thăng và Mộc Thạnh, Lê Lợi đều có thư dụ hàng. Vì không chịu dụ hàng mà 10 vạn viện binh của Liễu Thăng chỉ có mấy tên thoát chết.

Cuối năm 1427, Vương Thông bị vây hãm ở Đông Quan, chỉ một trận công kích mạnh là xong, vậy mà Lê Lợi chủ trương cầu hòa để họ an toàn về nước, không những thế còn cấp ngựa, cấp thuyền, cấp lương thực cho giặc trở về nước. Bình Ngô đại cáo viết: "Nó đã sợ chết tham sống mà thực bụng cầu hòa; Ta lấy toàn quân là hơn để cho dân được nghỉ. Không những là tính mưu lược cực kỳ sâu rộng; lại cũng là việc xưa nay chưa từng nghe thấy; Xã Tắc do đó vững bền! Non sông do đó tươi đẹp”.

Đất nước yên bình trở lại, tư tưởng hòa hợp, cất bỏ giáo gươm để văn trị được dịp nảy nở phát triển mạnh mẽ, đem đến sự cường thịnh của quốc gia, dân chúng, được triều đình thực thi. Câu chuyện vua Lê trả gươm và tên gọi hồ Hoàn Kiếm mãi là biểu tượng đẹp của dân tộc ta về ước nguyện hòa bình, đầy tính nhân văn cao cả.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến công lừng lẫy của 10 năm kháng chiến chống giặc Minh, nhưng những trình bày ở trên là cơ bản và chủ đạo, cũng có thể đó là những bài học lịch sử khi tổng kết truyền thống giữ nước chống ngoại xâm của hôm qua, và cũng có thể để cho hôm nay và mai sau tham khảo, chắt lọc thừa kế, bổ sung để hoàn thiện.

Nhân đây xin được nói thêm rằng, chúng ta lâu nay có một thói quen cố hữu, rằng: Tất cả các cuộc chống xâm lăng, từ thời Hai Bà Trưng (40 - 44 SCN) cho đến các cuộc chống Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, hết thảy đều quy vào "khởi nghĩa”. Nghĩa từ "khởi nghĩa” là để chỉ các cuộc nổi dậy trong nước chống lại nhà chức trách đương thời, có nghĩa là làm loạn, làm phản... bao hàm nghĩa xấu, nếu khởi nghĩa giành thắng lợi sẽ được định danh là "cách mạng”. Hết thảy các cuộc chống ngoại xâm của các dân tộc, các quốc gia trên thế giới từ xưa đến nay, nhất loạt đều gọi là các cuộc "kháng chiến”. Vì vậy, xin đề nghị các nhà nghiên cứu, các tác giả, các cơ quan truyền thông, từ nay nên dùng từ "kháng chiến” để thay cho "khởi nghĩa”, khi nói đến các cuộc nổi dậy chống xâm lăng.



URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=5597

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn