Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

GS Hoàng Xuân Sính: 'Tại sao Bộ GD lại dồn trường NCL vào thế bí?'
09/11/2012

trường ngoài công lập(GDVN) - Nếu công tâm với nhiệm vụ của mình phải làm, của nhân dân trao cho, của nhà nước trao cho thì lãnh đạo Bộ Giáo dục hãy điều hành các trường NCL trong 3 năm để thấu hiểu, chứ chỉ loáng thoáng thôi thì không thể biết hết được những khó khăn.


Phải tận mắt nhìn thấy các trường gặp khó khăn tới mức nào khi làm việc với các cấp chính quyền thì sẽ hiểu ngay tại sao nhiều vấn đề các trường không thực hiện được. Bộ trưởng đích thân điều hành việc đi tìm đất thì sẽ hiểu ngay thôi, khó chẳng khác gì đi tìm đất trên mặt trăng.

GS Hoàng Xuân Sính - người luôn có những đóp góp rất lớn trong hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng NCL chia sẻ, việc áp dụng tiêu chí đất/tỷ lệ sinh viên đối với các trường để làm căn cứ đình chỉ tuyển sinh, hoạt động của trường đó là không thực tế. Báo Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với bà để hiểu hơn về các tiêu chí này.

- Thưa GS Hoàng Xuân Sính, như văn bản số 1319/KL-BGDĐT cuối năm 2011 có kết luận kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường đại học, trong đó có các tiêu chí như chưa có đất và tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao. Theo GS, các tiêu chí này đặt trong hoàn cảnh hiện nay có đúng với thực tế không khi mà nhiều trường công lập cũng không đáp ứng đủ?

GS Hoàng Xuân Sính: Thực tế khi mở trường Bộ cũng đã đưa ra các điều kiện đó đối với các trường khi các trường làm đơn xin thành lập, tôi xin lỗi Bộ nhưng tôi dám chắc Bộ cũng biết rằng các điều kiện đó là quá cao, không thực hiện được, người nộp đơn xin mở trường tôi nghĩ họ cũng biết là quá cao không thực hiện được. Nhưng làm cách nào đó vẫn xin được phép mở trường thì tôi không ở trong nội bộ câu chuyện, tôi không biết, tôi không dám nói liều ở đây, nhưng bên ngoài người ta nói như thế là tạo ra cơ chế xin-cho (Bộ đã tạo ra những chính sách mà ngay cả bản thân Bộ biết là rất khó để thực hiện, và người xin cũng biết rằng với chính sách này mình cũng không thực hiện được), nhưng hai bên vẫn làm thế nào mà để vẫn có giấy phép thì cái đó người ta nói rằng tạo cơ chế xin-cho.

Giáo sư Hoàng Xuân Sính

GS Hoàng Xuân Sính: Nếu mà có công tâm đối với nhiệm vụ của mình phải làm, của nhân dân trao cho, của nhà nước trao cho thì các vị hãy điều hành các trường NCL trong 3 năm để thấu hiểu, chứ chỉ loáng thoáng xuống tìm hiểu thôi thì không thể biết hết được những khó khăn.


Tôi muốn tách ra câu chuyện đó, nếu tôi là Thanh tra Chính phủ thì sẽ tìm hiểu xem là với một chính sách mà không thể thực hiện được như vậy mà tại sao vẫn có giấy phép? Bên xin vẫn biết là khó thực hiện nhưng vẫn xin, bên cho dù biết là rất khó nhưng rồi vẫn cho, vậy thì cái gì xảy ra ở đây? Nếu tôi là Thanh tra Chính phủ tôi sẽ đi thanh tra về vấn đề đó. Đó là một câu hỏi, đồng thời cũng là một đề nghị khi Chính phủ thanh tra thì phải thanh tra khâu đó, không thanh tra khâu này thì không thể nào làm việc tiếp theo được.

- Vì sao Bộ GD&ĐT biết các tiêu chí đó các trường sẽ không thể đáp ứng được nhưng vẫn áp dụng, ý kiến của GS về vấn đề này?

GS Hoàng Xuân Sính: Đúng như vậy, sau khi trường được phép mở rồi, Bộ lại đòi hỏi có bao nhiêu diện tích đất/sinh viên, bao nhiêu giáo viên cơ hữu/sinh viên, rồi phải có giáo sư đầu ngành ở mỗi ngành, điều này các trường không thể thực hiện ngay được, phải ít nhất sau hàng mấy chục năm nếu có may mắn phát triển trường, ta cứ nhìn các trường công phải mất bao nhiêu năm thì biết ngay. Điều kiện đưa ra như thế là không thực hiện được, cho nên có phạt gì đi chăng nữa thì vẫn thế thôi, cùng lắm các trường sẽ đóng cửa.

Như vậy, khi đã cho phép thành lập trường rồi thì Bộ lại quên mất vì sao mình cho phép và Bộ bây giờ chỉ áp dụng luật để xử phạt. Tất cả các câu chuyện nó xảy ra là như vậy. Nếu chúng ta chỉ nhìn ở góc độ xử phạt mà không nhìn vì sao Bộ lại cho phép thành lập các trường thì Bộ có lí, luật là như vậy.

- Như vậy, câu chuyện mở trường và đóng trường phải chăng là quá dễ và có phần lãng phí?

GS Hoàng Xuân Sính: Nếu thực sự mong muốn xã hội hóa giáo dục cho tốt để đỡ gánh nặng cho nhà nước vì hiện giờ tiền là vấn đề nổi cộm trong giáo dục thì trên cương vị của lãnh đạo Bộ các vị cần hiểu rằng mỗi lần xử phạt các trường NCL như vậy là lãng phí rất nhiều của xã hội. Vậy thì giáo dục lấy tiền đâu mà xoay sở?

trường dân lập đại học Thăng Long
ĐH Thăng Long là trường dân lập đầu tiên vươn lên từ khó khăn.

Ở giai đoạn này tôi có một ý nghĩ, nói thật đây là suy nghĩ rất thành tâm, tôi nghe chuyện đổi mới toàn diện nền giáo dục, các ý kiến của những giáo sư tôi thấy đều đúng cả, thực tình tôi nói Bộ nên chăng còn thiếu thực hành? Tôi thử nghĩ các vị quan chức của Bộ hãy phụ trách điều hành mỗi người một trường NCL trong ba năm thì lúc đó các chính sách mới thay đổi. Ý nghĩ đó là rất chân thành chứ tôi không hề nói cho vui, phải điều hành thì mới biết được tất cả các khó khăn, chứ giờ kể ra thì không thể nói hết được. Các vị có thể làm được lãnh đạo Bộ, tôi nghĩ như vậy, nhưng các vị thử trực tiếp điều hành một trường NCL thì sẽ biết thế nào là thực tiễn, nó muôn hình muôn vẻ lắm.

Bộ Giáo dục "đẻ" ra trường ngoài công lập, nhưng không "nuôi"

- Việc áp dụng các tiêu chí để ra mức kỷ luật đối với các trường NCL phải chăng Bộ GD&ĐT chưa nghĩ tới hệ quả về sau, đó là xã hội hóa, đó là con người, đó là cùng chung tay giảm gánh nặng cho nhà nước?

GS Hoàng Xuân Sính: Tôi cũng đã nói với một quan chức của Bộ Giáo dục về trường hợp của Trường ĐH DL Đông Đô. Bộ dồn trường vào một thế bí là đình chỉ tuyển sinh chỉ vì không có sở hữu trường sở riêng. Tại sao Bộ lại dồn trường vào thế bí? Bây giờ, tôi để cho vị đó tìm đất đai trong một năm xem có làm được không? Đã 17 năm không tìm được đất, giờ đình một năm để đi tìm thì làm sao mà tìm được, tìm đất khó lắm, đất nào chứ đất Hà Nội giá cao khủng khiếp.

Thế cho nên khi đã nhận được một cái đơn xin mở trường thì phải mở bản đồ ra để xem quy hoạch, chỗ nào nhiều trường đại học công thì đừng cho trường dân lập vào, chỗ nào là “cánh đồng hoang” bảo trường đóng ở đó sinh viên không đến học thì cũng đừng cho thành lập ở đó, phải có một quy mô hợp lí để xây dựng trường.

Sau khi cho phép mở trường thì Bộ cũng cần làm việc với UBND nơi mà trường đóng để cho trường có đất chứ không phải là quẳng mặc như thế. Gọi là ngoài công lập nhưng khi kiểm tra, tất cả mọi thứ đều dưới quyền của Bộ thì tại sao Bộ lại không chăm sóc? Nếu Bộ chăm sóc tốt, thì theo các vị lãnh đạo giáo dục nói nhiều lần, sinh viên NCL sẽ chiếm 40% của cả nước, kèm theo đó ngân sách giáo dục đại học bớt đi 40% cho nhà nước, vậy đó là một công lao lớn cho nhà nước. Cho nên mỗi một con người công chức nhà nước, dù thấp hay cao, nghĩ đến nước còn nghèo, chỉ cần công tâm một chút thôi thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều cho ngân sách.

Nếu Bộ cử người thử làm việc ba năm ở những trường NCL thì sẽ có cách đối xử khác với mô hình này. Tôi không muốn nói Bộ sinh ra đứa con NCL rồi bỏ mặc mà Bộ đã sinh ra đưa con ngoài giá thú, rồi Bộ xấu hổ với xã hội, giấu biến với mọi người. Việc này rồi xã hội sẽ đánh giá, tất cả nằm ở vấn đề công tâm, nếu công tâm từ lúc mở trường thì vấn đề lại khác.

- Vì sao lâu nay QĐ 69 của Chính phủ về xã hội hóa một số lĩnh vực, trong đó có giáo dục về giao đất sạch cho các cơ sở giáo dục, không phân chia công, tư lại chưa được bộ thực hiện đến nơi, điều này có thể liên quan tới các trường NCL?

GS Hoàng Xuân Sính: Tôi không biết Bộ có làm việc với các địa phương nơi trường đóng trụ sở hay không, nhưng nếu Chính phủ cử Thanh tra Chính phủ đi thanh tra các Bộ xem có thực hiện các Nghị định của Chính phủ hay không, nếu không thì sẽ tuýt còi giống như các trường bị Bộ tuýt còi, thì chắc chắn là Bộ sẽ phải làm việc. Tôi chưa thấy thanh tra Chính phủ đi thanh tra các Nghị định bao giờ.

- GS có nhắn nhủ gì tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về vấn đề này?

GS Hoàng Xuân Sính: Nếu công tâm đối với nhiệm vụ của mình phải làm, của nhân dân trao cho, của nhà nước trao cho thì lãnh đạo Bộ Giáo dục hãy điều hành các trường NCL trong 3 năm để thấu hiểu, chứ chỉ loáng thoáng xuống tìm hiểu thôi thì không thể biết hết được những khó khăn. Phải tận mắt nhìn thấy các trường gặp khó khăn tới mức nào khi làm việc với các cấp chính quyền thì sẽ hiểu ngay tại sao nhiều vấn đề các trường không thực hiện được. Bộ trưởng đích thân điều hành việc đi tìm đất thì sẽ hiểu ngay thôi, khó chẳng khác gì đi tìm đất trên mặt trăng.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!



URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=6797

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn