Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

Nghiên cứu kinh tế và tài chính qua công bố quốc tế
19/09/2012

Thời gian gần đây, tôi có dịp tiến hành những workshop về cách viết bài báo khoa học ở Sài Gòn, và qua những workshop này tôi làm quen khá nhiều bạn trong ngành kinh tế, luật, và khoa học xã hội. Các bạn ấy rất bức xúc về tình hình thiếu những nghiên cứu khoa học về kinh tế và tài chính. Nói cho rõ: thiếu những nghiên cứu nghiêm chỉnh và có chất lượng, chứ không thiếu những nghiên cứu. Tuy nhiên, họ cũng chỉ phát biểu với cái nhìn cá nhân, chứ chưa có dữ liệu gì để chứng minh. Đó chính là động cơ để tôi thu thập một số dữ liệu liên quan đến nghiên cứu kinh tế tài chính ở VN và so sánh với các nước trong vùng. Bài này trình bày một số dữ liệu đó. Bài đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số ra hôm nay.


Gần đây, dư luận rất quan tâm đến sự sa sút về thứ bậc trí tuệ Việt Nam trong bảng sếp hạng toàn cầu. Kết quả phân tích của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cho thấy hầu như bất cứ chỉ số nào về tính sáng tạo, cách tân, mức độ hoàn thiện của thị trường kinh doanh, nghiên cứu khoa học, Việt Nam đều tụt hạng so với những năm trước. Chẳng những tụt hạng, mà so với các nước láng giềng trong khối ASEAN, Việt Nam cũng thua kém.

Thật ra, những kết quả trên cũng không đáng ngạc nhiên, vì một phân tích trước đây cho thấy mặc dù Việt Nam có hơn 9000 giáo sư và phó giáo sư, nhưng có rất ít bằng sáng chế. Thật vậy, tác giả Lê Văn Út thống kê cho biết từ 2006 đến 2010, Việt Nam chỉ đăng kí được 5 bằng sáng chế tại Mĩ. Riêng năm 2011, Việt Nam không có bằng sáng chế nào, trong khi đó, Singapore đăng kí được 647 bằng, Mã Lai 161, Thái Lan 53, Philipppines 27. Đó là một kết quả đáng để chúng ta suy nghĩ, nhất là trong chiến lược biến Việt Nam thành một nước công nghệ hoá vào năm 2020.

Công bố quốc tế

Sáng tạo tri thức có thể thể hiện qua nhiều hình thức, và đo lường bằng nhiều thước đo. Đối với khả năng sáng tạo, số lượng bằng sáng chế và bài báo khoa học có thể xem là những thước đo đáng tin cậy. Thật vậy, các nước láng giềng và phát triển phương Tây thường sử dụng số lượng và chất lượng những bài báo nghiên cứu công bố trên các tập san khoa học quốc tế như là những thước đo về sự tiến bộ khoa học, cũng như đánh giá hiệu quả đầu tư cho nghiên cứu khoa học. “Nghiên cứu khoa học” ở đây dĩ nhiên bao gồm cả nghiên cứu về kinh tế, tài chính, và quản trị.

Tại sao các tập san khoa học quốc tế mà không phải tập san nội địa? Thật ra, nói “tập san quốc tế” chỉ là theo thói quen và có lẽ không hẳn chính xác, mà phải nói là “tập san có bình duyệt” (peer reviewed journal). Tập san bình duyệt để phân biệt với những tập san không có hệ thống bình duyệt. Trong hệ thống bình duyệt, khi tác giả gửi bài nghiên cứu, ban biên tập sẽ gửi bài đó cho một số chuyên gia trong chuyên ngành để thẩm định về mặt ý tưởng, phương pháp, kết quả, cách diễn giải, v.v. Chỉ những bài đạt chuẩn mực khoa học mới được chấp nhận cho công bố. Tuỳ theo uy tín của tập san, tỉ lệ chấp nhận có thể dao động trong khoảng 5% (đối với những tập san danh tiếng như Science hay Nature) đến 45% (đối với những tập san chuyên ngành hẹp). Trong ngành kinh tế, theo tôi hiểu, những tập san như Econometrica, Quarterly Journal of Economics, Journal of Finance, American Economic Review, Journal of Econometrics, Econometric Theory, Economic Theory, Review of Economics and Statistics, International Economic Review, Journal of Mathematical Economics, v.v. là những tập san có uy tín và ảnh hưởng cao (hiểu theo nghĩa "impact factor" cao). Do đó, công bố nghiên cứu trên những tập san khoa học có bình duyệt là một vinh dự và cũng là một cách chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp thế giới. Trong quá khứ, chưa có phân tích nào cho biết các nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam đã có đóng góp gì về tri thức kinh tế trên thế giới.

Do đó, bài này có một mục tiêu khiêm tốn là điểm qua những dữ liệu về số công trình nghiên cứu liên quan đến ngành kinh tế và tài chính trên các tập san quốc tế có bình duyệt và xuất phát từ Việt Nam. Những dữ liệu này hi vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc một “bức tranh” chung về tình hình và xu hướng nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam.

Để làm việc đó, tôi sử dụng cơ sở dữ liệu của Scopus. Scopus là một thư viện thông tin khoa học thuộc nhà xuất bản Elsevier, rất nổi tiếng trong xuất bản khoa học. Có thể nói Scopus là cơ sở dữ liệu (database) khoa học lớn nhất thế giới, với hơn 15000 tập san có bình duyệt của hầu hết các chuyên ngành khoa học. So với Viện thông tin khoa học (ISI của Thomson), Scopus có nhiều tập san khoa học xã hội hơn, và do đó phản ảnh đầy đủ hơn số bài báo khoa học trong ngành khoa học xã hội. Với Scopus, người truy cứu có thể tìm hiểu địa chỉ của tác giả, nơi công trình nghiên cứu được thực hiện, và chỉ số trích dẫn. Do đó, qua Scopus, chúng ta có thể có một vài dữ liệu có ích liên quan đến nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam.

Trong bài này, danh từ “kinh tế” thực chất đề cập đến các chuyên ngành kinh tế, kinh tế lượng (economics và econometrics), và tài chính (gọi tắt là EEF); và thương mại (business), quản lí, kế toán và tiếp thị (viết tắt là BMA). Lĩnh vực hẹp của BMA ở đây bao gồm cả du lịch, và quan hệ kĩ nghệ (inddustrial relations).

Kết quả phân tích

Trong thời gian 15 năm (1996 đến 2010), các nhà khoa học Việt Nam công bố được 10904 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Trong số này, có 162 bài báo khoa học trên các tập san kinh tế học quốc tế. Con số này chiếm 1.5% tổng số bài báo khoa học của Việt Nam. So với tổng số bài báo về kinh tế trên thế giới trong cùng thời gian, với 162 bài đóng góp, Việt Nam chiếm tỉ trọng 0.035%, rất khiêm tốn.

Tính trung bình, mỗi năm công bố được gần 11 bài về kinh tế. Tuy nhiên, trong thực tế, công bố quốc tế về kinh tế học chỉ bắt đầu từ năm 1998 hoặc 2005. Từ 1996 đến 1997, chúng tôi không ghi nhận một công bố quốc tế nào từ Việt Nam về lĩnh vực kinh tế học, và trong thời gian 1998 đến 2004, số công trình nghiên cứu về kinh tế chỉ dao động trong khoảng 1 đến 8 bài.

Trong số 162 bài báo khoa học về kinh tế học, phần lớn là các bài liên quan đến thương mại, quản lí và kế toán (95 bài, chiếm 59%). Phần còn lại (41%) là những công trình liên quan đến kinh tế, kinh tế lượng và tài chính.

Bảng 1: Số bài báo khoa học về kinh tế, tài chính và thương mại 1996-2010

giáo dục

So với các nước trong vùng, số công trình nghiên cứu về kinh tế của VN thuộc vào hàng thấp nhất (Bảng 1). Trong cùng thời gian (1996-2010), số công trình nghiên cứu về kinh tế của Thái Lan cao hơn VN gần 6 lần, Mã Lai cao hơn VN gấp 12 lần. Ngay cả Philippines, với 356 bài cũng vẫn cao hơn VN gấp 2 lần. Riêng các nước có nền kinh tế kĩ nghệ phát triển như Đài Loan, Hàn Quốc, và Singapore có số công trình nghiên cứu trên 3000 bài. Có lĩnh vực như EEF, số bài báo của Đài Loan còn cao hơn cả số bài báo của Trung Quốc!

Hợp tác quốc tế

Đại đa số các bài nghiên cứu về kinh tế và tài chính của Việt Nam có hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài. Khoảng 80% những công trình nghiên cứu EEF và 82% các công trình BMA là kết quả của hợp tác nghiên cứu với đồng nghiệp nước ngoài. Thật ra, nhìn qua danh sách tác giả, có thể nói rằng phần lớn những hợp tác này là dưới hình thức nghiên cứu sinh Việt Nam đang làm nghiên cứu tiến sĩ và thạc sĩ ở các đại học nước ngoài, và họ kí tên với người hướng dẫn nước ngoài.

Tỉ lệ hợp tác quốc tế của VN cũng cao hơn tất cả các nước trong vùng. Ở Thái Lan, khoảng 62% những bài báo kinh tế là có hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài, và tỉ lệ này tương đương với Philippines. Riêng Mã Lai, tỉ lệ hợp tác chỉ 31%; phần lớn là do “nội lực”.

Ảnh hưởng

Nghiên cứu về kinh tế của Việt Nam có gây ảnh hưởng học thuật? Một chỉ số có thể dùng để phản ảnh mức độ tác động trong học thuật là tần số trích dẫn (citation frequency – Bảng 2). Tính trung bình, một bài báo về kinh tế của Việt Nam được trích dẫn 8.72 lần (trong thời gian 1996-2010). Chỉ số trích dẫn này thuộc nhóm trung bình: thấp hơn Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc; cao hơn Trung Quốc và Philippines; nhưng tương đương với Đài Loan. So với trung bình thế giới (8.92), bài báo về kinh tế của Việt Nam có chỉ số trích dẫn thấp hơn.


Bảng 2: Chỉ số trích dẫn trung bình

giáo dục

Vài nhận xét

Những dữ liệu và kết quả phân tích trên đây lần đầu tiên cho thấy hoạt động về nghiên cứu kinh tế của Việt Nam còn thấp, và chất lượng nghiên cứu thuộc vào nhóm dưới trung bình. Trong thực tế, hoạt động về nghiên cứu kinh tế chỉ khởi sắc từ 2005, tức mới 7 năm trước đây. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy số lượng công trình nghiên cứu còn rất ít so với các nước trong vùng.

Một lí do khác có thể giải thích cho sự yếu kém về nghiên cứu kinh tế có lẽ là vấn đề phương pháp. Nghiên cứu về kinh tế có chất lượng tốt cần phải dựa vào những phương pháp hiện đại, đặc biệt là thống kê học. Thế nhưng trong thực tế, rất ít nhà kinh tế học Việt Nam làm quen với những mô hình phân tích hiện đại, hoặc làm quen với những mô hình nghiên cứu hiện đại. Chỉ cần đọc qua những bài báo về kinh tế công bố trên những tập san nội địa, dễ dàng thấy nhiều công trình chưa ứng dụng thống kê đúng, hoặc mô hình nghiên cứu còn mang tính vừa mô tả, vừa hành chính (thay vì khoa học). Kinh nghiệm bên ngành y cho thấy khoảng 70% những bài báo nghiên cứu khoa học bị từ chối công bố là do khiếm khuyết về phương pháp. Với tình trạng kém về phương pháp trong nghiên cứu, có lẽ chúng ta không ngạc nhiên khi thấy sự hiện diện của kinh tế học trên các tập san quốc tế vẫn còn quá ít.

Chưa quen với văn hoá khoa học. Không ít nhà nghiên cứu về kinh tế xem việc công bố quốc tế là một hoạt động phụ. Đối với các giảng viên ở đại học, họ vẫn xem giảng dạy là nhiệm vụ chính (và điều này không sai), và nghiên cứu khoa học chỉ là phụ. Ngay cả những người làm việc ở các viện nghiên cứu kinh tế cũng không xem công bố quốc tế là quan trọng. Thay vào đó, người ta chạy theo những danh hiệu như “chiến sĩ thi đua” bằng cách làm những công trình nghiên cứu đơn giản (chẳng khác gì “mì ăn liền”) và chất lượng những công trình này không thể xứng đáng trên một tập san kinh tế có uy tín cao được.

Vấn đề ngôn ngữ cũng là một rào cản đáng chú ý. Phần lớn (trên 90%) các tập san khoa học, kể cả kinh tế học, trên thế giới dùng tiếng Anh. Trong khi đó, rất nhiều giới học thuật Việt Nam chưa am hiểu tiếng Anh. Những người nói được tiếng Anh có thể vẫn chưa đủ khả năng để viết được một bài báo khoa học hoàn chỉnh. Ngay cả phần lớn những người từng đi du học ở các nước nói tiếng Anh cũng chưa hẳn đủ kinh nghiệm và trình độ để soạn thảo một bài báo khoa học bằng tiếng Anh. Trong điều kiện hạn chế như thế, có lẽ chúng ta không ngạc nhiên khi thấy các nhà nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam chọn cách công bố nghiên cứu trên các tập san nội địa.

Vấn đề của các tập san nội địa về kinh tế là chưa được công nhận. Hai chữ “công nhận” ở đây có nghĩa là chưa được liệt kê trong các thư mục của ISI hay Scopus. Để được công nhận, các tập san cần phải có ban biên tập với thành viên quốc tế, có hệ thống bình duyệt rõ ràng, và những bài báo trên tập san có người trích dẫn. Theo tôi biết, hiện nay chưa có một tập san về kinh tế nào của Việt Nam được công nhận vì chưa đáp ứng những điều kiện vừa đề cập.

Trong thực tế, Việt Nam có nhiều nghiên cứu về kinh tế, nhưng các nghiên cứu này thường xuất hiện trên các tập san nội địa. Theo thống kê của tác giả Phạm Duy Hiển, trong năm 2004, các nhà khoa học Việt Nam công bố 8408 bài báo khoa học trên các tập san trong nước (trong số này có đến 53% là những bài liên quan đến khoa học xã hội, kể cả kinh tế), nhưng trong năm đó chỉ có khoảng 350 bài trên các tập san quốc tế. Điều này dẫn đến tình trạng “ta viết ta đọc” chứ chưa quảng bá nghiên cứu của Việt Nam trên trường quốc tế.



URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=6654

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn