Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

Giáo dục, xin hãy tự đổi mới
28/09/2011

Những hạn chế, bất cập của giáo dục nước nhà có nhiều nguyên nhân: do đất nước còn nghèo, đầu tư không đủ; do trình độ giáo viên hạn chế; do tác động của cơ chế thị trường… Ở đây người viết không có ý định phân tích các nguyên nhân để từ đó hoạch định một chiến lược nào đó cho giáo dục nước nhà, mà chỉ nêu một số suy nghĩ về nền giáo dục hiện nay.


Cấu trúc lại chương trình phổ thông

Trước hết, ở đây cần có một tư duy rõ ràng về chương trình giáo dục phổ thông. Đó là chương trình cung cấp những kiến thức phổ thông nhất và những kỹ năng cần thiết nhất để làm người. Giáo dục phổ thông nếu được hiểu như vậy thì chương trình cần cấu trúc lại có giá trị thực học hơn. Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay nặng về tính hàn lâm và mang dáng dấp của việc “đại học hóa” bậc THPT, nhưng trớ trêu thay bậc đại học lại đang trở thành bậc THPT cấp 4! Chương trình phổ thông của ta hiện nay vừa nặng nề, vừa thừa. Bậc THPT các em phải học đến 15 - 16 môn học là quá nặng. Trong khi đó, việc dạy các kỹ năng sống cần thiết cho học sinh thì nhà trường lại không làm nổi. Các hoạt động tập thể vào những ngày chủ điểm hiện nay đơn điệu và không đáp ứng được nhu cầu tinh thần của học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông cần có sự điều chỉnh, thậm chí thay đổi hẳn theo hướng xác định rõ một số môn có tính bắt buộc như các môn công cụ: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một số môn khoa học cơ bản như: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Tin học... Chương trình sách giáo khoa mới nên đi theo hướng tự chọn. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần quản lý chương trình, không nhất thiết phải cầm tay chỉ việc như hiện nay. Đặc biệt, phải thay đổi về tư duy giáo dục, nhất thiết từ bỏ lối ban phát kiến thức trong lớp học, phương pháp dạy học phải dân chủ, cương quyết xóa bỏ độc quyền tư duy tức là kiểu bài mẫu, kiểu dạy thầy đọc trò chép, mà hiện nay là hiện tượng thầy chiếu (Powerpoint) trò chép. Bể học mênh mông, người thầy chỉ là người cung cấp cách tiếp cận, các phương thức để các em tự khám phá ra giá trị, chân lý. Ngành giáo dục đặc biệt phải coi trọng việc tự học, thảo luận nhóm và làm việc theo nhóm cho học sinh. Có như vậy, mỗi bài học mới thực sự là mới mẻ.

Dạy thêm tràn lan

Hiện tượng này cần nhìn thấu ở hai khía cạnh. Thứ nhất, nhà trường mong muốn dạy thêm trước hết để củng cố chất lượng cho học sinh và thêm nữa nâng cao phần nào thu nhập cho giáo viên, nhà trường. Thứ hai, phụ huynh học sinh cũng muốn cho con em mình đi học thêm, phần vì muốn con mình giỏi hơn, phần vì muốn các thầy cô giáo quan tâm hơn đến con em mình và có một bộ phận không nhỏ phụ huynh muốn cho con đi học thêm để gửi con em mình cho các thầy cô giáo. Tuy nhiên, việc dạy thêm bị biến dạng, không còn tốt đẹp như mục đích ban đầu của nó. Học sinh đi học ở nhà cô thì biết khoảng ra đề kiểm tra trước nên điểm cao, học sinh không đi học thì thường bị đối xử bất công hơn. Điều này làm xói mòn hình ảnh của nhà trường trong con mắt học sinh và xã hội.

Thay đổi cách thức thi cử, kiểm tra

Việc đánh giá, kiểm tra trong dạy và học vô cùng cần thiết, qua đó giúp người quản lý có thể thấy được chất lượng thực của việc dạy và học. Nhưng hiện nay việc thi cử, kiểm tra trong nhà trường phổ thông vừa là gánh nặng, tốn kém, vừa là áp lực lên vai học sinh và xã hội, lại vừa... vô nghĩa. Điều này đã nói đi nói lại trên các diễn đàn nhưng hình như Bộ GD - ĐT vẫn thực hiện Hai không (không nghe, không thấy). Việc tổ chức thi vào lớp 10 THPT ở một số tỉnh vẫn diễn ra nặng nề và căng thẳng, có tỉnh tổ chức thi vào THPT 3 môn, gây tâm lý căng thẳng cho học sinh vừa rời ghế trường THCS và không hợp với tâm lý lứa tuổi. Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo cụm và chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh vừa tốn kém, vừa gây áp lực cho phụ huynh, học sinh vì nghiễm nhiên học sinh phải 2 lần “khăn gói quả mướp” đi thi. Vừa vô nghĩa vì kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2011 cho thấy điều đó, khi tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc là 95,72%. Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như trên thì tổ chức kỳ thi tốt nghiệp vừa tốn kém, vừa nặng nề mà lợi ích đem lại không nhiều.

Từ những suy nghĩ trên, chúng tôi thiết nghĩ, muốn có một cơ quan kiểm định chất lượng thật khách quan đối với sản phẩm giáo dục, đã đến lúc phải tách công tác khảo thí và kiểm định thành một cơ quan độc lập, không nằm trong hệ thống phòng ban của Sở GD - ĐT và các cục, vụ của Bộ GD - ĐT. Cơ quan này giống như cơ quan kiểm toán độc lập, sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng đối với hoạt động dạy và học của các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân từ đại học đến phổ thông. Công tác kiểm định cần đánh giá trên cả 2 bình diện: Học và Dạy. Kiểm định chất lượng cả giáo viên và học sinh, kết quả kiểm định phải được công khai, rõ ràng. Học sinh đã học xong chương trình THPT nhưng không tốt nghiệp cần cấp chứng chỉ tốt nghiệp để các em đi học nghề. Những học sinh đỗ tốt nghiệp THPT sẽ thi vào các trường ĐH và CĐ trên toàn quốc. Đối với giáo viên, kiểm định trước mắt trên 3 bình diện: về kiến thức: kiến thức chuyên ngành, kiến thức sư phạm, kiến thức xã hội; về kỹ năng vận dụng kiến thức trong giảng dạy; về phương pháp giáo dục: phương pháp giảng dạy bộ môn, phương pháp chủ nhiệm, phương pháp giáo dục cá biệt...

Trên đây chỉ là những suy nghĩ nhỏ với mong muốn nhìn thẳng vào sự thật, đóng góp tâm huyết của mình cho nền giáo dục nước nhà, để một ngày kia đáp ứng được kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu: …làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu! (Thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường năm 1945).

Toàn Tâm



URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=5616

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn