Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

Nghịch lý giữa nói và làm về yêu sách “đường lưỡi bò”
29/01/2012

Nhiều năm qua, sự trỗi dậy Trung Quốc đi liền với mối lo ngại về cái gọi là "mối đe dọa Trung Quốc” trong cộng đồng quốc tế. Cho rằng thế giới hiểu nhầm mình, Trung Quốc bằng nhiều cách, khi lặng lẽ, lúc ồn ào, cố gắng làm an lòng phần còn lại của thế giới về một chiến lược "trỗi dậy hòa bình” của họ. Cố gắng thuyết phục thế giới hiểu đúng về tham vọng phát triển, nhấn mạnh xây dựng quan hệ đối tác thực sự dựa trên sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thế nhưng hành động của Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông lại buộc thế giới phải đặt những dấu hỏi nghi ngờ.



Từ yêu sách "đường lưỡi bò” ngang ngược áp đặt "chủ quyền không thể tranh cãi” lên hầu như gần trọn Biển Đông, "phớt lờ những giới hạn luật pháp được quy định bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982” như nhận xét của các chuyên gia quốc tế, đến những hành động thực tế mang tính gây hấn trên Biển Đông, Trung Quốc đã phá vỡ cam kết "giữ nguyên trạng”, "không làm căng thẳng tình hình” mà nước này đã ký năm 2002 với các quốc gia ASEAN trong Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Có thể nói tại Biển Đông, từ cuối thập niên 1990 tình hình từng được cải thiện theo hướng hòa dịu, nhất là sau khi Trung Quốc ký Hiệp định Phân định ranh giới trong Vịnh Bắc Bộ với Việt Nam vào năm 2000 và DOC với ASEAN vào năm 2002. Tuy nhiên, bên dưới bề mặt có vẻ yên ổn này cán cân lực lượng vẫn không ngừng chuyển dịch. Trung Quốc, một mặt tăng cường hiện đại hóa hải quân và các lực lượng chấp pháp biển, hoàn thiện chiến lược biển, hệ thống pháp luật, thể chế quản lý và bảo vệ biển; mặt khác nhất quyết thực hiện "hai không” (không quốc tế hóa, không đa phương hóa tranh chấp), chỉ đàm phán song phương nhằm khoét sâu vào sự khác biệt về lợi ích giữa các thành viên ASEAN, tìm cách áp đặt "gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, biến những vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp và dần dần tiến tới việc áp đặt "chủ quyền không thể tranh cãi” của họ theo đúng yêu sách "đường lưỡi bò”. Trong điều kiện nhiều qui định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) không được tôn trọng thì về bản chất đây không phải là "trò chơi cùng thắng” được quảng bá rầm rộ, mà là kiểu cờ vây. Trong đó đối phương do mất dần thế cân bằng chiến lược nên bị dồn vào chỗ phải "gác lại tranh chấp”, tức là đánh đổi quyền tài phán để lấy hòa bình, rồi sau đó phải chấp nhận "cùng nhau khai thác”, tức là đánh đổi nốt quyền chủ quyền nếu muốn khai thác tài nguyên biển để phát triển. Hậu quả là trong gần một thập niên kể từ năm 2002, tiến trình đàm phán ASEAN - Trung Quốc về việc nâng cấp DOC thành Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hầu như dẫm chân tại chỗ, khuôn khổ an ninh Biển Đông ngày càng trở nên lỗi thời, tụt hậu, không phù hợp với tương quan lực lượng mới.

Lấy UNCLOS 1982, một văn kiện pháp lý cơ bản về biển đã được 161 quốc gia phê chuẩn và tham gia, trong đó Trung Quốc là quốc gia thứ 92 phê chuẩn và tham gia Công ước năm 1996, làm cơ sở thì có thể nói là yêu sách "đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn vô nghĩa vì không có một chút giá trị pháp lý nào. Nếu như Trung Quốc thực sự có chủ quyền lâu dài, liên tục với "vùng nước lịch sử” là "đường lưỡi bò” trên Biển Đông thì chắc chắn rằng vấn đề này đã phải được bàn cãi rất mạnh mẽ trong quá trình xây dựng Công ước từ năm 1973 đến 1982, phải được UNCLOS ghi nhận, và hẳn là Trung Quốc không phải đợi đến năm 2009 mới thông báo cho thế giới biết yêu sách này.

Trên thực tế, yêu sách "đường lưỡi bò” của Trung Quốc sau khi công khai đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ của không những các nước liên quan đến Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines mà còn từ các nước đứng ngoài tranh chấp chủ quyền nhưng có lợi ích thương mại, hàng hải đối với Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Đây là những quốc gia có lợi ích bị ảnh hưởng trực tiếp bởi yêu sách "đường lưỡi bò” mà Trung Quốc ngang nhiên áp đặt, bất chấp những chuẩn mực trong quan hệ quốc tế, bất chấp những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bất chấp cả những mâu thuẫn về lịch sử, mâu thuẫn về cơ sở pháp lý và kỹ thuật thể hiện trên bản đồ mà Trung Quốc không thể và không bao giờ có thể giải thích được để dư luận quốc tế có thể chấp nhận được. Đòi hỏi ngang ngược của Trung Quốc được khẳng định bằng những ngôn từ chắc chắn như "chủ quyền không thể tranh cãi” hay "lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở Biển Đông, lúc công khai, lúc mập mờ, hoàn toàn không dựa trên những lập luận hay bằng chứng xác thực, sẽ trở thành những điều bất lợi cho chính bản thân Trung Quốc khi quốc gia này đang cố tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về một nước Trung Quốc đang trỗi dậy hoà bình, một quốc gia có tiếng nói và vị thế trong quan hệ quốc tế.
Tình hình trở nên căng thẳng hơn kể từ giữa năm 2009, khi Trung Quốc liên tục "gây chuyện” trên Biển Đông bắt đầu bằng việc công khai yêu sách "đường lưỡi bò” trong một công hàm gửi Liên Hợp Quốc. Trung Quốc đã có những hành động thực tiễn nhằm áp đặt yêu sách hoang đường này bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản ứng của các quốc gia khu vực, như xây dựng đơn vị hành chính trên Biển Đông, đơn phương cấm đánh bắt cá, bắt giữ và đòi tiền chuộc với các tàu cá của các quốc gia Đông Nam Á, va chạm với tàu Mỹ, xây dựng cơ sở hải quân khổng lồ ở đảo Hải Nam, tổ chức tàu tuần tra, tập trận không quân và hải quân trong khu vực tranh chấp... Những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc đơn phương áp đặt yêu sách "đường lưỡi bò” đã làm căng thẳng tình hình Biển Đông.

Từ đầu 2011, các tàu và máy bay Trung Quốc đã liên tục xâm phạm vùng biển và vùng trời của một số quốc gia láng giềng ven Biển Đông. Trung Quốc mặc dù liên tục trong nhiều năm áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm và thực hiện các biện pháp chống lại tàu cá của ngư dân Việt Nam thế nhưng tàu cá và tàu tuần tra của Trung Quốc đã hình thành một hàng rào kiểm soát vây quanh các khu vực đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa và thậm chí xuống đến tận quần đảo Trường Sa. Trong suốt thời gian Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt, tàu cá Trung Quốc lại đi vào vùng biển Việt Nam với số lượng nhiều hơn trước đây. Số lượng tàu cá của Trung Quốc hoạt động giữa Đà Nẵng và quần đảo Trường Sa dao động từ 120 – 150 và thỉnh thoảng lên tới 200 chiếc liên tục trong mùa "cấm đánh bắt cá” của Trung Quốc đang có hiệu lực với ngư dân Việt Nam.

Cùng lúc đó, giới truyền thông Trung Quốc trong tháng 6 và tháng 7-2011 liên tục tuyên bố về chuyện "sẵn sàng dạy cho Việt Nam một bài học” bằng vũ lực. Điển hình là tờ Thời báo Hoàn Cầu (phụ trang của Nhân Dân Nhật Báo) thường xuyên cho lưu hành nhiều bài báo xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam, kích động tâm lý chống Việt Nam trong dư luận. Gần đây, tờ Thời báo Hoàn Cầu còn lớn tiếng đe doạ Philippines và Việt Nam "chuẩn bị để nghe tiếng đại pháo” trên Biển Đông. Tờ báo này còn có bài bình luận doạ rằng nếu các nước láng giềng không kiềm chế trong vấn đề Biển Đông thì sẽ sớm xảy ra xung đột quân sự.


Giao lưu văn hóa quân - dân trên đảo Trường Sa

Ảnh: HOÀNG LONG

Cũng trong tháng 6-2011, Trung Quốc đã tổ chức cuộc diễn tập chống tàu ngầm ngoài khơi đảo Hải Nam, một trong sáu cuộc diễn tập quy mô lớn do Hải quân Trung Quốc tổ chức trong năm 2011. Giữa lúc tình trạng căng thẳng trong khu vực liên quan đến các cuộc tranh chấp trên biển ngày càng tăng và Mỹ có những động thái nhằm khẳng định sức mạnh ở Thái Bình Dương, ngày 6-12-2011, một nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi hải quân nước này chuẩn bị chiến đấu. Từ đầu năm 2011, nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc ngày càng đầu tư nhiều cho hải quân để có thể mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài Thái Bình Dương. Giới quan sát gần đây cũng chú ý tới việc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc chạy thử lần thứ hai hồi tuần trước. Con tàu dài 300 mét, được tu bổ từ một tàu cũ của Liên Xô trước đây, lần đầu tiên ra mắt hồi tháng 8-2011, khiến một số quan sát viên lo ngại về tiềm lực hải quân của Trung Quốc. Tiềm lực ngày càng tăng của Trung Quốc và đặc trưng bản chất của yêu sách lãnh thổ của nước này đã biến Trung Quốc ngay lập tức trở thành quốc gia quan trọng nhất có yêu sách trong việc hoặc giải quyết tranh chấp lãnh thổ hoặc biến tranh chấp này thành xung đột vũ trang. Điều đáng chú ý là Trung Quốc lại luôn tự cho mình là một quốc gia cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ thông qua các biện pháp ngoại giao. Theo đó, Trung Quốc cho rằng mình luôn luôn giữ lập trường kiềm chế, bình tĩnh và mang tính xây dựng và luôn tích cực kiếm tìm giải pháp để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Công bằng mà nói thì Trung Quốc cũng đã thể hiện sự tích cực kiếm tìm giải pháp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, nhưng luôn luôn theo điều kiện của Trung Quốc – chủ nghĩa song phương.

Mặc dù Trung Quốc tham gia ký tuyên bố chung với ASEAN trong việc duy trì nguyên trạng ở Biển Đông, ý đồ ngoại giao của Trung Quốc thực ra là muốn lôi kéo các quốc gia khác có yêu sách vào bàn đàm phán song phương và ngăn chặn bất kỳ hình thức giải quyết có sự tham gia của bên thứ 3 nào thông qua các thủ tục của UNCLOS hay bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác. Điều này rõ ràng được thể hiện qua phản ứng tức thì và gây tranh cãi của Trung Quốc trước phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillarry Clinton tháng 7-2010 tuyên bố lợi ích của Hoa Kỳ trong việc giải quyết tranh chấp. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì ngay lập tức bác bỏ đề xuất của Ngoại trưởng Clinton, cho rằng Mỹ không nên quốc tế hóa tranh chấp này. Ông tuyên bố mạnh mẽ rằng bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào liên quan đến Biển Đông nên được giải quyết song phương và không nên có sự tham gia của cộng đồng quốc tế. Ông còn lập luận rằng tranh chấp Biển Đông nên được giải quyết qua đàm phán song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng, hơn là giữa Trung Quốc và ASEAN. Ông tuyên bố "Biến một vấn đề song phương thành một vấn đề quốc tế hay đa phương sẽ chỉ làm xấu đi tình hình và gây thêm nhiều khó khăn”. Có thể thấy rõ ưu tiên tiếp cận song phương hơn là đa phương của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông bắt nguồn từ các nguyên do: 1) sự coi nhẹ nói chung của Trung Quốc đối với các chuẩn mực của các quy tắc hàng hải và luật quốc tế được chấp nhận rộng rãi; 2) sẽ dễ dàng hơn cho một cường quốc như Trung Quốc bắt nạt và lừa phỉnh các quốc gia nhỏ hơn để Trung Quốc có thể một mình nắm lấy các đảo san hô, các tuyến đường biển và tài nguyên thiên nhiên.

Vài ngày trước thềm Hội nghị thường niên ARF 2011 ở Jakarta, Trung Quốc và ASEAN đã ký được thỏa thuận về bản hướng dẫn nhằm mục đích thực hiện Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên trên Biển Đông 2002. Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ là một phần của DOC năm 2002 bởi lẽ nó không thể đứng một mình. Mặc dù Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố rằng Trung Quốc sẵn sàng ký Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) vào một thời điểm thích hợp, các quan chức các nước Đông Nam Á vẫn không thôi nghi ngờ về điều đó. Đông Nam Á đơn giản không tin là Trung Quốc đã có sự thay đổi về thực chất.

Có thể nói, việc sút giảm lòng tin này là hệ quả của việc Trung Quốc đã từ bỏ các chính sách ôn hòa như trước đây, thay vào đó trở nên quyết đoán và mang tính dân tộc chủ nghĩa nhiều hơn khi tuyên bố vị thế đang nổi lên của Trung Quốc và yêu sách "chủ quyền không thể tranh cãi” của họ đối với Biển Đông. Đồng thời với việc sử dụng sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc để hỗ trợ cho yêu sách ngang ngược rằng Biển Đông là "vùng nước lịch sử” của họ.

Nhóm PV Biển Đông



URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=6014

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn