Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.vnschool.net

Đưa giáo dục Việt Nam thoát khỏi yếu kém và lạc hậu
12/02/2013

(GDVN) - Ngay từ những năm sau 1975, giáo dục không được quan tâm đúng mức, không có một sự định hướng phát triển thực sự rõ ràng: "Dạy gì, học gì, đạt mức độ nào và để làm gì", luẩn quẫn trong sự khó khăn của kinh tế. Chưa có chính sách ưu tiên thu hút nhằm phát triễn nguồn nhân lực cho giáo dục vì thế chất lượng đội ngũ ngày càng giảm, không đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục.


Chúng ta luôn nói rằng "Giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhưng có lẽ đó mới là điều mong mỏi, điều mà chúng ta sẽ hướng tới, còn trên thực tế thì chưa có chiến lược rõ ràng. Chính vì thế các lần cải cách giáo dục không mang lại kết quả mong muốn, chất lượng giáo dục yếu kém. Sự yếu kém của đội ngũ đã dẩn đến những sai lầm cơ bản ngay từ nội dung, chỉ đạo, và quá trình thực hiện các đợt cải cách.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Vì thế, để bảo đảm thành công cải cách lần này cần tập trung giải quyết các mục tiêu cơ bản. Bắt đầu là đội ngũ, để có một đội ngũ giáo viên mạnh toàn diện, trước hết phải nâng cấp các trường đại học sư phạm trọng điểm kể cả quy mô và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đào tạo mới. Đối với việc đào tạo giáo viên, nhà nước phải có một kế hoạch dài hạn và từng giai đoạn. Tất cả giáo viên dạy phổ thông từ nay về sau phải tốt nghiệp đại học trong hoặc ngoài nước. Tuỳ theo năng lực và nguyện vọng để tuyển chọn, đào tạo giáo viên cho từng cấp. Chỉ tuyển vào nghành sư phạm những học sinh có chất lượng trên trung bình và tất cả phải qua sơ tuyển theo những tiêu chuẩn nhà nước.

Bên cạnh đó nhà nước phải có một chế độ thu hút cao. Ngay từ bây giờ phải đặt ra một mức lương giáo viên cao hơn trong khối công chức nhà nước, đủ sức thu hút, do đặc trưng của nghề nghiệp, để bảo đảm sau 5 đến 10 năm chúng ta sẽ có đội ngũ giáo viên mới thay thế dần số giáo viên cũ.

Đối với giáo viên đang giảng dạy, Bộ GD-ĐT phải đề nghị với chính phủ nghiên cứu một mức lương bảo đảm đời sống cho họ và kiên quyết cấm dạy thêm, có kế hoạch bồi dưởng nghiêm túc, có chất lượng về cả chuyên môn và kiến thức theo tiêu chuẩn của bộ GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu chương trình cải cách. Phải kiểm tra, đánh giá, phân loại và có động viên những người tích cực trong quá trình bồi dưỡng và tự học.

Cũng như các ngành nghề khác việc nâng bậc lương cho giáo viên phải thực hiện thi nâng bậc theo tiêu chuẩn của ngành. Tránh hiện tượng đến hẹn lại lên như đã từng làm. Từng bước củng cố và nâng cao địa vị và vai trò của người thầy trong xã hội. Đối với đội ngũ quản lý giáo dục phải được tuyển chọn dân chủ và đào tạo chính quy. Thứ hai: Tổ chức lại các cấp học một cách hợp lí theo hệ thống phổ thông 12 năm. Trong đó tiểu học 5 năm, trung học 5 năm và trung học phân ban 2 năm. Đồng thời xây dựng chương trình giảng dạy hợp lí của các môn học cho từng lớp, từng cấp học.

Đối với trường trung học phân ban (THPB) nên bớt số lượng các môn học. Ở cấp THPB học sinh chỉ học nhiều nhất là 4 môn văn hoá cơ bản, với 3 môm bắt buộc là Toán (hoặc Văn), Ngoại ngữ, Tin học và học thêm một môn nâng cao (Môn theo ban) do học sinh tự đăng ký theo qui định của nhà trường. Đối với các môn có tính nghệ thuật và rèn luyện thể chất, ở cấp THPB học sinh có thể đăng kí học theo các câu lạc bộ hoặc đăng kí học ngoài giờ ở trường, tuỳ khả năng của trường sở tại, cần quan tâm hơn đối với môn bơi lội trong trường phổ thông.

Trước đây học sinh THPB do phải học quá nhiều môn (13 hoặc 14 môn), giảm bớt số tiết trong tuần của nhiều môn học cơ bản (Toán 10 ban B mỗi tuần 3 tiết), làm mất tính đặc thù của loại hình THPB, là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng THPB giảm sút và THPB về cơ bản bị phá sản . Với cơ cấu tổ chức như trên, sau khi học hết bậc trung học, học sinh phải được thi tốt nghiệp tốt nghiệp phổ thông , để được xét theo tiêu chuẩn lên trung học phân ban(1/3) hoặc vào các trường trung cấp hay cao đẳng tuỳ theo khả năng của các em. Riêng với học sinh THPB, sau hai năm học tập thì phải qua kì thi tuyển sinh đại học. Những học sinh không đủ tiêu chuẩn vào đại học thì có thể theo học cao đẳng và trung cấp như học sinh THPT.

Thứ ba là sách giáo khoa: Trên cơ sở phân phối chương trình, sách giáo khoa phải được biên soạn lại. Nội dung của sách phải đảm bảo tính tinh giảm, khoa học, dân tộc và hiện đại, sao cho dễ học, dễ nhớ, dễ vận dụng và hấp dẫn. Một số bài học có thể trình bày dưới dạng các băng hình, phản ánh đúng các nội dung cần truyền đạt. Phải thành lập một hội đồng viết sách giáo khoa gồm nhiều giáo sư, kết hợp với các thầy giáo giỏi đang trực tiếp giảng dạy ở các trường phổ thông để biên soạn sách một cách hệ thống và đồng bộ giữa các cấp. Tránh việc viết sách theo kiểu đặt hàng hoặc “làm thêm” của giáo sư như trước đây. Nội dung kiến thức cơ bản phải gắn với thực tiển cuộc sống và có tác dụng giáo dục nhân cách cho người học trong từng bài giảng tuỳ theo đặc trưng của bộ môn.

Thứ tư là quy chế kiểm tra, thi, đánh giá, phân loại và tuyển dụng. Do hoàn cảnh của một đất nước mới bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển nên ý thức tự giác của xã hội nói chung và của người học sinh chưa cao, nên để đánh giá đúng chất lượng học tập, tạo ra sự phấn đấu vươn lên trong học tập của học sinh, trước mắt cần duy trì chế độ dạy và học trên cơ sở kiểm tra,thi , tuyển khách quan và công bằng. Nhằm tạo công bằng xã hội và thể hiện tính ưu việt của chế độ là coi trọng tri thức, học vấn. Tuy còn nhiều vấn đề cần phải bàn giữa học vấn và hiệu quả công việc nhưng bất luận trong chế độ xã hội nào tri thức luôn được coi trọng. Còn việc thi sau khi học của chúng ta hiện nay không phải để chọn quan. Học cũng nhằm mục đích làm và thi để phân loại ai học tốt hơn và biết được người nào sẽ làm tốt hơn.

Trong xã hội phát triển, không có một sản phẫm nào làm ra mà không được kiểm định về chất lượng. Kiểm tra là thầy giáo tự kiểm định chất lượng học sinh do mình giảng dạy. Tổ chức tốt các kì thi là sự kiểm định có tính nhà nước đối với sản phẫm đặc biệt của ngành giáo dục. Về mặt nào đó tổ chức tốt các kì thi còn là động lực tích cực thúc đẩy qúa trình dạy và học của thầy và trò. Có vài ý kiến cho rằng thi cử tạo ra áp lực tâm lý căng thẳng, Điều đó là một thực tế. Một kì thi là một thử thách đối với người học, ai là người đủ khả năng và có bản lĩnh sẽ vượt qua và càng trưởng thành, ngược lại thì sẽ bị thải loại và điều đó phù hợp với quy luật cuộc sống.

Nhớ lại giai đoạn trước 1970, việc thi cử còn khá nghiêm túc, cũng từ những kì thi đó bao nhiêu người đã thành danh và có những đóng góp đáng kể cho đất nước và xã hội. Điều đó khẳng định thi không phải là trở lực của việc học tập của học sinh. Không thể vì không quản lý được một số kì thi mà bỏ các kì thi đó.Việc bỏ kì thi tốt nghiệp THCS đã có ảnh hưởng tiêu cực đối với chất lượng giáo dục không chỉ riêng đối với cấp THCS mà còn ảnh hưởng xấu đối với THPT, THPB và điều đó cũng có nghĩa là ảnh hưởng xấu đối với cả hệ thống giáo dục đại học và chuyên nghiệp. Phải coi việc kiểm tra, thi cử là một trong những hoạt động bình thường và tự nhiên trong quá trình giảng dạy và học tập. Cần tránh hiện tượng thi hoặc kiểm tra đánh đố học sinh hoặc các hiện tượng tiêu cực trong thi cử.

Điều cuối cùng là xây dựng cơ sở vật chất , trường lớp cho tiến trình cải cách. Ai cũng biết, không thể triển khai các nội dung và phương pháp giáo dục hiện đại trong một ngôi trường có cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu.

Vì thế không chỉ người dạy mà cơ sở vật chất cho dạy và học cải cách phải đi trước một bước. Song song với việc xây dựng đội ngũ giáo viên thì xây dựng cơ sở vật chất là một nội dung quan trọng quyết định của sự thành công của cải cách giáo dục. Điều này nhà nước, nhân dân, và trường sở tại phải có trách nhiệm thực hiện, tuy không phức tạp, song đòi hỏi nguồn kinh phí tương đối lớn. Vì thế ta phải tiến hành từng bước theo một qui hoạch tổng thể, có kế hoạch, tránh chồng chéo và lảng phí. Trên đây là những ý kiến cá nhân, có thể chưa đúng, song là những suy nghĩ góp ý với đề án cải cách giáo dục của ngành



URL của bài viết này::http://www.vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=6994

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn